Một trong những nội dung được quan tâm nhiều nhất tại phiên thảo luận về Dự thảo Luật Quản lý nợ công (sửa đổi) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 20/3 vừa qua chính là việc có đưa nợ của doanh nghiệp nhà nước vào nợ công hay không?
Theo Luật Quản lý nợ công 2009, nợ của Chính phủ, nợ của chính quyền địa phương và nợ do Chính phủ bảo lãnh được tính vào nợ công. Còn các khoản nợ do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phát hành và nợ doanh nghiệp nhà nước sẽ không được tính vào nợ công.
Vấn đề có nên chuyển nợ của doanh nghiệp nhà nước vào nợ công hay không xuất phát từ việc trong doanh nghiệp nhà nước (bao gồm doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, doanh nghiệp cổ phần có vốn nhà nước…) có tài sản của Nhà nước, tài sản đó cũng là của nhân dân. Nếu doanh nghiệp nhà nước không trả được nợ dẫn đến phá sản thì tài sản Nhà nước sẽ mất.
Bộ trưởng Bộ Tài chính - ông Đinh Tiến Dũng trình bày tờ trình Dự thảo Luật Quản lý nợ công (sửa đổi) - Ảnh: Đình Nam/ Cổng thông tin điện tử Quốc hội. |
Bất cập trong quản lý
Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành cho biết, một trong những bất cập trong quản lý nền kinh tế chúng ta hiên nay là việc doanh nghiệp nhà nước được bảo lãnh, được ưu đãi quá nhiều.
“Dù Việt Nam bước sang kinh tế thị trường nhưng doanh nghiệp nhà nước vẫn được hưởng ưu đãi như thời bao cấp. Ưu đãi thể hiện rõ nhất là chính sách ưu đãi vay vốn, bảo lãnh nợ”, ông Bùi Kiến Thành cho biết.
Theo ông Thành nếu doanh nghiệp nhà nước dùng ưu đãi đó để xây dựng phát triển và vươn ra thế giới trở thành những siêu công ty, tập đoàn thì không nói làm gì. Nhưng thay vào đó doanh nghiệp nhà nước dựa dẫm vào chính sách, ưu đãi để cạnh tranh với doanh nghiệp tư nhân trong nước thì cần phải xem lại.
Ông Thành cho rằng, trong nền kinh tế thị trường nhiệm vụ doanh nghiệp quốc doanh không phải kinh doanh cạnh tranh với doanh nghiệp tư nhân mà phải tập chung phát triển cơ sở hạ tầng, phát triển dịch vụ công ích.
“Doanh nghiệp nhà nước nên tập chung phát triển cơ sở hạ tầng về giao thông, phát triển năng lượng điện đảm bảo yêu cầu công nghiệp hóa, chứ không lĩnh vực nào cũng tham gia để cạnh tranh với tư nhân như hiện nay”, ông Thành nói.
Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam - ảnh: H.Lực. |
Trở lại Dự thảo Luật Quản lý nợ công (sửa đổi), theo ông Thành sở dĩ có sự băn khoăn giữa việc chuyển nợ doanh nghiệp nhà nước vào nợ công hay không xuất phát từ lo ngại thất thoát tài sản nhà nước.
Cụ thể, thứ nhất nếu chuyển nợ doanh nghiệp nhà nước vào nợ công khiến nợ quốc gia tăng lên ảnh hưởng đến phát triển kinh tế. Nợ công tăng dẫn đến áp lực trả nợ, khi đó thu ngân sách chỉ dùng chi tiêu và trả nợ không có nguồn để tái đầu tư
Thứ hai, ở chiều ngược lại nếu không “cứu” doanh nghiệp nhà nước, không chuyển nợ của doanh nghiệp nhà nước sang nợ công, doanh nghiệp nhà nước có thể thua lỗ dẫn đến phá sản, điều này đồng nghĩa tài sản nhà nước sẽ mất.
Từ lo ngại trên theo ông Thành suy cho cùng yếu kém doanh nghiệp nhà nước do vấn đề quản lý.
Phân tích cụ thể ông Thành cho biết, trong doanh nghiệp nhà nước luôn có cán bộ công chức, viên chức nhà nước được giao giữ vai trò đại diện vốn nhà nước tham gia điều hành doanh nghiệp.
