Động thái bất ngờ của Nhà Trắng khó qua mắt Trung Nam Hải

06/04/2017 09:01
Hồng Thủy
(GDVN) - Trump và cộng sự càng mạnh miệng về Biển Đông, Bắc Triều Tiên hay Đài Loan bao nhiêu để rồi sau đó im lặng bấy nhiêu trước Trung Quốc, chỉ càng làm cho...

Những động thái bất ngờ 

South China Morning Post, Hồng Kông ngày 6/4 đưa tin, Mỹ đang xây dựng một "liên minh toàn cầu" để chinh phục Bắc Triều Tiên, Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố ngay trước thềm hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Trung ở Florida.

Quyền Trợ lý Ngoại trưởng về các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương Mỹ Susan Thornton đưa ra phát biểu này sau vụ phóng tên lửa mới nhất mà Bắc Triều Tiên tiến hành sáng hôm qua 5/4. Ông Thornton nói:

"Sự kiên nhẫn đã cơ bản chấm dứt. Chúng tôi đang tìm kiếm một cách tiếp cận kết quả theo định hướng hành động tập trung.

Chúng tôi sẽ cố gắng hợp tác với các đồng minh và đối tác trong một liên minh toàn cầu, để giải quyết vấn đề cấp bách mà trước đây chúng ta chưa thực sự chú tâm".

Nhà nghiên cứu Richard Bush từ Viện Brookings bình luận: 

"Nếu bạn đang chỉ dựa vào biện pháp trừng phạt và tăng cường răn đe Bắc Triều Tiên, điều này phải được tiến hành một cách đa phương và toàn diện, bạn không thể để một mình Trung Quốc phá hoại những nỗ lực ấy".

Trung Quốc đang chịu sức ép ngày càng tăng về quan hệ của mình với Bình Nhưỡng, bởi Trung Quốc là thị trường xuất khẩu chủ yếu của Bắc Triều Tiên, đặc biệt là than. [1]

Trong một động thái bất ngờ khác có liên quan đến quan hệ Trung - Mỹ, cũng tờ South China Morning Post hôm nay cho biết, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã buộc phải loại bỏ cố vấn chiến lược Steve Bannon khỏi Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ ngay trước hội nghị thượng đỉnh với ông Tập Cận Bình.

Tổng thống Donald Trump và cố vấn Steve Bannon. Ảnh: SCMP.
Tổng thống Donald Trump và cố vấn Steve Bannon. Ảnh: SCMP.

Sự thay đổi này được xác nhận bởi một quan chức Nhà Trắng cũng như Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Joseph Dunford và Dan Coats - Giám đốc Tình báo quốc gia, đứng đầu 17 cơ quan tình báo Mỹ.

Các quan chức này nói rằng, sự thay đổi này giúp Hội đồng An ninh quốc gia quay trở lại chức năng cốt lõi của những gì nó phải làm.

Động thái này đảo ngược hoàn toàn quyết định gây tranh cãi của ông Trump hồi đầu năm, bằng việc giành một ghế quan trọng trong Hội đồng cho một cố vấn chính trị, điều chưa từng có tiền lệ.

Hội đồng An ninh quốc gia bao gồm Ngoại trưởng, Bộ trưởng Quốc phòng và các trợ lý cấp cao khác, bao gồm Bộ trưởng Năng lượng Rick Perry, người chịu trách nhiệm giám sát kho vũ khí hạt nhân của Mỹ.

Nhà Trắng phải vật lộn với đấu đá nội bộ kể từ khi ông Donald Trump nhậm chức.

Những người chỉ trích vai trò của Steve Bannon trong Hội đồng An ninh quốc gia cho rằng, ông có quá nhiều trọng lượng trong việc ra quyết định với những vấn đề mình thiếu kinh nghiệm. [2]

Sở dĩ đây sẽ là điều gây chú ý đặc biệt với Bắc Kinh là bởi, tháng 3/2016, ông Steve Bannon phát biểu trên truyền thông rằng, Hoa Kỳ và Trung Quốc tất yếu sẽ đối đầu trực diện ở Biển Đông trong khoảng 5 đến 10 năm tới. 

Bannon là một trong những trợ lý thân cận của Donald Trump được dư luận cho là có quan điểm cứng rắn với Bắc Kinh.

Trump khó qua mặt Trung Nam Hải

Cá nhân người viết cho rằng, dù có tính toán hay có liên quan đến hội nghị thượng đỉnh Donald Trump - Tập Cận Bình, thì tác động ảnh hưởng của những tuyên bố và quyết sách nêu trên đến quan hệ Mỹ - Trung không lớn.

Thứ nhất, vấn đề Bắc Triều Tiên không có cách nào giải quyết ổn thỏa mà lại thiếu vai trò và sự tham dự của Trung Quốc, kể cả trong trường hợp động binh như tuyên bố của Ngoại trưởng Rex Tillerson.

Động thái bất ngờ của Nhà Trắng khó qua mắt Trung Nam Hải ảnh 2

Bóng dáng Lã Bất Vi tại hội nghị thượng đỉnh Trung - Mỹ

Đây rõ ràng vẫn là một chiêu võ mồm trước đàm phán. Tiếc rằng có lẽ Bắc Kinh đã nắm được thóp Washington trong chuyện này, nên với họ không có gì đáng lo.

