LTS: Bàn về sự bình đẳng trong giáo dục, tác giả Đất Việt phản ánh những đối nghịch trong hoàn cảnh sống, chênh lệch giàu nghèo đang khiến trẻ em được hưởng những chính sách giáo dục hoàn toàn khác nhau.
Đặc biệt với những trẻ em nghèo, trẻ em vùng cao thì việc phổ cập giáo dục cũng không hề đơn giản vì các em còn phải đối diện với cuộc sống mưu sinh hàng ngày.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết!
Trong Hiến pháp Việt Nam, quyền đi học của trẻ em là một quyền hiến định [1].
Điều 61 của Hiến pháp (ban hành 2013) ghi nhận như sau:
“1. Phát triển giáo dục là quốc sách hàng đầu nhằm nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài.
2. Nhà nước ưu tiên đầu tư và thu hút các nguồn đầu tư khác cho giáo dục; chăm lo giáo dục mầm non; bảo đảm giáo dục tiểu học là bắt buộc, Nhà nước không thu học phí; từng bước phổ cập giáo dục trung học; phát triển giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp; thực hiện chính sách học bổng, học phí hợp lý.
3. Nhà nước ưu tiên phát triển giáo dục ở miền núi, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; ưu tiên sử dụng, phát triển nhân tài; tạo điều kiện để người khuyết tật và người nghèo được học văn hoá và học nghề.”
Trẻ em vùng cao, ảnh: Sài Gòn giải phóng. |
Ngoài ra, Luật Giáo dục cũng ghi nhận:
“Điều 10. Quyền và nghĩa vụ học tập của công dân
Học tập là quyền và nghĩa vụ của công dân.
Mọi công dân không phân biệt dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, nam nữ, nguồn gốc gia đình, địa vị xã hội, hoàn cảnh kinh tế đều bình đẳng về cơ hội học tập.
Nhà nước thực hiện công bằng xã hội trong giáo dục, tạo điều kiện để ai cũng được học hành.
Nhà nước và cộng đồng giúp đỡ để người nghèo được học tập, tạo điều kiện để những người có năng khiếu phát triển tài năng.
Nhà nước ưu tiên, tạo điều kiện cho con em dân tộc thiểu số, con em gia đình ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, đối tượng được hưởng chính sách ưu đãi, người tàn tật, khuyết tật và đối tượng được hưởng chính sách xã hội khác thực hiện quyền và nghĩa vụ học tập của mình.”
Theo đó, Nhà nước có trách nhiệm tổ chức việc dạy và học cho tất cả các đối tượng trong xã hội, đặc biệt là cam kết phổ cập giáo dục tiểu học và giáo dục phổ thông cơ sở (Điều 11, Luật Giáo dục) [1].
Thực tế là có khoảng cách giữa những cam kết đã được ghi nhận trong Hiến pháp và Luật Giáo dục với những thực trạng trường lớp ở các vùng kinh tế khác nhau ở Việt Nam.
Bởi rất nhiều khu vực khó khăn luôn gặp những thiên tai hàng năm, rất nhiều khu vực vẫn được coi là “trắng trường lớp” do không có giáo viên hay quá thiếu vắng học sinh dân tộc thiểu số đi học.
Do vẫn còn nhiều khu vực khó khăn trong đời sống đến nỗi cha mẹ vẫn mong con cái ở nhà giúp đỡ gia đình kiếm tiền, hơn là muốn cho con cái đi học…
Có quá nhiều lý do với thực tế khó khăn cho giáo dục, khi vẫn còn 12 tỉnh xin hỗ trợ cứu đói từ Chính phủ [2], hơn 50 tỉnh vẫn xin hỗ trợ ngân sách từ trung ương [3].
Đây là một thực trạng rất đáng quan tâm, khi muốn bàn đến những giải pháp cải cách giáo dục một cách hữu hiệu, bởi mọi chính sách cải cách giáo dục đều cần phải đi “từ dưới đi lên”, và dựa vào địa phương để triển khai.
Lấy một ví dụ về ứng dụng công nghệ thông tin 4.0 vào giáo dục, một đại diện của Lâm Đồng, trong một hội nghị về giáo dục trong xu hướng mới của ASEM 2017 [4], đã đưa ra câu hỏi:
“Chúng ta đã nói nhiều về cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 tại hội nghị này nhưng Lâm Đồng chúng tôi là tỉnh còn rất nhiều khó khăn.
