Dạy học theo quan niệm “của rẻ là của ôi”!
“Em ơi tiền nào của nấy, của rẻ là của ôi!”, câu nói của một giám đốc truyền thông công ty liên kết ngoại ngữ chia sẻ với phóng viên báo Điện tử Giáo dục Việt Nam khiến chúng tôi không thể giật mình.
Trước những băn khoăn, vì sao tại một trường học nằm ở Trung tâm Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội một tháng học sinh chỉ đóng có 140 nghìn đồng hay 120 nghìn đồng để được học tiếng Anh với giáo viên bản ngữ. Nhưng với số tiền tương đương, ở một trường tại quận Long Biên học trò chỉ học được với giáo viên người Việt.
Doanh nghiệp luôn đặt lợi nhuận lên đầu tiên nên việc dạy học đã bị xem nhẹ trên thực tế. Trong ảnh là học trò học tiếng anh DynEd chơi game trong giờ học. (ảnh Trinh Phúc). |
Tại sao cùng một doanh nghiệp dạy ở quận này là 140 nghìn đồng/một học sinh/tháng nhưng sang quận khác lại 160 nghìn đồng/học sinh/tháng, thậm chí 280 nghìn đồng/học sinh/tháng. Chưa kể, có trường hợp năm trước mới 140 nghìn đồng/học sinh/tháng nhưng năm sau nhảy lên đến 250 nghìn đồng/học sinh/tháng.
Chủ doanh nghiệp liên kết ngoại ngữ kể góc khuất phải quan hệ từ Trường đến Sở |
Rồi chuyện, học phí giá cao và học phí giá thấp. Nhiều trường duy trì hai hình thức liên kết, đó là kiểu liên kết giá 600 nghìn đồng/học sinh/tháng với Language link và một doanh nghiệp khác có học phí giao động từ 140 nghìn đồng đến 250 nghìn đồng/học sinh/tháng.
Điều đáng bàn, số tiền phụ huynh chi trả trên nó không chỉ phục vụ cho việc dạy và học mà còn nhiều khoản chi khác nữa.
Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam từng đề cập đến trong bài viết “Học phí kiểu gì doanh nghiệp dạy liên kết ngoại ngữ cũng chơi được”, hay như “Dạy liên kết ngoại ngữ, chia chác đủ kiểu, doanh nghiệp vẫn siêu lợi nhuận”, “Chủ doanh nghiệp liên kết ngoại ngữ kể về góc khuất quan hệ từ trường đến Sở”.
Quá trình là việc với các doanh nghiệp, có giám đốc truyền thông còn kể khổ với phóng viên, tiền thu từ học sinh ít thế nhưng chi phí cho Sở, Phòng, Nhà trường lại rất nhiều khoản.
Nào là chuyện cưới xin, ma chay, Tết nhất, ngày lễ… đều phải chi. Xuân thu nhị kỳ đều phải đến ra mắt.
Các khoản quan hệ, bôi trơi đã ngốn rất nhiều chi phí, mất nhiều thời gian, tâm sức của doanh nghiệp. Ngoài ra, doanh nghiệp còn để lại phần trăm tiền cho nhà trường.
Ghi nhận của phóng viên báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, thông thường trên giấy tờ hợp đồng doanh nghiệp để lại cho nhà trường khoảng 20% tiền học phí. Tiền này, nhiều nơi công khai cho phụ huynh học sinh nhưng cũng có nơi lại giấu nhẹm đi.
Dạy liên kết ngoại ngữ, nhà trường "ăn" các kiểu nhưng cố tình giấu nhẹm! |
Trên thực tế, vì doanh nghiệp liên kết lôi kéo giáo viên tiếng Anh trong trường tham gia dạy liên kết ngoại ngữ nên việc trích lại tiền cho nhà trường và thầy cô lớn hơn những con số ghi trong hợp đồng.
Khoản tiền doanh nghiệp trích lại phần trăm cho nhà trường được chi như thế nào vẫn đang là ẩn số chờ cơ quan chức năng giải mã?
Bản thân, doanh nghiệp đầu tư liên kết ngoại ngữ, mục đích hướng tới vẫn là lợi nhuận tối đa. Do đó, khi mà số tiền bị chia nhỏ ra ở nhiều khâu đồng nghĩa với việc tiền đầu tư cho giảng dạy lại ít đi.
Nói theo kiểu “của rẻ là của ôi” thì dấu hỏi về chất lượng ngoại ngữ liên kết thực sự đang rất lo ngại.
Chờ một cam kết về chất lượng đầu ra
Trong khi, Phòng, Sở luôn ca ngợi về điều lợi mà liên kết ngoại ngữ mang lại xem đó như một biện pháp hữu hiệu thúc đẩy chất lượng dạy học ngoại ngữ. Xem đó như hướng đi tất yếu để thực hiện Đề án ngoại ngữ đến năm 2020 - vốn đã thất bại trên thực tế.
Trong các báo cáo thành tích về học tập ngoại ngữ của Phòng, Sở, luôn cho rằng thành tích học tập ngoại ngữ của các em học sinh nâng lên rõ rệt khi tiến hành dạy liên kết ngoại ngữ.
Nhưng sự ghi nhận thực tế của phóng viên với cha mẹ phụ huynh lại hoàn toàn ngược lại. Họ không tin mấy về chất lượng giảng dạy ngoại ngữ trong các nhà trường hiện nay.
Dạy liên kết ngoại ngữ, chia chác đủ kiểu doanh nghiệp vẫn siêu lợi nhuận |
Nhiều phụ huynh có con em học ngoại ngữ tốt đều cho biết, để nâng cao năng lực ngoại ngữ cho học sinh, ngoài học ngoại ngữ ở trường, học liên kết, họ còn cho các cháu học ở các trung tâm ngoại ngữ và thuê cả gia sư về dạy ở nhà nữa.
Do đó, lý giải việc con họ học giỏi ngoại ngữ phụ huynh cho rằng là do có gia sư hoặc con họ học ở các Trung tâm ngoại ngữ danh tiếng.
Các thông tin thu thập được từ phụ huynh luôn mâu thuẫn với những gì nhà trường, Phòng, Sở báo cáo. Việc tự vơ lấy thành tích học tập ngoại ngữ của học sinh hiện nay là do liên kết ngoại ngữ mang lại hoàn toàn thiếu căn cứ khoa học.
Ngay cả một chuyên viên của doanh nghiệp có chương trình liên kết ngoại ngữ đã thừa nhận với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam rằng: "Không thể vơ lấy thành tích học tập ngoại ngữ hiện nay là do liên kết mang lại.
Bởi, bản chất của liên kết ngoại ngữ là dạy bổ trợ cho chương trình chính khóa. Mà đã là bổ trợ thì chỉ có phụ thêm thôi. Nên học sinh có học giỏi, học dốt đều không phải lỗi hoàn toàn thuộc về liên kết ngoại ngữ".
Giáo dục Thủ đô không thể thờ ơ với liên kết ngoại ngữ DynEd kèm chơi game |
Rõ ràng, liên kết ngoại ngữ đi vào trường học đến nay 10 năm mà chưa mang đến sự yên tâm cho phụ huynh thì cần thiết phải được xem xét.
Con số trên 90% học sinh tham gia học liên kết ngoại ngữ ở các bậc tiểu học nhiều khi chưa phản ánh đúng chính xác niềm tin và kỳ vọng của phụ huynh.
Nhu cầu học ngoại ngữ của học sinh và phụ huynh là có thật nhưng việc học liên kết ngoại ngữ mang lại được cái gì thì cần thiết phải được thẩm định rõ ràng. Không thể, cứ nộp tiền và học nhưng chất lượng đầu ra buông lỏng như hiện nay.