LTS: Lý giải vì sao lãnh đạo trường học luôn được bênh vực dù có đơn thư kiện cáo từ giáo viên, tác giả Hữu Sơn chỉ ra mối quan hệ gắn bó tình cảm và lợi ích giữa các cán bộ Phòng, Sở Giáo dục và Đào tạo với Ban giám hiệu nhà trường.
Qua đó, tác giả đưa ra kiến nghị để giải quyết việc này cũng như đảm bảo dân chủ trong ngành giáo dục được thực thi.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, ngày 8/4 có đăng bài: “Lãnh đạo nhà trường sa sút, yếu kém, hư hỏng, trì trệ, tiêu cực vì đâu?” của tác giả Sông Trà.
Bài viết đã nhận được nhiều bình luận phản hồi của bạn đọc, trong có ý kiến đáng chú ý của độc giả mang tên Bất Bình:
“Tác giả Sông Trà viết rất hay nhưng phải hỏi tại sao bây giờ giáo viên sống theo cách "an phận", làm "rùa rụt cổ"?
Đó là vì thứ nhất: khi giáo viên góp ý thì Hiệu trưởng lấy chế độ thủ trưởng phủ nhận, tự quyết. Sau đó thì để ý, làm khó, trù dập những người có ý kiến.
Thứ hai: khi giáo viên bị trù dập làm đơn khiếu nại, tố cáo lên cấp trên thì không giải quyết, hoặc nếu có giải quyết thì cũng bao che cho Hiệu trưởng.
Và giáo viên này tiếp tục bị trù dập hoặc chuyển đến nơi khác xa nhà, hoặc bị cho thôi việc.
Điển hình như người đương thời Đỗ Việt Khoa ở Hà Nội, Trương Ngọc Lợi ở Kiên Giang. Vì vậy không thể trách giáo viên phải không tác giả Sông Trà”.
Lãnh đạo nhà trường luôn được cấp trên bao che cho sai phạm thì làm sao có dân chủ. (Ảnh minh họa: NOP/ Tuoitre.vn) |
Có thể nói, sự chậm trễ, trì hoãn, thậm chí bao che, lấp liếm của cấp trên trong quá trình xử lý, giải quyết các sai phạm của lãnh đạo nhà trường đã, đang diễn ra ở nhiều địa phương.
Việc này trở thành một nguyên nhân, mắt xích quan trọng ảnh hưởng tiêu cực đến tính tôn nghiêm của pháp luật, quy chế dân chủ ở trường học, suy giảm lòng tin của đội ngũ nhà giáo vào một số cán bộ quản lý giáo dục các cấp.
Phải chăng chính thực trạng xử lý, giải quyết theo chiều hướng bênh vực, có lợi cho lãnh đạo các cơ sở giáo dục khi có sai phạm, khi có khiếu nại, tố cáo khiến cho một số Hiệu trưởng được đà bất chấp, khinh nhờn, coi thường quy định pháp luật.
Để rồi, họ tiếp tục lộng hành, lộng quyền như “ông vua con” một cõi, tha hồ thu chi vộ tội vạ, sẵn sàng ra tay trừng trị, trù dập những giáo viên, nhân viên “cứng đầu”, làm trái ý của mình.
Nhiều cấp trên (Phòng, Sở Giáo dục và Đào tạo) lâu nay thường bảo vệ, che đậy cho sai phạm, khuyết điểm của lãnh đạo nhà trường cũng có nguyên do của nó.
Từ khi lên làm lãnh đạo, các Ban giám hiệu luôn có mối quan hệ rất thân tình, tốt đẹp với giới lãnh đạo, các bộ phận, phòng ban, chuyên viên của cấp quản lý trực tiếp mình.
Thực ra họ đã quen biết, gần gũi với nhau từ khi được đưa vào quy hoạch, sắp sửa bổ nhiệm vào các chức danh lãnh đạo nhà trường.
Thời gian làm lãnh đạo càng lâu thì tình thân, sự gắn bó giữa cấp dưới và cấp trên càng thắm thiết mặn nồng, khăng khít như răng với môi.
Sự kiện tập thể, gia đình, cá nhân liên hoan, cúng giỗ, lễ tết… làm sao thiếu được những người bạn thân thiết này.
Lúc bổ nhiệm, khi bị kiện thưa thì có lãnh đạo, anh hai, anh ba… ở trên “đỡ” cho, sai phạm ít thành không, sai phạm nặng thành nhẹ.
Ngược lại ở dưới này khi còn thiếu biên chế, giáo viên, hay công trình, sửa chữa, xây dựng gì đó thì dành phần cho lãnh đạo, anh, chị, em cấp trên.
Mối quan hệ có lợi cả đôi đường như thế, sao lại nỡ nặng tay, làm khó nhau khi gặp khó khăn, hoạn nạn, kiện cáo chứ?
Còn giáo viên thân phận “con sâu, con kiến”, “thân cô, thế cô” vì bất bình, vì lãnh đạo nhà trường sai phạm quá đáng mà đứng lên đấu tranh, gửi đơn từ đi đủ nơi kêu cứu.
Tuy nhiên, có mấy vụ việc được giải quyết, xử lý nhanh chóng, rốt ráo đâu, cấp trên cứ chùng chình, đẩy đưa, trì hoãn với vạn lý do khiến người thiếu kiên trì sớm buông xuôi, tháo lui.
Thậm chí có trường hợp còn cố tình đưa ra những kết luận sai lệch về bản chất vấn đề.
Nếu vận động rút đơn kiện không được (để giữ thể diện cho trường, ngành, địa phương) thì dùng chiêu hù dọa, trấn áp… giáo viên.
Sự thật là giữa lãnh đạo nhà trường và cấp trên có mối quan hệ vừa bằng tình cảm vừa bằng lợi ích.
Chỉ cần nói "cán bộ phòng" thì Ban giám hiệu đã...sợ chết khiếp! |
Sự thật là giữa giáo viên đi đấu tranh và các cấp quản lý chẳng có mối quan hệ nào cả, chỉ là con số không.
Vậy thì khi có chuyện, khi có khiếu nại, tố cáo từ dưới đơn vị, lãnh đạo, các bộ phận, phòng ban của cấp trên sẽ đứng về bên nào?
Khỏi cần câu trả lời, bạn đọc sẽ đoán ra ngay.
Để công phá được bức thành trì kiên cố mang tên quan hệ cấp trên - cấp dưới này, xử lý nghiêm những sai phạm của lãnh đạo đơn vị, góp phần minh bạch hóa, dân chủ hóa môi trường giáo dục, giáo viên phấn khởi, tin tưởng cống hiến, làm việc hết mình, chúng ta không thể hy vọng giải quyết được một sớm một chiều.
Mà việc này cần có thời gian và quan trọng bậc nhất chính sự liên kết, đồng bộ từ cơ chế, chính sách đến vai trò, trách nhiệm của các tập thể, tổ chức, từng cán bộ, giáo viên, nhân viên trong mỗi đơn vị trường học và các cấp quản lý giáo dục, nhà nước ở địa phương.
Tiếng nói mạnh mẽ, sắc bén, kịp thời, thường xuyên của công luận, báo chí, trong đó có Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam cũng được xem là vũ khí có sức nặng nhằm phát hiện, phanh phui, từng bước làm giảm thiểu, đẩy lùi “vấn nạn” trên ra khỏi trường học.