Về hòa hợp và thống nhất dân tộc

30/04/2017 06:00
Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng
(GDVN) - Sức mạnh trường tồn của một dân tộc gắn với văn hóa giữ nước và sự thống nhất bền chặt của dân tộc ấy.

LTS: Quý vị và các bạn đang theo dõi bài viết của Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng khóa X, XI, nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương.

Trong bài viết này, tác giả chia sẻ quan điểm của mình về hòa hợp và thống nhất dân tộc nhân dịp kỷ niệm 42 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Tòa soạn trân trọng gửi đến cùng độc giả.

Mấy hôm nay, qua đài báo, được xem và nghe lại các tư liệu lịch sử hồi tháng 4 của bốn mươi hai năm trước, trong ký ức chúng tôi lần lượt nhớ lại nhiều kỷ niệm, về con người và sự kiện, niềm vui và nỗi buồn, sự xúc động và hào khí non sông… ngày ấy. 

Về hòa hợp và thống nhất dân tộc  ảnh 1

Có dòng sông nào không bên lở bên bồi?

(GDVN) - Thay đổi thù hận trong quá khứ bằng tấm lòng vị tha, bằng niềm tin vào sự bao dung, nhân ái sẽ làm cho người ta sống thanh thản.

Và từ đó, nhìn lại, suy ngẫm nhiều điều. Về những chuyện đã đi qua, còn đọng lại, đang diễn ra, và kể cả dự báo tương lai, đối với đất nước mình.
      
Dân tộc ta, do vị trí quan trọng về địa kinh tế và địa chính trị, trong lịch sử đã phải đương đầu với nhiều thế lực xâm lăng từ phương Bắc và phương Tây. 

Hàng chục cuộc chiến tranh vệ quốc lớn nhỏ đã diễn ra. Các thế lực địch thủ ấy đều hùng mạnh, hơn ta nhiều chục lần xét về so sánh tương quan lực lượng. 

Nhưng dân tộc Việt Nam không khuất phục, không đầu hàng hoặc bị đồng hóa. Đó là nhờ sức mạnh của nền văn hóa và sự thống nhất dân tộc. 

Trong dân tộc, có những con người, nhiều con người, hợp thành một cộng đồng chung. Cá nhân mỗi người đều quan trọng. 

Nhưng nếu chỉ có từng con người riêng rẽ, thì dù có đông bao nhiêu cũng không có sức mạnh. Rất dễ bị bẻ gãy. 

Lịch sử thế giới đã từng chứng kiến, có những dân tộc rất đông người, nhưng đã bị đánh bại và chịu sự cai trị của một đội quân ít người, từ một quốc gia ít người hơn nhiều so với nước bị xâm lăng.

Sức mạnh trường tồn của một dân tộc gắn với văn hóa giữ nước và sự thống nhất bền chặt của dân tộc ấy. Nói đến văn hóa của một dân tộc thì bao gồm sự thống nhất bên trong của dân tộc ấy. 

Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng. Ảnh: Tác giả cung cấp.
Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng. Ảnh: Tác giả cung cấp.

Và chính đặc điểm thống nhất, bền chặt hay lỏng lẽo, đã tạo ra văn hóa của dân tộc đó. 

Trong quá trình cai trị nước ta, thực dân xâm lược đã từng chia ra 3 miền Bắc-Trung-Nam, với cách cai quản khác nhau, một mặt là để phù hợp với đặc điểm của vùng miền, nhưng cái chính là “chia để trị”, nhằm hạn chế sự thống nhất của dân tộc này. 

Đã có những ý kiến của nhiều người, nói và viết về điều này. (Tất nhiên khoa học còn phải tiếp tục nghiên cứu).
          
Trong lịch sử, chúng ta đã nhiều lần bị mất nước. Một nghìn năm Bắc thuộc, hai mươi năm Minh thuộc, một trăm năm thuộc Pháp, hai mươi năm thuộc Mỹ ở Miền Nam. 

Các thời kỳ ấy, dân ta không có nhà nước của mình, mà chỉ có các tổ chức xã hội tự quản của nhân dân, trước nhất là các làng. 

Cộng đồng làng là một đặc điểm của văn hóa Việt Nam. Các nước khác không có làng như kiểu nước ta. Tất cả các làng ấy hòa hợp, thống nhất với nhau trong một cộng đồng lớn thì thành nước. 

