Bảo vệ chủ quyền phải tự lực cánh sinh

03/04/2017 10:13
Hồng Thủy
(GDVN) - Khi và chỉ khi nào Philippines đã chiến đấu, cố gắng ngăn chặn Trung Quốc cải tạo, xây dựng ở Scarborough thì hãy mong đợi sự can thiệp của Mỹ, Nhật Bản.

Manila Bulletin, Philippines ngày 2/4 đăng bài phân tích của nhà nghiên cứu Richard Javad Heydarian về Scarborough với câu hỏi: Liệu Mỹ có giúp Philippines ở bãi cạn Scarborough hay không?

Nhà nghiên cứu Richard Javad Heydarian viết bài này từ Washington DC, Hoa Kỳ, trong khi vài ngày qua ông đã có các cuộc trao đổi ý kiến với giới chuyên gia cao cấp, các nhà hoạch định chính sách đương nhiệm và nghỉ hưu của Mỹ.

Một chủ đề thường xuyên được đề cập trong những cuộc trò chuyện này là Scarborough, đặc biệt là khả năng, khi nào Trung Quốc sẽ bắt đầu xây dựng, cải tạo bãi cạn này, và quan trọng hơn là Philippines có thể trông cậy gì vào sự giúp đỡ từ Washington.

Richard Javad Heydarian nhận định, điều đầu tiên cần lưu ý là lợi ích của Mỹ ở Biển Đông tương đồng với Philippines. 

Nhà nghiên cứu Richard Javad Heydarian, ảnh: ABC CBN News.
Nhà nghiên cứu Richard Javad Heydarian, ảnh: ABC CBN News.

Mỹ có lợi ích quan trọng trong việc ngăn chặn bất kỳ cường quốc nào, cụ thể là Trung Quốc, tìm cách thống trị Biển Đông vốn rất quan trọng với thương mại toàn cầu, quyền bá chủ của hải quân Mỹ ở châu Á.

Dưới chiến lược cân bằng ngoài khơi, cả Anh và sau này là Mỹ, suốt 2 thế kỷ qua đã cố gắng ngăn chặn bất kỳ sức mạnh lục địa nào từ châu Âu hay châu Á, tìm cách thống trị các vùng biển.

Từ Đức Quốc Xã cho đến Pháp thời Napoleon, chủ nghĩa quân phiệt Nhật Bản hay Liên Xô đều trở thành nạn nhân của chiến lược này. Ngày nay, Trung Quốc trở thành mục tiêu tiếp theo.

Thứ hai, lợi ích của Mỹ trong khu vực vượt qua khuôn khổ của các nhiệm kỳ Tổng thống cụ thể.

Cho dù là Donald Trump ở Nhà Trắng hay Rodrigo Duterte ở Điện Manacanang, chiến lược của Mỹ ở châu Á mang tính lâu dài, được thể chế hóa, được điều chỉnh và bảo vệ bởi nền tảng an ninh quốc gia.

Thứ ba, những câu hỏi đại loại như, liệu Mỹ có khả năng tham gia một cuộc chiến ở Scarborough hay không, thường có câu trả lời không rõ ràng.

Phần nhiều câu trả lời phụ thuộc vào tình hình cụ thể, nhận thức về mối đe dọa, thực tế hoạt động của các bên và chính trị nội bộ nước Mỹ, sức mạnh liên minh song phương Hoa Kỳ - Philippines, quyết tâm quân sự của kẻ xâm lược tiềm năng, cụ thể là Trung Quốc, ông Heydarian nhấn mạnh.

Bảo vệ chủ quyền phải tự lực cánh sinh ảnh 2

Bóng dáng Lã Bất Vi tại hội nghị thượng đỉnh Trung - Mỹ

Tuy nhiên, một cựu Đô đốc Mỹ nói với Heydarian: Nước Mỹ không thể mong muốn Scarborough hơn là Philippines.

