Việt Nam học được gì từ bài học Phần Lan trong đổi mới giáo dục

11/04/2017 06:25
Tiến sĩ Nguyễn Khánh Trung
(GDVN) - Tại Phần Lan, giáo viên chính là những người lãnh đạo hệ thống giáo dục chứ không phải là các nhà kinh tế hay chính trị.

LTS: Ngày 20/3 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ký quyết định thành lập Hội đồng quốc gia giáo dục và Phát triển nhân lực nhiệm kỳ 2016-2021. 

Hội đồng này có nhiệm vụ cố vấn cho Chính phủ những điều liên quan đến giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực. 

Tuy nhiên, có điều ngạc nhiên mà Tiến sĩ Nguyễn Khánh Trung hiện đang công tác tại Viện nghiên cứu phát triển giáo dục (IRED) nhìn nhận thấy, đó là danh sách 26 thành viên của hội đồng không thấy bất kỳ một đại diện nào của giáo viên, hiệu trưởng hay phụ huynh ở các cấp học phổ thông trong khi toàn ngành đang thực hiện “Đổi mới căn bản và toàn diện” cấp học quan trọng này.

Hôm nay, trong bài viết gửi tới Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Khánh Trung nêu rõ những băn khoăn của mình thông qua bài học giáo dục Phần Lan mà vị này đã có cơ hội tiếp cận. 

Tòa soạn trân trọng giới thiệu cùng độc giả. 

Trong bài viết này, tôi không nói tới khả năng của các thành viên và chất lượng công việc mà họ sẽ làm trong Hội đồng quốc gia giáo dục và Phát triển nhân lực vừa mới thành lập vì hiện họ chưa có sản phẩm. 

Nhưng rõ ràng xét về mặt cơ cấu con người, chúng ta thấy danh sách 26 thành viên không có sự hợp lý vì đã bỏ qua những người đang trực tiếp lãnh đạo, giảng dạy trong các trường học. 

Tôi đọc cuốn sách “Bài học Phần Lan 2.0” của Pasi Sahlbert (2015)  thì thấy họ quan niệm và thực hiện các đợt cải cách trong giáo dục của họ hoàn toàn khác ta. 

Cũng như Việt Nam, Phần Lan đã cải cách nền giáo dục của mình trong 3 đợt, thế nhưng họ đã thành công còn chúng ta thì không. 

Việt Nam học được gì từ bài học Phần Lan trong đổi mới giáo dục (Ảnh đăng trên giaoduc.net.vn)
Việt Nam học được gì từ bài học Phần Lan trong đổi mới giáo dục (Ảnh đăng trên giaoduc.net.vn)

Hiện nay, Phần Lan đang sở hữu một hệ thống giáo dục phổ thông hiệu quả nhất, công bằng nhất và góp phần làm nên một xã hội thịnh vượng bậc nhất thế giới.

Xuyên suốt trong 3 đợt cải cách giáo dục của mình, người Phần Lan cùng theo một công thức chung mang tính nguyên tắc:

“Luôn hỏi bản thân liệu chính sách hay cải cách mà bạn dự định khởi xướng có mang lại lợi ích cho học sinh hay giáo viên hay không. Nếu bạn do dự với câu trả lời của mình thì đừng thực hiện chính sách hay cải cách đó” (tr. 23). 

Như vậy trong các đợt cải cách, họ đặt học sinh và giáo viên làm trung tâm của mọi mối quan tâm và hành động mà trong bài này, tôi chỉ xin đề cập đến yếu tố giáo viên.

Vai trò của giáo viên trong nền giáo dục Phần Lan

Chìa khóa nào đã làm nên sự thành công của giáo dục Phần Lan?
 
Nhiều nhà nghiên cứu đã khẳng định, người thầy là yếu tố quan trọng nhất làm nên sự thành công của người Phần Lan, bởi lẽ “chất lượng của một hệ thống giáo dục không thể vượt xa hơn chất lượng giáo viên của hệ thống giáo dục đó” (tr. 270). 

Cũng như Việt Nam, người Phần Lan cũng có truyền thống “tôn sư trọng đạo” trong truyền thống văn hóa của mình.

Việt Nam học được gì từ bài học Phần Lan trong đổi mới giáo dục ảnh 2

Dân Phần Lan chung sức với nhà nước để phát triển văn hóa như thế nào?

(GDVN) - Cùng với các nước láng giềng Bắc Âu, Phần Lan nổi tiếng là một đất nước có chế độ phúc lợi và an sinh xã hội ưu việt trên thế giới.

