Thu xếp cho ông Tập đi Mỹ, nỗ lực cuối của ông Dương Khiết Trì trước nghỉ hưu?

02/04/2017 07:32
Hồng Thủy
(GDVN) - Các nhà ngoại giao Trung Quốc thường nổi tiếng thận trọng và thụ động, nhưng có thể trở nên mạo hiểm khi phải giao thiệp các vấn đề nhạy cảm.

South China Morning Post ngày 1/4 đưa tin, nhà ngoại giao hàng đầu Trung Quốc ông Dương Khiết Trì đã dừng lại tất cả các hoạt động khác trong những tuần gần đây, để tập trung ưu tiên thúc đẩy hội nghị thượng đỉnh Trung - Mỹ sẽ diễn ra tại Florida trong 2 ngày 6, 7/4 này.

Theo các nguồn tin ngoại giao từ Bắc Kinh, Ủy viên Quốc vụ Dương Khiết Trì có chức vụ cao hơn Ngoại trưởng Vương Nghị, đóng vai trò chủ chốt trong việc tổ chức hội nghị thượng đỉnh đầu tiên giữa Chủ tịch Tập Cận Bình với Tổng thống Donald Trump.

Ông Trì đã bỏ ra phần lớn thời gian và sức lực của mình trong những tuần gần đây để thúc đẩy hội nghị thượng đỉnh này diễn ra. Cuối cùng nỗ lực của ông cũng đã được đền đáp.

Các nguồn tin cho rằng, Bắc Kinh vẫn "lạc quan thận trọng" về triển vọng của hội nghị này. Các quan chức Trung Quốc bao gồm ông Dương Khiết Trì, đã sửng sốt bởi những phát biểu về Trung Quốc của Donald Trump suốt chiến dịch tranh cử.

Ông Dương Khiết Trì, ảnh: SCMP.
Ông Dương Khiết Trì, ảnh: SCMP.

Cuộc điện đàm của ông Donald Trump với nhà lãnh đạo Đài Loan, Tiến sĩ Thái Anh Văn diễn ra ngay sau khi ông Dương Khiết Trì đi New York gặp Cố vấn An ninh quốc gia của Trump khi đó, Michael Flynn.

Theo các nhà phân tích, các nhà ngoại giao Trung Quốc thường nổi tiếng thận trọng và thụ động, nhưng có thể trở nên mạo hiểm khi phải giao thiệp các vấn đề nhạy cảm liên quan đến các cường quốc như Hoa Kỳ.

Đây là lý do tại sao một hội nghị thượng đỉnh Trung - Mỹ được Bắc Kinh ưu tiên thúc đẩy. Pang Zhongying, một chuyên gia về các vấn đề quốc tế từ Bắc Kinh cho hay:

"Trung Quốc nhìn thấy mối quan hệ Trung - Mỹ là một quá trình phức tạp, sự tin cậy và đà tích cực cần được duy trì, tiếp tục thúc đẩy"

Trong khi các quan sát viên ngoại giao đang chia rẽ sâu sắc về thời điểm thích hợp để tổ chức hội nghị Donald Trump - Tập Cận Bình vì hàng loạt bất đồng sâu sắc, từ kinh tế thương mại đến an ninh, nhưng với Dương Khiết Trì, để hai nhà lãnh đạo sớm gặp nhau sẽ là một thành tựu.

Gal Luft, một nhà phân tích an ninh toàn cầu từ Washington cho biết, rất nhiều vấn đề giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ không có giải pháp thực sự, nhưng chúng có thể được quản lý. 

Steve Tsang, chuyên gia nghiên cứu Trung Quốc từ Viẹn SOAS tại London, Anh quốc bình luận:

"Đội ngũ tham mưu của ông Tập Cận Bình rõ ràng đã tính toán rằng, một hội nghị thượng đỉnh thành công sẽ đạt được, nếu không họ sẽ không khuyến cáo ông sang Mỹ trong tháng Tư này".

Ông Dương Khiết Trì, người sẽ bước qua tuổi 67 vào tháng tới, là một trong những gương mặt quen thuộc nhất của giới ngoại giao Trung Quốc tại Washington.

