Từ sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ mà trực tiếp là Ban Chỉ đạo xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án/doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành Công Thương, tới nay đã có phương án xử lý 12 dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả.
Theo đó trong từng dự án cụ thể đều có ít nhất 1 phương án để xử lý khó khăn vướng mắc. Đặc biệt với dự án như: Nhà máy đầu tư sản xuất sơ xợi polyester Đình Vũ, dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 Nhà máy gang thép Thái Nguyên, Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Phú Thọ, Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Bình Phước, Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Quảng Ngãi luôn có từ 2 - 4 phương án xử lý.
Đánh giá cao chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ trong việc giải quyết tồn tại yếu kém của 12 dự án ngành Công Thương, Tiến sĩ Cao Sỹ Kiêm - nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho rằng, cần tiếp tục làm rõ và xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân gây ra thua lỗ, thất thoát tài sản nhà nước theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo của Chính phủ xử lý tồn tại, yếu kém của một số doanh nghiệp ngành công thương - Ảnh: VGP/Quang Hiếu. |
Làm rõ nguyên nhân xử lý đúng người đúng tội
Trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Cao Sỹ Kiêm cho biết, liên tục những tháng cuối năm 2016 đến đầu năm 2017, Ban Chỉ đạo của Chính phủ xử lý tồn tại, yếu kém của một số doanh nghiệp ngành Công Thương do Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ làm trưởng ban nhiều lần thị sát, nắm tình hình thực tế tại 12 dự án, nhà máy yếu kém.
Những dự án tai tiếng thời ông Đinh La Thăng làm chủ tịch Tập đoàn Dầu Khí |
Qua chuyến đi thực tế tìm hiểu, Ban Chỉ đạo đã thảo luận báo cáo của Bộ Công Thương về tổng quan hiện trạng, tình hình tài chính, kỹ thuật, pháp lý và các phương án xử lý cho từng dự án, nhà máy trong nhóm 12 đơn vị yếu kém của ngành công thương theo nguyên tắc thị trường và các quan điểm đã được xác định trong Nghị quyết số 05, Hội nghị Trung ương 4 khóa XII, các ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Tại buổi làm việc này quan điểm chỉ đạo của Chính phủ được Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đưa ra rất rõ ràng: Phải xử lý kiên quyết, khẩn trương, nhà nước không bỏ thêm tiền cho các dự án này.
Đồng thời trong thời gian tới các cơ quan thanh tra, kiểm toán, công an trong thời gian tới cần phối hợp để làm rõ và xử lý trách nhiệm các tập thể, cá nhân gây thua lỗ, thất thoát tài sản của Nhà nước.
“Có thể nói quan điểm chỉ đạo của Chính phủ chính là nguyện vọng của người dân, hợp với lòng dân, thể hiện đúng tinh thần Chính phủ liêm chính, vì người dân, doanh nghiệp”, ông Kiêm nhận xét.
Nhà máy đạm Ninh Bình là một trong nhiều dự án thua lỗ, trở thành gánh nặng của ngành Công Thương. ảnh: báo thanh tra. |
Tiến sĩ Cao Sỹ Kiêm cho rằng, muốn làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân trong 12 dự án yếu kém của ngành Công Thương phải căn cứ vào quy định của pháp luật, cụ thể là quy định trong Luật đầu tư 2014, Luật đầu tư công 2014 hay Luật đầu tư 2005 trước đây.
Trong các văn bản luật này đều quy định chặt chẽ từ giai đoạn hình thành phê duyệt chủ trương đầu tư, tới báo cáo khả thi và thẩm tra, hoạt động đấu thầu, giám sát và thẩm định đầu tư.
“Có rất nhiều nguyên nhân gây ra dự án yếu kém, có thể do quyết định đầu tư sai, do cơ chế hay do người thực hiện hoặc trong quá trình thực hiện phát hiện sai phạm nhưng xử lý không nghiêm… tất cả yếu tố đó phải được phân tích rõ ràng, đảm bảo xử lý đúng người đúng tội”, ông Kiêm nêu quan điểm.
Buông lỏng quản lý là nguyên nhân chính dẫn đến dự án thua lỗ lớn |
Đề cập tới nguyên tắc xử lý trách nhiệm, theo Tiến sĩ Kiêm phải xử lý cá nhân người đứng đầu, lãnh đạo các tập đoàn, tổng công ty nhà nước có dự án thua lỗ yếu kém. Sau đó đến trách nhiệm của bộ, ngành được giao nhiệm vụ quản lý trực tiếp.
