Tình trạng này diễn ra ở trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học và trung học cơ sở Dân Hóa (xã Dân Hóa, huyện Minh Hóa, Quảng Bình). Mặc dù công trình nhà bán trú cho học sinh trường này được khởi công xây dựng từ năm 2010, nhưng đến nay vẫn bị “đắp chiếu” khiến việc học của nhiều học sinh gặp khó khăn.
Nhu cầu ở bán trú rất bức thiết
Không có chỗ ăn, ở tại trường, gần 100 em học sinh trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học và trung học cơ sở Dân Hóa, (xã Dân Hóa, huyện Minh Hóa, Quảng Bình) đứng trước nguy cơ bỏ học vì khoảng cách từ nhà đến trường quá xa, phương tiện lại không có.
Rất nhiều học sinh trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học và trung học cơ sở Dân Hóa lỡ dở việc học vì đường sá đi lại quá khó khăn. (Ảnh: X.V) |
Các em học sinh trên chủ yếu tập trung ở các bản Cha Lo, Ka Ai, Ka Vàng, Ba Loóc (thuộc xã Dân Hóa), quãng đường từ các bản này đến trường rất xa. Cụ thể, từ bản Cha Lo đến trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học và trung học cơ sở Dân Hóa phải mất gần 20 cây số, bản Ka Ai khoảng 12 cây số, bản Ka Vàng 10 cây số, bản Ka Loóc khoảng 5 cây số.
Không chỉ xa, con đường đến lớp của những học sinh này rất khó khăn, nhiều dốc, các em gần như không thể đi xe đạp mà chỉ có thể đi bộ, đi xe khách hoặc gia đình chở bằng xe máy. Tuy nhiên, vì điều kiện kinh tế khó khăn nên nhiều học sinh bị lỡ dở việc học.
Theo tìm hiểu, trước đây trung bình mỗi năm có từ 3 đến 5 học sinh phải bỏ học vì đường sá đi lại khó khăn, riêng năm học 2015 - 2016 có 4 học sinh bỏ học hẳn. Hiện số còn lại vẫn đến lớp nhưng rất thất thường, ngày được ngày mất.
Em Hồ Bắc, (ở bản Cha Lo) tâm sự: “Đường đi học xa quá mà nhà cháu lại nghèo, không có tiền đi xe khách đến trường nên cháu phải nghỉ học. Cháu ở nhà vào rừng hái măng bán, khi nào có tiền cháu sẽ đi học lại”.
Trong khi nhu cầu ở lại bán trú của học sinh vô cùng bức thiết thì công trình xây dựng nhà bán trú cho học sinh trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học và trung học cơ sở Dân Hóa lại "đắp chiếu" suốt gần 7 năm qua. (Ảnh: X.V) |
Trao đổi với phóng viên Báo Giáo dục Việt Nam, thầy Nguyễn Văn Chương, Hiệu trưởng trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học và trung học cơ sở Dân Hóa cho biết, đa phần học sinh ở đây đều đi học với quãng đường rất xa, điều kiện người dân lại khó khăn (nhất là 4 bản Cha Lo, Ka Ai, Ka Vàng, Ba Loóc) nên tình trạng học sinh đi học không chuyên cần, rồi nghỉ học vẫn diễn ra dù nhà trường cũng đã bằng mọi cách để vận động, rồi nhường một số phòng nội trú cho học sinh ở lại.
“Công trình nhà bán trú rất quan trọng, là nhu cầu bức thiết đối với học sinh và thầy cô trường chúng tôi. Nếu có nhà bán trú thì học sinh đi học sẽ chuyên cần hơn, duy trì được sĩ số, rồi chất lượng dạy và học sẽ hơn”, thầy Chương bày tỏ.
Công trình nhà bán trú “đắp chiếu” gần 7 năm
Mặc dù nhu cầu ở bán trú của các học sinh trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học và trung học cơ sở Dân Hóa bức thiết như vậy, nhưng công trình xây dựng nhà bán trú cho học sinh trường này lại “đắp chiếu” suốt gần 7 năm qua.
Công trình bán trú này được khởi công xây dựng từ năm 2010 với số vốn 3,5 tỷ đồng, do Ủy ban nhân dân xã Dân Hóa làm chủ đầu tư.
Công trình được thiết kế hai tầng, 20 phòng ở cho học sinh trong khu vực trường. Tuy nhiên, mới thi công được một thời gian ngắn thì đã gặp khó khăn trong việc giải phóng mặt bằng vì vướng mắc một nhà dân và một cột điện nên phải dừng lại.
Sau đó, chủ đầu tư đã trả hết số tiền cho nhà thầu và nhà thầu bỏ trốn. Từ đó, công trình bị “đắp chiếu” cho đến nay.
Theo quan sát, công trình mới làm được phần móng, trụ và xây được khoảng 1/2 phần tường của tầng một.
Ông Đoàn Phúc Hạnh - Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Dân Hóa cho biết, hiện ban giải phóng mặt bằng huyện Minh Hóa đang tiến hành đền bù và giải phóng mặt bằng để thi công công trình trở lại. Tuy nhiên, thời gia cụ thể thì còn chưa biết.
“Hiện đã có quyết định đầu tư lại công trình, kinh phí cũng đã được cấp nhưng ban giải phóng mặt bằng vẫn đang tiến hành đền bù và giải phóng mặt bằng.
Ở đây, có vướng mắc một nhà dân và một cột điện. Về phía nhà dân, vừa rồi ban giải phóng mặt bằng đã đưa ra mức giá đền bù theo quy định của nhà nước nhưng chưa thấy chủ hộ phản hồi.
Vì muốn có sự động thuận trong dân chứ giờ họ đồng ý hay không đồng ý thì chúng tôi cũng sẽ áp giá đền bù và theo quy định của nhà nước, mình phải cương quyết để làm thôi”, ông Hạnh nói.
Tình trạng học sinh nghỉ học, đi học thất thường vẫn tiếp tục diễn ra ở trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học và trung học cơ sở Dân Hóa (huyện Minh Hóa, Quảng Bình). Nhu cầu nhà ở bán trú vô cùng bức thiết, vì vậy việc sớm hoàn thiện công trình bán trú cho học sinh là vô cùng quan trọng.