LTS: Những năm gần đây, chất lượng đầu vào của học sinh thi tuyển vào lớp 10 có sự phân hóa mạnh mẽ giữa các trường.
Thầy giáo Hữu Sơn cho rằng với chất lượng đầu vào cao, học sinh tại các trường trung học phổ thông có bề dày thành tích sẽ tương đối dễ đào tạo.
Còn với những trường mới thành lập, hoặc chuyển từ bán công sang sẽ chỉ thu hút được những học sinh trung bình, yếu khiến công tác đào tạo thêm khó khăn.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Ở nhiều địa phương, nếu như các trường tiểu học, trường trung học cơ sở thường không có sự phân hóa về chất lượng đầu vào thì các trường trung học phổ thông công lập sự phân hóa về chất lượng đầu vào ngày càng rõ rệt.
Các trường trung học phổ thông công lập bây giờ cũng giống như nhiều trường đại học, cao đẳng.
Trường nào có bề dày truyền thống, lịch sử, lên chuẩn sớm, có nhiều thế hệ học sinh trưởng thành thì thu hút được phần lớn học sinh khá, giỏi đăng ký dự thi và theo học.
Còn những trường mới được thành lập, chuyển đổi mô hình từ bán công sang công lập (khoảng 15, 20 năm trở lại đây) đành phải chấp chận thua thiệt với chất lượng tuyển sinh đầu vào hầu hết là học sinh trung bình, yếu.
Chất lượng học sinh vào lớp 10 thấp khiến việc đào tạo thêm khó khăn với một số trường "nhỏ". (Ảnh minh họa: Báo Người lao động) |
Điểm chuẩn trúng tuyển vào trường “lớn” bao giờ cũng cao ngất ngưởng (25-28 điểm), điểm chuẩn trúng tuyển vào trường “nhỏ” lại thấp lè tè (9-13 điểm).
Trường “nhỏ” hồi hộp, trông mong số thí sinh không trúng nguyện 1 của các trường “lớn” đăng ký và nhập học nguyện vọng 2 trường mình nhiều lên.
Số thí sinh loại ra của họ thành “những con chim đầu đàn” của trường “nhỏ”. Cơ sở vật chất, phòng ốc, khuôn viên… của các trường “nhỏ” cũng chẳng là gì so với các trường “lớn” được đầu tư, quan tâm hơn.
Năng lực, chất lượng đội ngũ giáo viên trường “lớn”, trường “nhỏ” thì ngang nhau, một 9, một 10 thôi.
Phụ huynh có con em học khá, giỏi chả dại gì cho chúng nó học trường “nhỏ”, toàn học sinh trung bình, yếu, ít chăm ngoan.
Trên cùng một địa bàn (huyện, quận, thành phố) học sinh và phụ huynh có quyền được lựa chọn trường để thi và học.
Có những trường hợp sau một thời học không nổi ở trường “lớn”, nhờ các mối quan hệ quen biết, xin qua trường “nhỏ”.
Cô Đ.T.T.D, giáo viên môn Vật lý, Trường Trung học phổ thông Huỳnh Thúc Kháng (Thành phố Quảng Ngãi) bộc bạch:
“Mười mấy năm dạy ở Trường Trung học phổ thông Ba Gia, nơi có nguồn đầu vào tương đối tốt, thầy cô giáo chúng tôi dạy khỏe và sướng lắm, các phần bài tập chỉ cần định hướng sơ sơ là các em làm được ngay.
Do hoàn cảnh gia đình, 6 năm nay, tôi xin về dạy ngôi trường “nhỏ” này, được cái gần nhà nhưng lại mệt, nản, mất nhiều hứng thú về chuyên môn vì nhiều em học quá yếu, giảng hết hơi mà các em rất chậm chạp”.
Thầy cô giáo yêu nghề, có năng lực chuyên môn tốt đều mong mỏi được về dạy ở những trường “lớn” để có cơ hội, điều kiện thể hiện mình.
Song chẳng may thầy cô được phân công, điều động về trường “nhỏ”, trường khó khăn bộn bề đành phải chịu, gặp phải toàn học trò yếu, năng lực, chuyên môn giỏi ít, nhiều bị mai một, giảm sút theo thời gian trong môi trường ấy.
Các cuộc, kỳ thi trí tuệ, văn hóa, chọn học sinh giỏi lớp 11, lớp 12 cấp tỉnh thực sự là một “sân chơi” quá sức đối với học sinh các trường “nhỏ”, chất lượng đầu vào thấp.
Bao nhiều lần, giáo viên ra sức bồi dưỡng và cử học sinh đi dự thi học sinh giỏi cấp tỉnh các môn khoa học tự nhiên nhưng kết quả những em đạt giải vô cùng ít ỏi, hàng chục năm trời chỉ có vài em đạt.
Biết rõ hoàn cảnh, chất lượng của học sinh các trường “nhỏ” nên Sở Giáo dục và Đào tạo thường xếp các trường này thuộc về một nhóm trong khối, cụm thi đua.
Cụm thi đua của các trường “lớn” liệt kê bát ngát, vô kể thành tích của học sinh, giáo viên, còn cụm thi đua của các trường “nhỏ”, cố tìm thành tích để cộng điểm mà không ra.
Ngẫm mà thấy thương và tội nghiệp cho các trường “nhỏ” quá.
Các cuộc họp trực báo, hội nghị tuyển sinh vào lớp 10, lãnh đạo các trường “nhỏ” từng có nhiều ý kiến và đề xuất Tỉnh, Sở Giáo dục và Đào tạo cần thống nhất và xây dựng phương án chia vùng về tuyển sinh.
Đây được cho là một giải pháp căn cơ giúp cho chất lượng đầu vào của các trường “nhỏ” sớm cải thiện, thầy cô giáo ở đó bớt khổ, bớt nỗi niềm, than thở.
Tuy nhiên, đến nay có địa phương làm được, có địa phương chưa có động thái, thay đổi nào.
Dân gian từng nói một câu giản dị song lại rất chí lý, chính xác: “không có bột làm sao quấy nên hồ”.