Giáo viên là nghề được xã hội tôn trọng, những người theo nghề giáo thường ý thức về sự mệnh cao quý của mình.

Đã bước vào nghề này, các giáo viên chủ yếu “lấy mục đích đạo đức làm đầu chứ không phải do vụ lợi vật chất, công danh hay phần thưởng” (tr. 204). 

Nghiên cứu của chính tác giả Sahlberg được công bố vào năm 2006 cho thấy “hầu hết giáo viên trường cơ sở dạy dỗ để giúp học sinh của họ học hành chứ không phải để vượt qua các kỳ thi” (tr. 88). 

Giáo viên là chủ thể làm nên chất lượng và là tác nhân của những thay đổi.

Ngay sau khi Thế chiến thứ hai kết thúc, Hiệp hội giáo viên Tiểu học Phần Lan (FPSTA) quy tụ gần 90% tổng giáo viên tiểu học, họ đã lên tiếng về một nền giáo dục mới và đề xuất, khuấy động xã hội về một chương trình cải cách hướng đến một nền giáo dục công bằng.

Hiện nay trên 95% giáo viên tham gia tổ chức công đoàn (OAJ) và tổ chức này luôn đấu tranh để bảo vệ các giá trị về công bằng, bình đẳng, chống lại việc áp dụng các mô hình quản lý kiểu kinh doanh trong giáo dục cho dẫu quyền lực Nhà nước đang nằm trong tay đảng phái chính trị nào.

Các giáo viên hiện nay được đào tạo trong một chương trình “đẳng cấp thế giới“, được trả lương cao và họ được “kỳ vọng phát huy tối đa kiến thức và kỹ năng nghề nghiệp, khả năng suy xét vừa độc lập vừa dựa trên tập thể trong nhà trường của họ. 

Họ kiểm soát các chương trình học, hoạt động đánh giá học sinh, cải thiện trường học và sự tham gia của cộng đồng. Đây được gọi là tính chuyên nghiệp của giáo viên … họ có những quyền tự do và thẩm quyền đi đến cái đích của nghề nghiệp” (tr. 44). 

Mỗi giáo viên là một chủ thể độc lập, có triết lý riêng, có phương pháp riêng, họ có quyền và có môi trường để thể hiện tất cả những điều đó. 

Họ có quyền tự chủ rất lớn trong nghề nghiệp của họ, chính điều này đã làm nên sức hấp dẫn của nghề giáo dưới cái nhìn của chính giáo viên và cả xã hội. 

Một cuộc nghiên cứu cho thấy đa số các giáo viên Phần Lan hài lòng về nghề của mình. 

Nhiều người trong họ cho biết, nếu một ngày nào đó, họ không còn được tự chủ trong nghề nghiệp nữa thì họ sẽ đặt dấu chấm hỏi về nghề của mình (tr. 217).

Trong công việc, họ không bị thi đua khen thưởng ép, không bị áp lực của thanh tra kiểm soát như ở Việt Nam nên giáo viên có thể tự do sáng tạo, học hỏi lẫn nhau, cộng tác với nhau để phát huy những điều tích cực nhất.

Việt Nam học được gì từ bài học Phần Lan trong đổi mới giáo dục ảnh 3

Ở Phần Lan, giáo viên đứng ở vị trí nào?

(GDVN) - Thực tế, học sinh Phần Lan chỉ phải thực hiện 1 bài kiểm tra tiêu chuẩn trong suốt quá trình học tiểu học và trung học.

Giáo viên cũng chính là các lãnh đạo giáo dục, hay nói cách khác, các hiệu trưởng, các lãnh đạo giáo dục tại các địa phương và trung ương cũng chính là các giáo viên. 

Hiệu trưởng ngôi trường tại Phần Lan mà chúng tôi đã quan sát cũng là giáo viên đang giảng dạy như các giáo viên khác trong trường; giám đốc giáo dục vùng nơi có ngôi trường đó cũng là một giáo viên đang dạy tại một ngôi trường trung học cơ sở trong vùng (Nguyễn Khánh Trung, 2015) .

Giáo viên cũng can thiệp vào cả chuyện thiết kế trường học.

"Các công trình học đường mới luôn được thiết kế theo cách có sự phối hợp của giáo viên và kiến trúc sư, và qua đó được điều chỉnh cho phù hợp với nhu cầu dạy và học của các cộng đồng cụ thể" (tr. 353).

Bởi cơ sở vật chất cũng được quan niệm như một loại công cụ giảng dạy và học tập và không ai có thể hiểu biết hơn công cụ đó phải như thế nào để phục vụ tốt nhất cho việc dạy và học cho bằng các giáo viên ở các địa phương.    