Nguyên tắc xử lý này được nêu ra ngay tại nội dung kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương trong việc kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm và xem xét thi hành kỷ luật đối với Ban Thường vụ Đảng ủy Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam và một số cá nhân có liên quan.
Trong kết luận Ủy ban Kiểm tra Trung ương nêu rất rõ trách nhiệm của ông Đinh La Thăng cũng như Ban Thường vụ Đảng ủy Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam giai đoạn 2009 – 2015 là thiếu kiểm tra, giám sát quá trình triển khai thực hiện các dự án dẫn đến hiệu quả đầu tư thấp, hoãn tiến độ, thua lỗ kéo dài trong đó có Dự án Nhà máy đầu tư sản xuất sơ xợi polyester Đình Vũ, Nhà máy Nhiên liệu sinh học Dung Quất (đây đều là dự án nằm trong số 12 dự án yếu kém của ngành Công Thương).
Theo Tiến sĩ Kiêm, sau khi làm rõ trách nhiệm cá nhân căn cứ vào những sai phạm cũng như hậu quả gây ra từ đó đưa ra hình thức xử lý hành chính, thậm chí truy cứu trách nhiệm hình sự nếu gây hậu quả nghiêm trọng.
Xử lý và công khai, tránh dư luận xấu
Theo Tiến sĩ Kiêm mục tiêu sau cùng xử lý trách nhiệm cá nhâ, tổ chức gây ra thua lỗ yếu kém tại các dự án thuộc ngành Công Thương nhằm sớm chấm dứt tình trạng thua lỗ hoặc hạn chế tối đa thiệt hại cho Nhà nước.
Vì thế Tiến sĩ Kiêm cho rằng, làm rõ nguyên nhân thua lỗ, xử lý trách nhiệm của tập thể, cá nhân liên quan đến 12 dự án, nhà máy thua lỗ ngành Công Thương là việc cần làm ngay.
Tiến sĩ Cao Sỹ Kiêm cho rằng, cần phải quy trách nhiệm cá nhân liên quan tới 12 dự án thua lỗ của ngành Công Thương. ảnh: Ngọc Quang. |
“Trước đây những vẫn đề này nhiều khi chúng ta làm lỏng lẻo, không nghiêm túc nên giờ phải làm lại từ đầu. Làm rõ sai phạm của cá nhân tại 12 dự án vừa qua không chỉ có ý nghĩa trước mắt đồng thời còn ngăn chặn nguy cơ xảy ra dự án tương tự”, ông Kiêm nói.
Cũng theo Tiến sĩ Cao Sỹ Kiêm, khi xử lý trách nhiệm cá nhân phải nghiêm khắc, dứt khoát, không có vùng cấm.
“Trước đây sở dĩ có hiện tượng kéo dài trong xử lý là do biện pháp, cách làm không nghiêm. Điều này gây ra hậu quả lớn về kinh tế, giảm lòng tin của người dân.
Vì thế trong xử lý trách nhiệm tổ chức, cá nhân tại 12 dự án yếu kém ngành Công Thương cần dứt khoát, đồng thời cần công khai thông tin kết quả xử lý tránh dư luận xấu”, ông Kiêm nêu quan điểm.
Trong buổi làm việc của tổ công tác của Thủ tướng về tiến độ xử lý các tồn tại, yếu kém ở một số dự án và doanh nghiệp ngành Công Thương, ông Mai Tiến Dũng – Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ yêu cầu phải làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân liên quan với các dự án mà trong quá trình đầu tư có sự thay đổi so với phê duyệt ban đầu và không đúng pháp lý.
“Việc đánh giá từng dự án cũng phải làm rõ trách nhiệm, tại sao để xảy ra chậm trễ, khó khăn trong xử lý vướng mắc bắt nguồn từ đâu và nguyên nhân là gì?”, ông Dũng nhấn mạnh.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cũng thông tin thêm, ngày 13/4, Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì hội nghị của Thường trực Chính phủ, nghe Bộ Công Thương báo cáo về 12 dự án kém hiệu quả, thua lỗ. Theo đó, có dự án âm cả vốn sở hữu, có dự án lỗ lũy kế lớn hơn vốn chủ sở hữu rất nhiều.
“Tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ là rất quyết tâm, tạo điều kiện thuận lợi nhất, những gì có thể được từ cơ chế, ngay cả bảo hộ cho sản xuất trong nước, bảo hộ sản phẩm để các nhà máy có thể hoạt động được.
Nhưng nếu không hoạt động trở lại được thì phải có phương án. Bộ Công Thương đã có báo cáo từng phương án của từng nhà máy và có những dự án đặt phương án phá sản, có những dự án đặt phương án là bán”, Bộ trưởng Dũng nói.