Học giả Philippines cho rằng, phát biểu này có thể bị ảnh hưởng bởi nhận xét gây tranh cãi của ông Rodrigo Duterte:

Philippines chẳng thể làm gì được một khi Trung Quốc leo thang xây dựng, cải tạo ngoài bãi cạn Scarborough, Mỹ còn chả ngăn nổi Trung Quốc.

Washington từng nhiều lần khẳng định, nước Mỹ trung lập trong các vấn đề tranh chấp chủ quyền các cấu trúc trên Biển Đông, trong khi chính quyền Obama đã thất bại trong việc làm rõ, liệu có bất kỳ kịch bản cụ thể nào Mỹ có thể can thiệp vũ trang hay không.

Những năm 1970, Henry Kissnger đã từng giải thích, hiệp ước an ninh Mỹ - Philippines có thể được áp dụng trong tình huống lực lượng Philippines triển khai tới các nước thứ 3 bị tấn công.

Đến thời chính quyền Carter và Bill Clinton, Washington giải thích rằng nếu tàu Philippines bị tấn công ở Thái Bình Dương, Mỹ có thể can thiệp theo hiệp ước.

Vậy đối với Scarborough, điều này có nghĩa là khi và chỉ khi nào Philippines đã chiến đấu, cố gắng ngăn chặn Trung Quốc cải tạo, xây dựng ở Scarborough thì hãy mong đợi sự can thiệp của Mỹ, Nhật Bản.

Cả hai nước này đều lo ngại sự thống trị của Trung Quốc trên Biển Đông.

Bảo vệ chủ quyền phải tự lực cánh sinh ảnh 3

Về "lỗ hổng chết người" trong chính sách của Tổng thống Duterte với Trung Quốc

Theo những điều chỉnh về quyền tự vệ tập thể, Nhật Bản có thể cung cấp hậu cần cho bất kỳ sự can thiệp quân sự nào của Mỹ ở Biển Đông giúp đồng minh Philippines.

Nhưng nếu Philippines đồng ý một thỏa thuận hợp tác phát triển và / hoặc thông qua một chính sách phục tùng (Trung Quốc), không có nhiều điều Mỹ có thể làm.

Vì vậy, cam kết của Mỹ với Philippines còn tùy thuộc vào mức độ cam kết của Manila trong việc bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ và lợi ích của mình.

Cá nhân người viết cho rằng, tự lực cánh sinh trong bảo vệ độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ có lẽ là yếu tố then chốt của bất kỳ quốc gia nào khi đối mặt với nguy cơ ngoại bang nhòm ngó.

Tuy nhiên việc nghiên cứu, kết hợp chính sách tự lực trong đối nội với các xu thế đối ngoại có lợi cho việc bảo vệ chủ quyền và lợi ích hợp pháp của mình cũng không thể xem thường.

Người viết đồng tình với nhà nghiên cứu Richard Javad Heydarian ở chỗ, của mình mình phải lo bảo vệ, giữ gìn trước khi mong chờ hay đòi hỏi ngoại viện, cho dù là đồng minh hiệp ước. Tự mình phải cứu lấy mình trước.

Có điều, dường như đã đến lúc cần nghiên cứu thấu đáo hơn về "lợi ích chiến lược, lợi ích cốt lõi" của Hoa Kỳ. Liệu nó có nhất thành bất biến như học giả Heydarian và nhiều người khác vẫn nghĩ?

Thiết nghĩ, điều này cần được quan sát thêm qua các động thái thực tế của chính quyền Mỹ dưới thời Donald Trump, nhất là qua hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Trung cuối tuần này và các diễn biến tiếp theo sau hội nghị đó.

Nhận định sai về các lợi ích cốt lõi của Mỹ và khả năng đổi chác giữa các siêu cường, rất có thể các nước nhỏ sẽ phải trả giá đắt.

Tài liệu tham khảo:

http://news.mb.com.ph/2017/04/02/will-america-help-the-philippines-in-scarborough-shoal/

Hồng Thủy