Xã hội và dân tộc Việt Nam lúc đó tồn tại với tư cách là một cộng đồng nhờ các tổ chức xã hội này và các phong trào của nhân dân do các tổ chức ấy tạo nên. Nước mất nhưng làng không mất. 

Với tinh thần và ý chí thống nhất của dân tộc, các làng đã liên kết lại với nhau để cùng giành lại đất nước. Và đã thành công. 

Cuộc khởi nghĩa của Ngô Quyền đầu thế kỷ thứ 10, khởi nghĩa Lam Sơn đầu thế kỷ 15, cuộc cách mạng tháng 8/1945 và chiến thắng 30/4/1975 đã giành lại đất nước (và miền Nam) mà trước đó đã mất vào tay xâm lược.

Về hòa hợp và thống nhất dân tộc  ảnh 3

Nhật ký Chiến dịch Hồ Chí Minh

Khi Trịnh-Nguyễn phân tranh, đất nước bị chia cắt làm đôi suốt hai trăm năm.

Với công lao của nhà Tây Sơn và tiếp theo là nhà Nguyễn, đất nước đã thống nhất. 

Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954 do sự tính toán với các ý đồ xấu của một số nước lớn và với sức ép của họ nước ta đã bị chia đôi. 

Ta suy nghĩ và tính toán đó là bước đi tạm thời, rất ngắn, và sau đó sẽ thống nhất lại đất nước. Nhưng một số nước lớn thì lại tính toán với ý đồ khác, họ muốn chia cắt đất nước và dân tộc Việt Nam lâu dài. 

Tại sao họ muốn thế? Ngoài những lý do khác, có một lý do sâu xa, ẩn chứa mưu toan thâm hiểm, đó là, hai nửa Việt Nam không thống nhất họ dễ chi phối hơn một Việt Nam thống nhất. 

Nói cách khác là, hai Việt Nam nhỏ họ dễ chi phối hơn một Việt Nam lớn. Việc đó giống như hai miếng nhỏ dễ nuốt hơn một miếng lớn. 

Dân tộc ta đã kiên trì đấu tranh và tốn nhiều máu xương cho sự thống nhất đất nước, trong điều kiện có những thế lực rất mạnh không muốn ta thống nhất và họ đã tìm mọi cách để ngăn cản, cho đến cuối cùng. 
          
Chắc nhiều người còn nhớ, chỉ có mấy ngày sau khi quân ta vào Sài Gòn thì tiếng súng ở biên giới phía Tây-Nam bắt đầu nổ. 

Thực ra thì họ muốn cuộc chiến ở biên giới ấy nổ ra khi ta chưa kết thúc việc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. 

Khi cuộc chiến thứ nhất chưa xong, mà cuộc thứ hai đã xuất hiện, thì ta không đủ sức cùng lúc đối phó với cả hai cuộc chiến. Và đất nước không thể thống nhất được. 

Thực tế chứng minh họ đã tính toán như vậy.

Kế hoạch ban đầu của ta là năm 1976 mới kết thúc. Nhưng ta đã về đích sớm hơn một năm so với dự kiến ban đầu, nên cuộc chiến thứ hai chưa kịp xảy ra khi ta đã kết thúc cuộc thứ nhất. 

Sức mạnh trường tồn của một dân tộc gắn với văn hóa giữ nước và sự thống nhất bền chặt của dân tộc ấy. (Ảnh minh họa: VGP)
Sức mạnh trường tồn của một dân tộc gắn với văn hóa giữ nước và sự thống nhất bền chặt của dân tộc ấy. (Ảnh minh họa: VGP)

Với sự thành công của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước và sự kiện lịch sử 30/4/1975, chúng ta đã giành lại độc lập và thống nhất đất nước. Đó là sự chiến thắng bởi ý chí độc lập và thống nhất của dân tộc ta.

Nhiều văn bản chính thống và các tài liệu khác đã gọi sự kiện 30/4/1975 là chiến thắng, là đại thắng, là giải phóng miền Nam. 

