Lúc nào cũng phải chúi đầu vào học, con muốn có thời gian để vui chơi

22/04/2017 07:55
Phương Linh
(GDVN) - “Học sinh tiểu học có nhiều thứ để học, mà không có thời gian vui chơi. Do đó, cần giảm tải chương trình để chúng em được sống, tự mình trải nghiệm tuổi thơ."

Đó là mong muốn của một nữ học sinh Trường trung học cơ sở Chu Văn An (quận 11, thành phố Hồ Chí Minh) tại buổi đối thoại “Lắng nghe tiếng nói học sinh”, do Phòng Giáo dục và Đào tạo quận 11 tổ chức hôm 21/4.

Buổi đối thoại này đã thu hút gần 200 học sinh từ cấp tiểu học đến trung học cơ sở của toàn bộ các trường nằm trên địa bàn quận 11.

Mở đầu buổi đối thoại, em Trần Ái Vy (học sinh Trường trung học cơ sở Lữ Gia) đã bày tỏ quan điểm: Cách ứng xử rất quan trọng, nó phản ánh văn hóa của mỗi người. Dù vậy, các ứng xử cơ bản của lứa tuổi học trò đang ngày càng mai một,

“Giáo viên cần rèn thêm quy tắc ứng xử, kỹ năng để chúng em biết cư xử đúng mực hơn trong nhà trường, gia đình và xã hội” – Ái Vy nói tiếp.

Một học sinh tiểu học nêu ý kiến của mình tại buổi đối thoại ở quận 11 hôm 21/4 (ảnh: P.L)
Một học sinh tiểu học nêu ý kiến của mình tại buổi đối thoại ở quận 11 hôm 21/4 (ảnh: P.L)

Em Huỳnh Mỹ Trúc (học sinh Trường tiểu học Phùng Hưng) thì đề nghị, nhà trường cần tăng cường thêm các tiết học ngoại khóa, sinh hoạt đội nhóm để học sinh có thêm nhiều môi trường vui chơi, sinh hoạt, có cơ hội rèn luyện thêm nhiều kỹ năng còn thiếu, sau khi được học thêm văn hóa.

Học sinh Đỗ Thị Thanh Nhàn (học sinh Trường trung học cơ sở Lê Anh Xuân) thì nói, hiện có hiện tượng học sinh nếu đi học thêm thì được giáo viên yêu thương, còn không thì ngược lại.

Đó là mặt trái của việc dạy thêm học thêm cần phải được xóa bỏ.

Một nữ học sinh khác của Trường trung học cơ sở Chu Văn An thì đề nghị: “Học sinh tiểu học có nhiều thứ để học, mà không có thời gian vui chơi. Do đó, cần giảm tải chương trình để chúng em được sống, tự mình trải nghiệm tuổi thơ, mà không phải suốt ngày “chúi đầu” vào việc học”.

Buổi đối thoại đã thu hút gần 200 học sinh 2 cấp học của các trường trên địa bàn quận 11 (ảnh: P.L)
Buổi đối thoại đã thu hút gần 200 học sinh 2 cấp học của các trường trên địa bàn quận 11 (ảnh: P.L)

Ngoài ra, tại buổi đối thoại này cũng ghi nhận ý kiến của các em học sinh liên quan đến các vấn đề: An ninh trật tự trước cổng trường, hàng rong lấn chiếm lòng lề đường, việc học tiếng Anh trong trường chưa hiệu quả bằng trung tâm, sự kỳ thị đối với học sinh khuyết tật, chuyên biệt…

Phát biểu kết luận buổi đối thoại, ông Đặng Đức Hoàng – Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận 11 chia sẻ: Những mong muốn của các em học sinh nêu ra tại buổi đối thoại này là chính đáng, hợp lý.

Hiệu trưởng các trường trên địa bàn quận cần phải có ngay những giải pháp cụ thể, đáp ứng được nguyện vọng của học sinh.

Người đứng đầu ngành giáo dục quận 11 đề nghị: Những vướng mắc nào ở trường, học sinh chưa hài lòng thì phải giải quyết ngay, để tránh học sinh phải hỏi đi, hỏi lại trong những chương trình lần sau.

“Lãnh đạo các trường trong trách nhiệm của mình, sau khi lắng nghe học sinh nói thì cần phải thực hiện ngay các đề xuất của học sinh. “

Tại buổi đối thoại, Phòng Giáo dục và Đào tạo quận 11 cũng đã cung cấp công khai địa chỉ hộp thư điện tử, số điện thoại “nóng” để học sinh trong quận phản ánh các thông tin bức xúc, đề xuất, mà không cần phải đợi chương trình đối thoại vào mỗi năm học.

Phương Linh