Xây dựng nguồn nhân lực, phát triển giáo dục trong trình độ công nghiệp “không chấm không” như ở địa phương chúng tôi thì sao?”
Đây nên được coi là câu hỏi cho tất cả chúng ta, từ những nhà làm chính sách dài hạn cho phát triển đất nước, đến các nhà lãnh đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo nơi đang soạn thảo các đề án cải cách giáo dục, và các nhà lãnh đạo địa phương, các hiệp hội giáo viên và bản thân các gia đình có con em đi học.
Giáo dục không từ trên trời rơi xuống, giáo dục không hề miễn phí, giáo dục lại quyết định đến tương lai của con trẻ, của gia đình, của địa phương và của đất nước.
Giáo dục là tất cả, là cánh cửa để có thể thay đổi tương lai của dân tộc. Vậy, chúng ta phải tư duy như thế nào, phải tiếp cận ra sao để hỗ trợ những khu vực 0.0 đi lên nền tảng giáo dục dựa trên công nghệ 4.0?
Liệu internet đã là đủ? Liệu chương trình cứ vài năm đổi mới sẽ kịp đáp ứng với yêu cầu của thế giới?
Nơi những học sinh chỉ ao ước đủ ăn, đủ mặc (GDVN) - Những món quà trao tặng cho các em học sinh vùng cao giúp các em có thêm động lực để vững bước tới trường. |
Hay chúng ta cần dựa vào nền tảng nào để xây dựng và đảm bảo những kiến thức cơ bản đến được với những con trẻ ở khu vực 0.0, nhằm đảm bảo cam kết của chúng ta với các em: quyền được đi học, và có thể từ đó, chúng ta mới đề cập đến “giáo dục có chất lượng”?
Trong cam kết về giáo dục cho tất cả, một trong những vấn đề quan trọng đối với cả xã hội Việt Nam, chính là các chính sách và khả năng thực thi việc dạy và học cho các đối tượng học sinh đặc biệt.
Giáo dục đặc biệt hiện đã bắt đầu được quan tâm bởi nhiều chính sách hỗ trợ từ chính phủ, tuy nhiên, vẫn là chưa đủ cho cả hệ thống các chương trình dành cho học sinh khuyết tật, từ giáo viên, chương trình và các dịch vụ hỗ trợ.
Điều khá khó khăn đối với thực trạng giáo dục đặc biệt ở Việt Nam, là sự khác biệt quá lớn về tình trạng gia đình giữa các học sinh đặc biệt, khi hầu hết học sinh khiếm thính, khiếm thị, tàn tật, đều xuất phát từ gia đình có hoàn cảnh khó khăn hoặc nghèo, nhưng những học sinh tự kỷ, học sinh béo phì thường tập trung ở gia đình có mức thu nhập khá trong xã hội và ở một vài thành phố lớn.
Điều này đã ảnh hưởng đến tư duy về chính sách đối với học sinh đặc biệt, khi ngân sách dành cho giáo dục đặc biệt cũng không có khả năng co giãn nhiều.
Những thách thức cho giáo dục Việt Nam nói chung và cho mục tiêu “Giáo dục cho tất cả” được UNESCO khởi xướng đều tương tự như những thách thức mà UNESCO nêu ra trong Báo cáo giáo dục cho tất cả 2000-2015: Thành tựu và thách thức [5] của mình dưới đây.
UNESCO, Giáo dục cho Tất cả 2000-2015, Thành tựu và Thách thức |
Theo đó, UNESCO ghi nhận những thách thức toàn cầu cho Giáo dục cho tất cả, trong đó, nghèo đói và bất bình đẳng trong thu nhập dẫn đến bất bình đẳng trong giáo dục là sự thật thách thức nhất.
Theo nghiên cứu của UNESCO, ở các nước có thu nhập thấp hay trung bình, cứ 6 trẻ em thì có 1 em không hoàn tất việc học xong tiểu học, và càng lên các cấp trên, tỷ lệ này càng tăng [5].
Việc các chính sách quốc gia về xóa đói giảm nghèo, xóa điểm “trắng” trong giáo dục thực sự cần thiết, hòng giúp cho các thế hệ tương lai có được một nền tảng giáo dục cơ bản, để có thể tự tin bước vào tương lai.