Cách gọi ấy, theo một nghĩa nào đó, thì vẫn đúng, không có gì sai. Nhưng tôi vẫn thích hơn cách gọi, và cũng đã nhiều lần gọi như thế, sự kiện 30/4/1975 là sự thống nhất non sông (về một mối). 

Đối với quốc gia nào cũng vậy, thống nhất đất nước và dân tộc bao giờ cũng là sự kiện hết sức quan trọng, có ý nghĩa nhân văn và lịch sử to lớn. 

Đối với Việt Nam, sự kiện 30/4/1975 là một sự kiện lớn lao, sẽ trường tồn cùng năm tháng và lịch sử dân tộc. Chúng tôi nghĩ, và tin, như thế!
          
Đất nước đã thống nhất 42 năm rồi. Gần một nửa thế kỷ rồi. Nhiều người ngày ấy còn trẻ, nay đã về hưu hoặc đã không còn sống nữa. Niềm vui đã đến tuy lớn lao, nhưng nỗi buồn vẫn chưa vơi hết. 

Đất nước thống nhất lâu rồi, nhưng dân tộc thì vẫn chưa hoàn toàn thống nhất, thành một khối bền chặt. 

Đây đó vẫn còn những người Việt Nam chưa hòa nhập với đại gia đình Tổ Quốc, dù không ai muốn vậy.

Vết thương chiến tranh trong lòng dân tộc vẫn còn đó, tuy đã bớt đi nhiều nhưng vẫn chưa khỏi hẳn. Mỗi khi trái gió trở trời nó lại đau nhức.

Lãnh đạo chẳng ai muốn vậy. Nhân dân cũng thế. Tổ Quốc luôn sẵn lòng đón mọi đứa con dù tính khí khác nhau trở về với đại gia đình Tổ quốc.

Và mọi đứa con dù đang sống nơi chân trời góc bể nào, dù có quan điểm khác nhau, trong lòng vẫn luôn hướng về đất mẹ. Tinh thần dân tộc và yêu nước vẫn luôn có trong dòng máu của họ. 

Nhưng vì sao dân tộc vẫn chưa hoàn toàn là một? Đây là câu chuyện của một cuộc chiến tranh dài trên đất nước ta, thực tế máu xương đã đổ, dù ta không cố ý gây nên mà do kẻ xấu từ bên ngoài muốn chia cắt lâu dài đất nước này. 

Tất nhiên cũng không nên đổ lỗi hoàn toàn cho hoàn cảnh, mà vẫn có trong đó trách nhiệm của từng người sau chiến tranh, trước nhất là những người lãnh đạo, sau nữa là của mọi công dân. 

Công bằng mà nói, ngày ấy, trước khi kết thúc chiến tranh, Ban lãnh đạo đất nước đã có chủ trương xóa bỏ hận thù, thực hiện hòa giải, hòa hợp dân tộc.
          
Ta lại về ta những đứa con. Máu hòa trong máu đỏ như son. Sài gòn ơi, Huế ơi! Xin đợi. Tái hợp huy hoàng cả nước non”. 

Đó là lời thơ của Tố Hữu viết năm 1973, thể hiện tinh thần của Ban lãnh đạo đất nước ngày đó. 

Rất tiếc là tinh thần hòa hợp dân tộc đúng đắn ấy đã không được quán triệt và thực hiện đầy đủ, nhất quán ở mọi lúc, mọi nơi. 

Đã có không ít những sai lầm do tư tưởng hẹp hòi, định kiến, phân biệt đối xử, tạo nên ngờ vực và quy chụp “địch-ta”, đã duy trì hoặc làm trầm trọng hơn hố sâu ngăn cách. 

Về hòa hợp và thống nhất dân tộc  ảnh 5

Không thể phủ nhận vai trò "rường cột nước nhà" của tuổi trẻ

Trong khi chiến tranh đã kết thúc lâu rồi, Việt Nam và Hoa Kỳ đã thành đối tác toàn diện của nhau, các cựu thù là người Việt và người Mỹ đã từng xáp chiến quyết tử năm xưa nay đã thành bạn và đối tác của nhau. 

Vậy mà người Việt với nhau vẫn chưa xóa bỏ xong ngăn cách.

Tất nhiên, về mặt khác của tình hình, chúng ta biết có những kẻ cơ hội chính trị đã kích thêm vào hoặc xuyên tạc và bịa đặt thông tin, làm cho trắng đen nhập nhòa, lẫn lộn. 

