LTS: Ngày nay, học trò càng lớn càng không còn nể sợ thầy cô giáo, thậm chí một số em còn có thái độ thách thức với giáo viên.
Thầy giáo Nguyễn Cao phản ánh thực tế này và chia sẻ nỗi lo lắng của thầy cô khi việc giáo dục các em bởi bị ràng buộc của quá nhiều thứ.
Tòa soạn trân trọng giới thiệu đến độc giả bài viết.
Đã nhiều năm đứng lớp giảng dạy, điều mà chúng tôi cũng như bao thầy cô khác có cùng chung một nỗi lo là một bộ phận học sinh bây giờ không có động lực học tập, coi thường thầy cô, ít có sự kính trọng người trên và tôn trọng bạn bè trong lớp.
Những sự việc hàng ngày chứng kiến, những sự việc hàng ngày xuất hiện trên các trang báo chính thống hay mạng xã hội cho chúng tôi một cái nhìn với rất nhiều điều trăn trở.
Phải nói rằng, xã hội hiện đại đã tạo nên một thế hệ học trò năng động, nhiều em đã nắm bắt tốt các phương tiện hiện đại để lấy làm lợi thế cho mình trong học tập.
Vì thế, hàng năm đã có nhiều em vượt lên hoàn cảnh của mình để chiếm lĩnh tri thức và gặt hái được nhiều thành công trong học tập.
Ngoài ra, chúng ta đã chứng kiến nhiều em học sinh, sinh viên đã mày mò qua các trang mạng Internet để có thể học tập và chế tạo ra nhiều loại máy móc hữu ích cho xã hội.
Thế nhưng, có một bộ phận học sinh đã xem những điều kiện tốt của ngày hôm nay để làm thỏa mãn những ích kỉ cho riêng mình.
Việc học tập chỉ là chuyện đối phó với gia đình và nhà trường, còn lại chỉ lo đua đòi, quậy phá, kệ mặc tương lai.
Thầy giáo lo lắng tương lai của những học sinh học theo kiểu đối phó với cha mẹ. (Ảnh minh họa: Baoquangngai.vn) |
Khi đến trường, một số học sinh không có thói quen và ý thức học tập, thầy cô trả bài thì không thuộc, làm bài kiểm tra thì viết vài ba câu cho có lệ, thậm chí là nộp giấy trắng.
Khi bị thầy cô quở trách thì không thấy đó là điều xấu hổ trước bạn bè để phấn đấu học tập mà chỉ cười như là đã vừa lập được một kì tích vậy!
Trong lúc thầy cô giảng bài thì nói chuyện, chọc phá bạn bè, nhất là mỗi khi thầy cô quay lên ghi bảng thì vô vàn những tình huống nghịch ngợm xảy ra.
Trong ứng xử với thầy cô và bạn bè ở trường cũng là chuyện khiến cho nhiều thầy cô phải suy nghĩ.
Có nhiều em khi trả lời thầy cô thì toàn là những ngôn ngữ cộc lốc, thiếu chủ ngữ, thiếu tính tôn sư trọng đạo. Nhiều em khi được thầy cô gọi đứng lên trả bài thì không nói, không rằng.
Mọi hình thức nhắc nhở, kỉ luật hình như không giúp các em thay đổi. Những lời tâm sự, nhỏ to cũng không có nhiều tác động đến một bộ phận học trò.
Khi năm học gần kết thúc, giáo viên thì lo lắng để hoàn thành các cột điểm như kiểm tra miệng, thường xuyên, định kì. Vậy mà, nhiều học sinh vẫn không chịu trả bài, gọi bao nhiêu lần vẫn thế.
Một số cột điểm thường xuyên và định kì còn thiếu, giáo viên yêu cầu học sinh vào trường làm bổ sung thì nhiều em vẫn không vào.
Cho điểm 0 thì không đành, lương tâm của người thầy không cho phép, hơn nữa, việc cho điểm 0 sẽ dẫn đến rất nhiều điều phiền phức.