Vậy doanh nghiệp vay tiền thực hiện các dự án, dự án không hiệu quả thì vai trò người đại diện vốn nhà nước ở đâu?
Ông Thành dẫn chứng trong 12 dự án, nhà máy thua lỗ của ngành Công Thương có những dự án hiện nay đang lâm vào cảnh “tiến thoái lưỡng nan” và buộc phải dừng dự án.
“Những dự án như Nhà máy bột giấy Phương Nam, dự án Nhà máy gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2 với hàng nghìn tỷ đồng đầu tư giờ lỗ không thu hồi được vậy có xử lý trách nhiệm cá nhân hay không, xử lý như thế nào, chưa được rõ ràng”, ông Thành cho biết.
Về nguyên tắc trong nền kinh tế thị trường, theo ông Thành, dù là doanh nghiệp nhà nước nhưng thua lỗ hoạt động không hiệu quả kéo dài vẫn phải cho phá sản. Dù tài sản nhà nước mất một phần, dù đau một lần còn hơn giữ lại một doanh nghiệp hoạt động cầm chừng, rệu rã.
Lối thoát tái cơ cấu doanh nghiệp
Bày tỏ quan điểm về việc chuyển nợ doanh nghiệp nhà nước vào nợ công Phó Giáo sư - Tiến sĩ Bùi Quang Bình – Tạp chí Khoa học kinh tế (Đại học Kinh tế Đà Nẵng) cho biết: “Trừ khoản vay của doanh nghiệp được Chính phủ bảo lãnh còn lại các khoản vay khác doanh nghiệp phải tự vay phải trả”.
Vinashin, Vinalines phá sản thì ai trả nợ? Đâu là tế bào gốc của xã hội “nhóm lợi ích”? |
Phó Giáo sư Bình phân tích, khi chuyển nợ doanh nghiệp nhà nước vào nợ công có nghĩa Chính phủ phải lo trả nợ cùng với doanh nghiệp đó.
Điều đó đồng nghĩa mọi khoản vay doanh nghiệp nhà nước nếu doanh nghiệp không trả được nhà nước sẽ phải trả nợ thay. Như vậy con số nợ công sẽ tăng lên rất lớn.
Từ phân tích trên Phó Giáo sư Bình cho rằng, các khoản vay doanh nghiệp nhà nước với nhiều mục đích khác nhau, do lãnh đạo doanh nghiệp quyết với mục tiêu kinh doanh không phải vì mục đích công ích, phục vụ xã hội.
Vì thế nếu vay không trả được phải tự thu xếp không thể chuyển khoản nợ đó sang nợ công.
Mặt khác, mỗi khoản vay bản thân doanh nghiệp đã tự có phương án trả nợ, kế hoạch trả nợ. Trong trường hợp doanh nghiệp nhà nước không trả được nợ mà vốn chủ sở hữu âm cần tính phương án phá sản.
Theo ông Bình, nếu chuyển nợ doanh nghiệp nhà nước sang nợ công có nghĩa doanh nghiệp cứ vay trả được hay không có Nhà nước đứng sau như vậy vừa tạo ra môi trường cạnh tranh không lành mạnh giữa doanh nghiệp trong và ngoài quốc doanh. Vừa có thể dẫn đến việc doanh nghiệp lập dự án khống để vay vốn tràn lan, từ đó làm tăng nợ xấu trong nước và tăng nợ nước ngoài.
Phó Giáo sư Bùi Quang Bình nêu giải pháp, để giải quyết vấn đề nợ doanh nghiệp nhà nước cần tiến hành thoái vốn và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.
Phải thực hiện đúng tinh thần Chính phủ đặt ra: Nhà nước chỉ đầu tư lĩnh vực tư nhân không làm được và "Chính phủ không đi bán bia, không đi bán sữa. Những lĩnh vực ấy Chính phủ và ngân sách Nhà nước không cần nắm giữ. Tư nhân làm tốt hơn thì để cho tư nhân làm”.
Cùng chung quan điểm, ông Bùi Kiến Thành cho rằng, cần đẩy mạnh thoái vốn, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước. Những lĩnh vực không phải trọng yếu, không liên quan an ninh quốc phòng nên tư nhân hoàn toàn để tạo cơ chế thị trường cạnh tranh.