Nhưng đó là việc khác, điều muốn nói ở đây là về những sai lầm chủ quan, đáng tiếc. 
          
Lại thêm nữa, một bộ phận khác, không liên quan gì đến hai chiến tuyến của thời chiến tranh, có quan điểm khác với lãnh đạo, cũng dễ bị quy chụp là “gây chệch hướng” hoặc “tuyên truyền chống nhà nước”, (mặc dù Đảng đã có chủ trương về sự đa dạng trong văn hóa và tôn trọng tự do tư tưởng), đã vô tình đẩy họ về phía bất đồng chính kiến. 

Vậy là vết thương chiến tranh trong lòng dân tộc vẫn còn, lại cộng thêm vào nữa là sự bất đồng chính kiến của một bộ phận khác, đã làm ảnh hưởng đến khối thống nhất và sự cố kết bền vững của dân tộc. 

Và điều đó là bất lợi cho công cuộc bảo vệ và xây dựng đất nước, nhất là khi có thế lực từ bên ngoài muốn lấn ép nước ta để tranh giành biển đảo.
          
Khắc phục tình trạng chưa hòa hợp, thống nhất ấy là việc quan trọng cần làm, có ý nghĩa chiến lược trên nhiều mặt, kể cả văn hóa, chính trị và kinh tế, để có sức mạnh của cả cộng đồng dân tộc Việt Nam trong bảo vệ và phát triển đất nước, trước mắt và lâu dài. 

Về hòa hợp và thống nhất dân tộc  ảnh 6

Đích đến của chuyến tàu Bao dung là Hòa hợp và Hòa giải

(GDVN) - Đoàn tàu bao dung đã khởi hành, đích đến là hòa hợp và hòa giải, những ai còn tần ngần trên sân ga, có sợ rằng có thể sẽ bị muộn?

Nghị quyết của nhiều lần đại hội Đảng toàn quốc đã xác định sức mạnh và động lực quan trọng nhất để thực hiện mọi công việc là đại đoàn kết toàn dân tộc. 

Trong di chúc của Bác Hồ để lại cho toàn Đảng, toàn dân, người đã đặc biệt nhấn mạnh sự thống nhất và đoàn kết. 

Hàng triệu con người đã hy sinh trong chiến tranh, có những người còn rất trẻ, trước khi ngã xuống, tất cả đều mang theo niềm tin và thiết tha mong muốn về sự thống nhất đất nước và thống nhất toàn dân tộc. 

Mọi người Việt Nam còn đang sống hôm nay, trước nhất là những người lãnh đạo các cấp, không thể nào quên “lời nguyền” cùng với những người đã hiến dâng cuộc sống cho sự thống nhất dân tộc.
          
Để thực hiện hòa hợp, thống nhất và đại đoàn kết toàn dân tộc, phải có tinh thần cởi mở, khoan dung, có hiểu biết sâu sắc về sự đa dạng văn hóa và tự do tư tưởng cần thiết cho đời sống xã hội như sự đa dạng sinh học cần cho thế giới tự nhiên. 

Nếu làm mất đi tính đa dạng ấy thì xã hội và tự nhiên sẽ nghèo nàn, thiếu sức sống, hạn chế khả năng sáng tạo, mất đi sức đề kháng. 

Nói cách khác là làm yếu đi một dân tộc. Ai cũng biết, nếu chỉ có yếu tố tinh thần, tư tưởng không thôi thì chưa đủ, tất nhiên rồi, nhưng phải bắt đầu từ đó, và đó còn là nền tảng cho trường tồn và phát triển, vì là văn hóa. 

Tiếp theo, và đồng thời, là những chính sách, cơ chế và cách ứng xử cụ thể đối với từng vụ việc và từng con người. 

Từ những việc tưởng là nhỏ, cộng nhiều việc như thế, sẽ tạo ra những chuyển động lớn, khí thế mới, sức mạnh mới, của cả một dân tộc. 

Từ thế hệ hôm nay, chuyển dần sang các thế hệ sau, thành cả một dân tộc ở tầm cao mới, đủ sức là “Phù Đổng Thiên Vương” như mơ ước từ thuở cha ông bắt đầu dựng nước.

Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng