Hãy vùng lên, chiến thắng luôn thuộc về những người dũng cảm

05/04/2017 07:25
Phan Tuyết
(GDVN) - Giáo viên chấp nhận nhẫn nhịn, cam chịu và hy vọng trông chờ một sự đổi mới nhưng chỉ ngồi chờ như thế liệu dân chủ có đến không?

LTS: Chủ đề về dân chủ trong trường học được rất nhiều bạn đọc quan tâm trao đổi trên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam.

Chia sẻ thêm về vấn đề này, cô giáo Phan Tuyết cho rằng các thầy cô giáo phải biết đoàn kết và chủ động thay đổi cũng như biết cách lên tiếng một cách phù hợp để phát huy dân chủ hiệu quả.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết!

Chuyện dân chủ trường học đang là đề tài được nhiều bạn đọc quan tâm. Phần lớn giáo viên đều than phiền trường học của mình thiếu dân chủ, giáo viên phải phục tùng tuyệt đối cấp trên mọi chuyện mà không ai dám có ý kiến phản kháng nào. 

Họ chấp nhận nhẫn nhịn, cam chịu và hy vọng trông chờ một sự đổi mới nhưng chỉ ngồi chờ như thế liệu dân chủ có đến không?

Thực trạng và nguyên nhân

Nhiều trường học, mệnh lệnh của Ban giám hiệu nhà trường như một “thánh chỉ”, giáo viên chỉ biết phục tùng và thi hành. 

Nếu mệnh lệnh ấy đúng đắn, giáo viên và học sinh được nhờ, ngược lại chưa phù hợp cũng đành cam chịu. Bởi thế, không ít người nói Hiệu trưởng chính là vua một cõi nắm quyền “sinh sát trong tay”.

Để xảy ra tình trạng này, phần lớn do giáo viên luôn có tư tưởng sống an phận thủ thường, thiếu tính đoàn kết. 

Giáo viên cần chủ động và đoàn kết để phát huy dân chủ trong trường học. (Ảnh minh họa: giaoducthoidai.vn)
Giáo viên cần chủ động và đoàn kết để phát huy dân chủ trong trường học. (Ảnh minh họa: giaoducthoidai.vn)

Không ít thầy cô non kém về chuyên môn, sợ bị làm khó, số khác lại có những toan tính riêng cho mình nên phải cố gắng lấy lòng cấp trên bằng cách im lặng cúi đầu. 

Một số đoàn thể nhà trường như công đoàn, đoàn thanh niên thậm chí là chi bộ trường học (mà Chi bộ, Bí thư và Phó Bí thư lại là Ban giám hiệu) cũng hoạt động theo kiểu “trông sắc thái Ban giám hiệu” để tính làm sao có lợi cho mình nhất. 

Ai cũng sống “thủ thế” như vậy nên phần đông giáo viên đều cố thủ trong “chiếc vỏ ốc” chật hẹp. Họ chỉ dám kêu ca khi trở về gia đình, khi gặp bạn tri kỉ…

Một vài người bất bình lên tiếng phản kháng lập tức bị chèn ép đủ điều bởi dù giáo viên đồng tình nhưng chỉ dám ủng hộ ngầm trong lòng, ngoài mặt họ vẫn dửng dưng làm thinh. 

Hãy vùng lên, chiến thắng luôn thuộc về những người dũng cảm ảnh 2

"Vua" ở trường tiểu học, chuyện chưa kể bao giờ!

Những thầy cô lên tiếng, bị cô đơn ngay chính trong tập thể nhà trường.

Thế rồi họ được gắn thêm biệt danh là “cứng đầu’, là thành phần bất trị, là cái gai cần phải nhổ gấp. 

Một đồng nghiệp của tôi đã kể, do có ý kiến trong các cuộc họp hội đồng nên Ban giám hiệu ghét ra mặt. Bỗng dưng năm học mới bạn bị đẩy đi trường khác xa nhà hơn. 

Hiệu trưởng cũ còn “gửi gắm” Hiệu trưởng mới “chăm sóc” để “nó khỏi ngóc đầu lên được”.

Khi giáo viên đoàn kết

Không ít trường giáo viên đã biết “vùng lên” tranh đấu và phần thắng luôn thuộc về với số đông. 

Một trường phổ thông trung học nơi tôi giảng dạy, do bất bình với cách làm việc của Hiệu trưởng như việc xúc phạm giáo viên, phân công chuyên môn bất hợp lý, chi tiêu không minh bạch, độc đoán trong mọi công việc…cả tập thể đã viết đơn tố cáo. Kết quả, sau nhiều tháng thanh tra, Hiệu trưởng đã mất chức.

Một trường tiểu học cũng do bất bình với cách điều hành của Ban giám hiệu nhà trường. 

Sau 5 năm hết nhiệm kì bỏ phiếu tín nhiệm lại Ban giám hiệu, giáo viên trong trường đã đồng tình thẳng tay bỏ phiếu trống.

Thế rồi cả Ban giám hiệu nhà trường đã không đủ tiêu chuẩn bổ nhiệm lại và đương nhiên xuống làm giáo viên.

Riêng trường học nơi tôi công tác, công đoàn nhà trường luôn là nơi để giáo viên “trút bầu tâm sự”, đề đạt nguyện vọng…

Và bao giờ cũng thế, trong các cuộc họp hội đồng, họp công đoàn, Chủ tịch công đoàn đều đứng lên phản ánh lại những bức xúc ấy theo kiểu “Giáo viên có ý kiến…” “đề nghị Ban giám hiệu phải giải quyết chuyện này…”, kể cả những góp ý thẳng thừng về tác phong, cách làm việc của Ban giám hiệu… tên giáo viên phản ánh đã được thay thế bằng một danh từ chung “giáo viên” nói. 

Hãy vùng lên, chiến thắng luôn thuộc về những người dũng cảm ảnh 3

Lãnh đạo luôn áp đặt, cái gì cũng đòi 100% thì trường học lấy đâu dân chủ

Thế rồi, những bất bình, những bức xúc cũng như những nguyện vọng chính đáng đều được Ban giám hiệu nhà trường xem xét giải quyết một cách thỏa đáng. 

Giáo viên làm việc được Ban giám hiệu theo dõi bởi thế ai cũng phải cố gắng, nỗ lực. 

Ngược lại, Ban giám hiệu làm việc cũng được tập thể giáo viên giám sát nên cũng ít sai phạm. Vì thế chuyện mất dân chủ trong nhà trường đã không bao giờ xảy ra.

Ước muốn có dân chủ trong nhà trường là mong ước chính đáng nhưng không thể cứ ngồi mà ước mong. 

Mỗi bản thân thầy cô giáo phải hoàn thành tốt nhiệm vụ giảng dạy của mình, sống gương mẫu, luôn nêu cao tinh thần đoàn kết.

Được vậy chẳng lo gì chuyện “đấu tranh tránh đâu”.

Phan Tuyết