LTS: Trước tình trạng dư thừa giáo viên và cử nhân sư phạm thất nghiệp tràn lan hiện nay, thầy giáo Đỗ Tấn Ngọc cảm thông với những băn khoăn lo lắng về vấn đề việc làm của giáo sinh thực tập.
Trong khi đó, chất lượng giáo sinh hiện nay thấp hơn về nhiều mặt so với những thế hệ trước.
Đây thực sự là bài toán nan giải cho những người làm công tác quản lý giáo dục.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết!
Đến thời điểm cuối tháng 3 này, công tác hướng dẫn thực tập cho các giáo sinh ngành Sư phạm ở trường phổ thông sẽ sắp khép lại. Thực tập sư phạm thường có 8 tuần, 2 tuần đầu là kiến tập, 6 tuần sau là thực tập.
Thái độ, ý thức tổ chức kỷ luật, công tác chủ nhiệm, công tác giảng dạy chuyên môn là 3 mặt tạo nên kết quả chung của cả đợt thực tập sư phạm, trong đó kết quả chuyên môn được tính hệ số 2.
Thời gian thực tập 8 tuần, chưa phải đủ nhiều nhưng một phần nào đó giúp cho các thầy, cô giáo tương lai trải nghiệm, hình dung ra đặc điểm, tính chất công việc của đội ngũ nhà giáo.
Sinh viên sư phạm đi thực tập. (Ảnh: Sở Giáo dục và Đào Tạo Tỉnh Bình Phước) |
Em Tô Tuyết Sa, môn Hóa học, Trường Đại Học Quy Nhơn - giáo sinh thực tập sư phạm tại trường Trung học Phổ thông Huỳnh Thúc Kháng – Thành Phố Quảng Ngãi cho biết:
“Tiết dạy đầu tiên để giáo viên đánh giá, em chuẩn bị, tập dượt ở nhà nhiều lần lắm nhưng cả tiết dạy vẫn chưa hết run và lo lắng. Giờ em mới hiểu nghề dạy học thật khó nhọc, vất vả biết dường nào.
8 tuần thực tập tại đây thấm thoát trôi nhanh, em rất vui sướng khi được gần gũi, chia sẻ, giúp đỡ các em học sinh và nhận được sự hướng dẫn, chỉ bảo tận tình của các thầy, cô giáo”.
Em T.N.T, học sinh lớp 8, trường Trung học Cơ sở Nguyễn Sinh Sắc - Thành phố Kon Tum - Tỉnh Kon Tum bộc bạch:
“Ở Tiểu học và Trung học cơ sở, sau Tết Nguyên đán, tụi em mong có thầy, cô giáo thực tập lắm. Các thầy cô thật trẻ trung, tâm lý và tình cảm. Sắp phải xa thầy cô giáo rồi, tụi em buồn và nhớ.
Nay, nhờ có thông tin liên lạc thuận tiện, khi cần tụi em sẽ tâm sự, nói chuyện với thầy, cô giáo sinh nhiều hơn và mong các thầy cô giáo sớm có chỗ dạy”.
Quan điểm đánh giá kết quả thực tập sư phạm của giáo sinh ở mỗi nơi, mỗi trường cũng khác nhau.
Tiến sĩ Nguyễn Văn Giang - Trưởng Phòng Đào tạo - trường Cao đẳng Sư phạm Kon Tum nhận xét:
“Hàng năm, trường tôi có hàng trăm sinh viên năm cuối từ bậc Mầm non đến bậc Trung học cơ sở tỏa về các trường ở huyện, ở thành phố thực tập.
Qua khảo sát, kiểm tra, trường chúng tôi nhận thấy, cách đánh giá, nhận xét của các trường mầm non, phổ thông ở đây khá chặt chẽ, nghiêm túc, đúng với năng lực, sự cố gắng của từng giáo sinh.
Làm như thế, vừa giúp cho giáo sinh cẩn trọng, không được chủ quan khi ra trường dạy học, vừa phản ánh được thực trạng, chất lượng sinh viên cho nhà trường, để có những điều chỉnh phù hợp trong quá trình đào tạo các thế hệ, lớp sau”.
Tuy nhiên, có trường, có nơi lại khá nhẹ nhàng, "tháo khoán" trong khâu nhận xét, cho điểm. Dường như cuối đợt, 100% giáo sinh thực tập đều đạt kết quả tốt - giỏi - xuất sắc.
Trong khi đó, có em còn nhiều hạn chế, non yếu về quản lý chủ nhiệm và giảng dạy trên lớp.
Nhiều thầy cô giáo tham gia hướng dẫn thực tập sư phạm chia sẻ:
“Chúng tôi thừa biết từng em, từng đợt thực tập như thế nào và không khó việc phân loại cao, thấp, xuất sắc hay chưa đạt yêu cầu.
Song thú thật, chúng tôi chẳng nỡ đánh giá, cho điểm từ mức Trung bình trở xuống vì thấy các em giáo sinh bây giờ tội quá, ra trường chưa chắc tìm được chỗ dạy ngay (do tình trạng thất nghiệp, dư thừa giáo viên tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông).
Có em từng bi quan, thầy cô giáo hướng dẫn ơi, có thể đây là lần đầu tiên cũng là lần cuối cùng, chúng em được chủ nhiệm và dạy một số tiết”.
Giáo sinh thực tập muốn thành người thì phải biết chọn mặt gửi vàng(GDVN) - Thời gian tập sự được xem như viên gạch đầu tiên để giúp các giáo sinh thêm tự tin, phấn chấn khi dấn thân vào con đường, lựa chọn sự nghiệp “trồng người”. |
Phải chăng, cánh cửa được làm thầy, cô giáo, được dạy học sau nhiều năm đèn sách vất vả, tốn kém tiền bạc của phụ huynh đối với các giáo viên càng nhỏ dần, ít đi.
Trong tình cảnh dôi dư giáo viên ở khắp nơi khiến động lực học tập, rèn luyện của các em nơi đào tạo, nơi thực tập bị giảm sút đáng kể?
Một số nhà trường, giáo viên hướng dẫn thực tập đang than thở về chất lượng giáo sinh những năm gần đây thua kém mọi mặt so với các lứa, thế hệ giáo sinh trước đây.
Một khi bài toán về việc làm của hàng vạn giáo sinh hiện nay được Nhà nước, các quản lý giáo dục đánh giá đúng, giải quyết tốt thì gam màu tươi sáng, dấu hiệu tích cực mới trở lại các trường đào tạo sư phạm…
Chúng tôi luôn cầu mong điều ấy sớm thành hiện thực để Giáo dục đúng nghĩa là quốc sách hàng đầu.