Giáo viên được tuyển lựa và đào tạo thế nào?

Để trở thành giáo viên, họ phải trải qua hai vòng tuyển gắt gao. Vòng một là một kỳ thi với nhiều ứng sinh tham dự, các khoa chỉ lấy khoảng 10% các thí sinh có kết quả cao nhất từ trên xuống; vòng hai được thực hiện bằng phỏng vấn cá nhân để kiểm tra động cơ, khả năng sáng tạo của thí sinh,... 

Hàng năm, tỷ lệ “chọi“ vào ngành sư phạm rất cao ví dụ, năm 2014 tổng hồ sơ dự thi vào ngành sư phạm trên toàn Phần Lan là 8.400 nhưng các trường chỉ lấy 800. 

Việt Nam học được gì từ bài học Phần Lan trong đổi mới giáo dục ảnh 4

Mẫu học sinh lý tưởng mà hệ thống giáo dục Phần Lan theo đuổi là gì?

(GDVN) - Người Phần Lan luôn lấy con trẻ và tương lai của chúng làm trung tâm, với mong muốn đem lại những gì tốt đẹp nhất cho thế hệ tương lai.

Các giáo sinh Phần Lan được đào tạo dựa trên nghiên cứu, nghĩa là “tích hợp các lý thuyết giáo dục, phương pháp nghiên cứu và thực hành” (tr. 234) để không những trở thành giáo viên mà còn hơn thế là trở thành những nhà giáo dục. 

Điều này được thể hiện ngay trong nội dung vòng thi đầu tiên. Các thí sinh phải làm bài dựa trên nghiên cứu các tài liệu khoa học và nghề nghiệp được cung cấp trước. 

Trong chương trình đào tạo của các khoa sư phạm, các môn học thuộc về nghiên cứu là 70 tín chỉ (1 tín chỉ của Phần Lan (ECTS) tương đương từ 25 – 30  giờ làm việc) gồm các môn như:  nhập môn nghiên cứu giáo dục; phương pháp nghiên cứu định lượng, phương pháp nghiên cứu định tính... 

Sahlberg nhận định sự vững vàng nơi các giáo viên Phần Lan một phần nhờ vào quá trình học phổ thông, phần khác nhờ vào quá trình đào tạo ở đại học mà một trong những ưu điểm đó là đào tạo dựa trên nghiên cứu.

Tất cả các giáo viên đều tốt nghiệp thạc sĩ, và càng ngày càng có nhiều hiệu trưởng và giáo viên có bằng tiến sĩ ở các trường phổ thông.

Tóm lại, giáo viên tại Phần Lan là những thành viên chính thúc đẩy sự thay đổi, là tác giả của các phương pháp giảng dạy và đánh giá học sinh, đóng vai trò chính yếu trong việc thiết kế nên chương trình giảng dạy “xây dựng chương trình giảng dạy là trách nhiệm của giáo viên, nhà trường và thành phố (địa phương), chứ không phải của Nhà nước” (tr. 245). 

Giáo viên cũng chính là những người lãnh đạo hệ thống giáo dục chứ không phải là các nhà kinh tế hay chính trị. 

Nhìn vào bài học này, chúng ta đã học được gì? 

Chúng ta sẽ rất thiếu dân chủ, thiếu sự hợp lý, thiếu tinh thần của giáo dục hiện đại và dẫn đến thiếu tính khả thi nếu trong Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực, trong ban xây dựng Chương trình giáo dục mới hiện nay không có mặt giáo viên và các hiệu trưởng của các trường học.

Bài học hay từ Phần Lan là bài học phân quyền về địa phương, phân quyền về cho hiệu trưởng và các giáo viên, tạo khoảng trống tự do, môi trường, điều kiện thích hợp để thầy trò thể hiện hết mình nhằm có thể phát triển bản thân và qua đó đóng góp vào sự phát triển chung của cả xã hội.

Tài liệu tham khảo: 

[1] Số trang được dẫn trong ngoặc đơn là các trích dẫn từ tác phẩm “Bài học Phần Lan 2.0" (Finnish Lessons 2.0) của Sahlberg (Đặng Việt Vinh dịch năm 2016) do Nhà xuất bản Thế giới ấn hành.

[2] Nguyễn Khánh Trung (2015). Giáo dục Việt Nam và Phần Lan – một nghiên cứu so sánh điển hình về vai trò các chủ thể tại hai trường tiểu học công lập của hai nước. Hà Nội: Nhà xuất bản Khoa học xã hội.

Tiến sĩ Nguyễn Khánh Trung