LTS: Trong lịch sử giáo dục Việt Nam, tất cả các hội đồng ở trường đại học kể cả hội đồng khoa học và đào tạo, đều có tính chất của những hội đồng tư vấn.
Ở một số trường đại học cũng có tổ chức “Hội đồng nhà trường” bao gồm hiệu trưởng, các trưởng khoa, phòng, ban, Đảng ủy, công đoàn, một số giáo sư… nhưng về bản chất đó vẫn là hội đồng hành chính (executive body) “bên trong” của nhà trường, chưa phải là Hội đồng trường với tính chất là một hội đồng quyền lực cao nhất của trường và có rất nhiều thành viên độc lập “bên ngoài” nhà trường.
Và về nguyên tắc, quyền lực cao nhất vẫn được tập trung vào vai trò của hiệu trưởng.
Vậy tại sao, nay lại phải có Hội đồng trường trong các trường đại học của Việt Nam?
Trong kỳ 2 của chủ đề về “Hội đồng trường”, Giáo sư Phạm Phụ - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh chỉ ra lý do này.
Tòa soạn trân trọng giới thiệu cùng độc giả.
Trước hết, có thể thấy rằng giáo dục đại học Việt Nam trong 15 năm qua đã có một bước chuyển đổi hết sức cơ bản, từ một nền giáo dục đại học hoàn toàn được bao cấp từ Nhà nước nay đã có chính sách thu học phí.
Ở nhiều trường đại học công lập, phần thu học phí đã chiếm đến khoảng 50% chi phí thường xuyên.
Trường đại học hiện nay, ngoài hai hoạt động có tính chất truyền thống là giảng dạy và nghiên cứu đã có thêm nhiều hoạt động khác mang màu sắc “kinh doanh” như các chương trình đào tạo ngắn hạn, tư vấn theo hợp đồng, thậm chí cho thuê cơ sở vật chất…
Nghĩa là đã có nhiều nội dung cần phải ra quyết định vượt khuôn khổ của trường đại học truyền thống, trong đó có vấn đề tài chính trường đại học.
Tại sao cần phải có Hội đồng trường trong các trường đại học ở Việt Nam? (Ảnh: Báo Hà Nội mới) |
Một cách tương ứng, việc ra quyết định ở các trường đại học Việt Nam không còn chủ yếu theo mô hình truyền thống (collegium) với quyền lực lớn nằm ở hội đồng giáo sư của nhà trường nữa mà chủ yếu lại là các mô hình của những tổ chức hành chính, quyền lực lớn nằm trong tay các nhà quản lý hành chính (Bureaucracy) và mô hình của các doanh nghiệp (Entreprenẻu).
Đây cũng là xu thế “giống như kinh doanh” (Business like) của giáo dục đại học trên thế giới trong hơn 30 năm qua.
Hơn nữa, giáo dục đại học Việt Nam hiện nay vẫn đang ở trạng thái “cầu” vượt trội rất nhiều so với “cung”, mới chỉ có khoảng 25% số người muốn học đại học được vào học đại học hàng năm ở các trường đại học, nghĩa là vẫn còn ở trạng thái “độc quyền”.
Trong bối cảnh đó, cần phải giao quyền sử dụng tài sản và một phần quyền định đoạt lợi ích phát sinh cho một Hội đồng trường như một hội đồng quản trị ở các tổng công ty nhà nước.
Hiệu trưởng nhiều trường đại học không muốn chia sẻ quyền lực |
Hơn nữa, hiện nay Nhà nước đang có chủ trương tăng “quyền tự chủ” cho các trường đại học công lập và đã bắt đầu thí điểm “cơ chế khoán chi”.
Điều đó có nghĩa, giáo dục đại học đang từng bước chuyển cơ chế “phân phối thẩm quyền” từ mô hình có cấu trúc “Đầu nặng” (Top-heavy) sang mô hình có cấu trúc “Đuôi nặng” (Bottom-Heavy), nghĩa là thẩm quyền ra quyết định trong giáo dục đại học sẽ được tập trung chủ yếu ở cấp trường đại học.
Trong bối cảnh đó, trường đại học phải biết tự mình đổi mới, phải biết chấp nhận rủi ro, phải tự đưa ra nhiều quyết định có tính chất đa mục tiêu…
Chỉ có Hội đồng trường mới có thể đảm đương được những trách nhiệm đó như đã nêu ở trên.
Nói riêng về tổ chức Đảng, tuy Đảng lãnh đạo toàn diện nhưng trên thực tế ở các trường đại học, bí thư Đảng ủy lâu nay thường chỉ giữ chức Phó hiệu trưởng lo công tác chính trị, tổ chức và bảo vệ nội bộ (hoàn toàn khác tình hình tổ chức Đảng ở các tỉnh, thành phố, quận, huyện…).
Do vậy, chức năng của tổ chức Đảng về cơ bản khác với chức năng của Hội đồng trường như đã nêu ở trên. Hơn nữa, Hội đồng trường còn phải bao gồm được nhiều thành viên độc lập “bên ngoài” nhà trường.
Ngoài ra, giáo dục đại học Việt Nam trước đây coi như chưa có chú ý đầy đủ về mặt “hiệu quả” (tài chính) và trách nhiệm xã hội” (Effectiveness and Accountability).
Nhưng hiện nay các trường đại học Việt Nam cũng đã giống như các trường đại học trên thế giới, đều lúng túng trước những vấn đề phải “đánh đổi” (trade-offs) với nhau, có thể nói gói gọn trong hai từ là “chất lượng và tài chính”.
Và đây cũng sẽ là một áp lực rất lớn và ngày càng lớn của xã hội, trước hết là của sinh viên và những “nhóm có lợi ích liên quan”, đè năng lên các trường đại học trong bối cảnh cơ chế “dân chủ cơ sở” ngày càng được mở rộng.
Do vậy, phải có một “tấm đệm giảm xung” (Buffer) cho trường đại học và hiệu trưởng. Đó là Hội đồng trường.
Chúng ta học được gì từ quản trị giáo dục đại học ở Hà Lan?
Vấn đề cơ cấu quản trị trường đại học cho đến nay vẫn còn là một đề tài đang được tiếp tục thảo luận và tranh luận ở Hà Lan.
Trước 1970, giáo dục đại học Hà Lan đã trải qua rất nhiều mô hình quản trị, nhiều loại hội đồng ở trường đại học.
Thực tế về thể chế Hội đồng trường với giáo dục đại học nước ta |
Từ tháng 12/1970, Nghị viện Hà Lan thông qua một đạo luật gọi là “Tái tổ chức quản trị trường đại học”, trong đó có “hội đồng thực thi” (Executive board) và Hội đồng trường (Unversity council) cùng phối hợp quản trị trường đại học.
Hội đồng trường gồm tối đa 40 thành viên . Điều đó gây ra rất nhiều “ồn ào” trong cộng đồng đại học, kể cả việc có vị giáo sư đình công, có cả Pamhlet” (một tuyên bố dạng “sách trắng) của các vị giáo sư có đến 200 chữ ký.
Tuy vậy, người ta vẫn cho rằng thời kỳ 1968-1970 thực sự là một thời kỳ rất “hấp dẫn” trong lịch sử tổ chức các trường đại học ở Hà Lan.
Hà Lan và Việt Nam có những đặc điểm về kinh tế, văn hóa, dân chủ… khá khác nhau. Tuy nhiên, âu đó cũng là một kinh nghiệm có ích khi Việt Nam triển khai vấn đề Hội đồng trường trong thời gian tới.