Thứ hai, việc cố vấn Steve Bannon bị loại khỏi Hội đồng An ninh quốc gia cho thấy nội bộ Nhà Trắng còn quá nhiều vấn đề chưa yên sau khi ông Donald Trump lên nắm quyền.

Ý định thay đổi của vị Tổng thống thứ 45 Hợp chúng quốc Hoa Kỳ trong một loạt vấn đề đối nội cho đến nay đều dậm chân tại chỗ, hoặc bị công khai gạt bỏ bởi các nhánh quyền lực tư pháp, lập pháp Mỹ.

Nội bộ Hoa Kỳ bất ổn sẽ là một thời cơ tuyệt vời cho Trung Quốc. Nhưng theo người viết, khó có khả năng Bắc Kinh chọn các hành động leo thang mang tính đột biến để Mỹ phải phản ứng mạnh.

Ngược lại, chiến lược tàm thực hay "tằm ăn dâu" đã chứng minh được tính hiệu quả sẽ được Bắc Kinh tiếp tục triển khai trên nhiều cấp độ, từng bước đẩy lùi ảnh hưởng của Mỹ và mở rộng địa bàn cho mình.

Chính cách từng bước độc chiếm Biển Đông đồng thời giữ cho cục diện bán đảo Triều Tiên tiếp tục duy trì trạng thái hiện nay để luôn luôn có con bài mặc cả sẽ làm suy yếu vị thế và ảnh hưởng của Hoa Kỳ trong khu vực.

Thứ ba, người viết cho rằng Trung Quốc ý thức rõ đòn bẩy của họ nằm ở sức mạnh kinh tế và thị trường trong cuộc đua quyền lực với Hoa Kỳ trên phạm vi toàn cầu, chứ không riêng khu vực.

Nếu như năm 2014 Quỹ Tiền tệ Quốc tế thông báo rằng Trung Quốc đã trở thành nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới được đo bằng sức mua, thì hiện nay Trung Quốc đã trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất đối với 43 quốc gia trên thế giới.

Trong khi Mỹ là thị trường lớn nhất đối với 32 quốc gia. Năm nay, Đức vừa tuyên bố Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của họ. [3]

Rõ ràng những mối quan hệ kinh tế này cung cấp cho Bắc Kinh một đòn bẩy thực sự mà Trung Quốc đã cho thấy họ ngày càng thích sử dụng nó vào các vấn đề đối ngoại với Hoa Kỳ cũng như với láng giềng hòng tìm kiếm các lợi ích địa chiến lược

Trung Quốc đang lấn Mỹ từng bước ở châu Á

Không chỉ đồng minh của Mỹ ở Đông Nam Á - Philippines đã thực hiện chính sách "xoay trục sang Trung Quốc" kể từ khi Tổng thống Rodrigo Duterte lên cầm quyền.

Động thái bất ngờ của Nhà Trắng khó qua mắt Trung Nam Hải ảnh 3

Trung - Mỹ phối hợp diễn kịch với dư luận trước hội nghị thượng đỉnh?

Ngay cả đồng minh chiến lược và thân cận của Mỹ như Australia cũng đang cảm thấy sức nóng từ Trung Nam Hải.

Trong chuyến thăm chính thức nước này vừa qua, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã cảnh báo Úc không được chọn bên trong các tranh chấp giữa Mỹ và Trung Quốc.

Đó là một sự can thiệp đáng kể trong bối cảnh Australia là đồng minh chủ chốt của Hoa Kỳ trong 2 cuộc Chiến tranh Thế giới cũng như Chiến tranh Triều Tiên hay chiến tranh Việt Nam.

Không có nhiệm kỳ chính phủ nào của Australia đủ khả năng bỏ qua thị trường Trung Quốc, cũng như vai trò đối tác về thương mại và đầu tư của quốc gia này.

Hàn Quốc thời gian qua cũng phải tìm mọi cách xoay sở, đối phó với các thủ đoạn trừng phạt kinh tế ngầm mà Bắc Kinh sử dụng để chống lại các doanh nghiệp và nền kinh tế nước này vì vụ lắp hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD của Mỹ trên lãnh thổ Hàn.

Đáng lẽ trong bối cảnh ấy, Mỹ nên chứng tỏ vai trò "chiếc ô an ninh" và đồng minh chiến lược, nhưng chính sách bảo hộ thương mại của Donald Trump không chỉ nhằm vào Trung Quốc, ngay cả các đồng minh Hàn Quốc và Nhật Bản cũng bị ảnh hưởng.

Trong khi đó, ông Donald Trump và cộng sự càng mạnh miệng về Biển Đông, Bắc Triều Tiên hay Đài Loan bao nhiêu để rồi sau đó im lặng bấy nhiêu trước Trung Quốc, chỉ càng làm cho đồng minh và đối tác thêm nghi ngờ và chán nản, chỉ Bắc Kinh là đắc chí, đắc lợi.

Tài liệu tham khảo:

[1]http://www.scmp.com/news/china/policies-politics/article/2085258/us-says-building-global-coalition-subdue-north-korea

[2]http://www.scmp.com/news/world/united-states-canada/article/2085193/trumps-chief-strategist-dumped-us-national-security

[3]http://www.straitstimes.com/opinion/how-trump-can-solve-his-chinese-puzzle

Hồng Thủy