Thu xếp cho ông Tập đi Mỹ, nỗ lực cuối của ông Dương Khiết Trì trước nghỉ hưu? ảnh 2

"Tư tưởng Tập Cận Bình" có thể được đưa vào Điều lệ đảng Cộng sản Trung Quốc

Trước khi trở thành Ủy viên Quốc vụ năm 2013, ông từng giữ ghế Ngoại trưởng 6 năm. Dương Khiết Trì cũng từng là Đại sứ Trung Quốc tại Hoa Kỳ từ năm 2001 đến 2005.

Không giống như một vài người tiền nhiệm của mình, chẳng hạn Tiền Kỳ Tham hay Đới Bỉnh Quốc có mối quan hệ gần gũi với ông chủ Trung Nam Hải, ông Dương Khiết Trì được cho là không nằm trong vòng tròn thân tín của ông Tập Cận Bình.

Dưới con mắt của giới quan sát chính trị Trung Quốc, với các quan chức cấp cao như ông Dương Khiết Trì, lòng trung thành với nhà lãnh đạo hàng đầu thường được ưu tiên hơn năng lực chuyên môn.

Trong một bài báo đăng trên Nhân Dân nhật báo tháng Giêng năm nay, ông Dương Khiết Trì liên tục cam kết trung thành với ông Tập Cận Bình.

Ông Trì viết rằng, những định hướng về ngoại giao của "lãnh đạo nòng cốt" là "nguồn lực tinh thần quý giá nhất" trong bối cảnh địa chính trị đang thay đổi nhanh chóng.

Hội nghị thượng đỉnh Trung - Mỹ thành công có ý nghĩa rất nhiều đối với di sản ngoại giao của ông Dương Khiết Trì trước khi về hưu tại Đại hội 19 cuối năm nay.

Tuy nhiên, ngay cả với một nhà ngoại giao Trung Quốc kỳ cựu như ông Dương Khiết Trì, Tổng thống Donald Trump vẫn có thể gây ra những cơn nhức đầu không nhỏ.

Theo các nguồn tin ngoại giao, Bắc Kinh đã quá xấu hổ khi phải thừa nhận nhà ngoại giao cao cấp nhất của họ, Dương Khiết Trì, đã thất bại trong việc đảm bảo cam kết từ Trump về chính sách với Đài Loan trong lần đầu tiên ông Trì đi Mỹ sau khi Trump đắc cử.

Mãi đến đầu tháng 2 năm nay, ông Dương Khiết Trì nhận được đảm bảo từ Michael Flynn qua điện thoại rằng Tổng thống Donald Trump đã sẵn sàng chấp nhận một giọng điệu hòa giải về chính sách một Trung Quốc.

Cuộc điện đàm sau đó giữa Trump với Tập Cận Bình hôm 10/2 dường như lấy cảm hứng từ Dương Khiết Trì và các nhà ngoại giao khác. Sau đó Dương Khiết Trì đi Mỹ và đặt chân vào Nhà Trắng chào xã giao Donald Trump hôm 27/2.

Mặc dù "ăn nói nhỏ nhẹ", các nhà quan sát cho biết Dương Khiết Trì đại diện cho phái cứng rắn trong giới ngoại giao chuyên nghiệp Trung Quốc.

Nhiều nhà ngoại giao kỳ cựu xem sự "bùng nổ" của Dương Khiết Trì tại một cuộc họp ASEAN - Trung Quốc tại Hà Nội năm 2010 với tư cách Ngoại trưởng, có sự tham dự của Ngoại trưởng Hillary Clinton, là một "bước ngoặt của hình ảnh Trung Quốc trên toàn cầu".

Chỉ vào đối tác Singapore của mình, Dương Khiết Trì tuyên bố: "Trung Quốc là nước lớn, còn (nước) các ông là một quốc gia nhỏ bé".

Nguồn:

http://www.scmp.com/news/china/diplomacy-defence/article/2083810/man-behind-xi-trump-summit

Hồng Thủy