Việt Nam, trong vấn đề xóa đói giảm nghèo, được đánh giá là quốc gia có thành tựu đáng khích lệ.
Tuy nhiên, những vấn nạn trong quản trị công, như tệ nạn tham nhũng, gồm cả tham nhũng trong giáo dục, thiếu minh bạch trong chi tiêu ngân sách, chính sách khai thác không bền vững các nguồn tài nguyên, từ nước, không khí, dầu, than đá, cát, quặng, vân vân, đều là những thách thức tiếp theo cho xóa đói giảm nghèo và tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong tương lai gần, và cùng với đó, là nguy cơ “thất học” của trẻ em những vùng hay khu vực nghèo đói.
Lấy một ví dụ nhỏ về mối liên kết giữa kinh tế, đói nghèo, và thất học ở một tỉnh nước hàng xóm chúng ta, qua bài viết “Mạng người đổi những quả pin” hay tương tự như vậy, lao động trẻ em ở các nước châu Phi triền miên nội chiến [5] khi khai thác than chì trong điện thoại di động…
Mạng người đổi những quả pin, ảnh minh họa từ Internet |
Để có thể sống, họ, từ ông bà lão già cho đến những đưa trẻ đều phải lao động cực khổ trong các hầm mỏ, tìm kiếm lấy than chì dùng cho pin máy điện thoại thông minh.
Tất cả họ, đều khốn khổ với mức lương thấp, nhưng lao động rất nhiều giờ, trong môi trường độc hại, vì đã bị ô nhiễm nguồn nước, không khí, và tất cả những gì xung quanh khu mỏ than nơi họ làm việc.
Điện thoại di động, có thể họ còn chưa có tiền đủ để mua và sử dụng, nhưng tương lai của họ, tương lai của những con trẻ sống mà không có cơ hội đi học, sống mà nguy cơ về sức khỏe rất cao do nhiễm độc than chì, họ có còn tương lai nào để sử dụng công nghệ internet và 4.0 cho phần đời còn lại hay không?
Hay đối với họ, chỉ là phải sống, vì đã sinh ra trên đời này?
Những kêu gọi về đạo đức đối với các doanh nghiệp dám sử dụng các công nghệ gây ô nhiễm, dám bất chấp đạo đức kinh doanh để thu lời trong các hoạt động kinh doanh, khi dùng trẻ em để lao động, khi khai thác cạn kiệt những tài nguyên, trong khi không có những hình thức chăm sóc sức khỏe cho người lao động… có lẽ không còn ý nghĩa nhiều nữa rồi.
Tiếng gọi của đạo đức như một tiếng kêu cứu yếu ớt cất lên mà không thể át nổi tiếng gọi mãnh liệt của lợi nhuận, của doanh thu.
Chỉ không biết là rồi, tiếp theo sau một xã hội mà bên cạnh những doanh nghiệp rất giàu, rất lớn, là những đám đông không có học tập, không có sức khỏe, không có tương lai, cùng với những ô nhiễm môi trường chung cho tất cả. Còn ai sống với ai?
Tôi tha thiết mong là Việt Nam chúng ta không bị rơi vào những câu chuyện đau lòng như trên.
Tôi cũng hy vọng là chúng ta có những nhà lãnh đạo thực sự biết nghĩ đến con trẻ, giáo dục và tương lai chung của đại đa số nhân dân.
Vì nếu không như vậy, câu hỏi tương lai nào cho Việt Nam biết ai có thể trả lời?
Tài liệu tham khảo:
[1]http://www.moj.gov.vn/vbpq/lists/vn%20bn%20php%20lut/view_detail.aspx?itemid=18148
[2] http://vnexpress.net/tin-tuc/thoi-su/12-tinh-xin-cap-gao-cuu-doi-3522691.html
[4] ] http://thanhnien.vn/giao-duc/nhan-luc-quoc-gia-tu-nhung-chuyen-doi-thuong-821121.html
[5] http://unesdoc.unesco.org/images/0023/002322/232205e.pdf
[6] http://cafef.vn/su-that-kinh-hoang-sau-nganh-cong-nghiep-smartphone-mang-nguoi-doi-nhung-qua-pin-20161018105947731.chn; http://laodong.com.vn/cong-nghe/apple-samsung-bi-to-su-dung-lao-dong-tre-em-chau-phi-509388.bld