Ban giám hiệu hỏi, thanh tra cấp trên về hỏi, giáo viên có giải trình như thế nào vẫn bị quở trách vì không tìm được phương pháp để động viên học sinh học tập, làm bài.
Thế nhưng, thực tế trong giảng dạy thì có nhiều việc không hề đơn giản chút nào. Nhiều em coi thường chuyện học, thách thức thầy cô thích cho bao nhiêu thì cho!
Có rất nhiều ý kiến cho rằng thời nay vai trò giáo dục của nhà trường chưa tốt nên học trò mới hư nhiều thế.
Nhất là khi có một vài giáo viên đánh hay quát nạt học trò thì dư luận lại quay sang nói về đạo đức của người thầy chưa tốt, chưa có biện pháp giáo dục hay nên mới dẫn đến hệ quả xấu.
Song, thực tế là hiện nay có nhiều bậc phụ huynh quá cưng chiều và tin tưởng vào con cái của mình. Có học sinh còn nói với chúng tôi: "Thầy cứ gọi cho mẹ em đi, chẳng bao giờ mẹ em tin thầy đâu, mẹ em chỉ tin em thôi".
Vì thế, mà khi được giáo viên thông báo về tình học tập của con em mình thì phụ huynh quay lại đổ lỗi cho giáo viên. Bởi họ tin tưởng vào con em mình ngoan, con em mình học tốt…
Thái độ vô lễ, thách thức của một bộ phận học sinh dành cho người đang trực tiếp giảng dạy mình xảy ra rất nhiều, thế nhưng phần nhiều thầy cô phải im lặng…
Bởi thực tế người thầy ngày nay chỉ có thể khuyên răn, động viên học trò học tập, mọi cử chỉ, hành động cứng rắn đều qui về lỗi “vi phạm đạo đức nhà giáo”!
Chuyện một bộ phận học sinh không có động cơ học tập, coi thường việc tu dưỡng và rèn luyện đạo đức ngày nay nơi nào cũng có.
Thế nhưng, vì rất nhiều những lí do, sự ràng buộc khác nhau mà nhà trường và thầy cô giáo vẫn không thể để các em ở lại hay hạ bậc hạnh kiểm của các em ở mức thấp.
Nếu không đậu lớp 10 công lập, học sinh có thể đi học nghề hoặc trung cấp |
Các em vẫn lên lớp đều đều, thậm chí là đạt được những mức cao trong học tập và hạnh kiểm bởi căn bệnh thành tích của một số đơn vị và một số thầy cô giáo.
Rồi đây, một bộ phận học trò của chúng ta sẽ đi về đâu khi các em thiếu khuyết rất nhiều mặt, tương lai nào cho em…?
Thiết nghĩ, khi một bộ phận học sinh chưa ngoan, chưa ý thức và động lực trong học tập thì người lớn chúng ta phải phối hợp chặt chẽ với nhau.
Gia đình cần phải gần gũi con cái mình, khuyến khích, động viên và dõi theo con trên mỗi bước đường con đi. Nhà trường cần tạo nên ra một môi trường vui tươi, lành mạnh.
Ngoài học chữ thì việc uốn nắn về nhân cách, đạo đức cũng rất cần được chú trọng.
Nhất là thường xuyên tổ chức những hoạt động ngoài giờ lên lớp bằng những hoạt động hữu ích để các em thấy nhà trường là ngôi nhà thứ hai của mình để yêu thương và gắn bó.
Các định hướng của xã hội cần lên án những hành vi tiêu cực, cần khai thác thông tin thông qua cái nhìn khách quan, đa chiều và hướng các em, hướng dư luận đến những cái đúng, cái tốt.
Nếu chúng ta làm tốt được các khâu trên có lẽ sẽ thay đổi được nhận thức trong học hành và đạo đức của nhiều em chưa ngoan, chưa chú ý trong học tập.