LTS: Chỉ ra những hệ lụy của việc dạy thêm bên ngoài nhà trường đối với học sinh, thầy giáo Trần Vũ cho rằng các cơ sở được phép dạy thêm cần cam kết giáo dục về đạo đức và tinh thần tuân thủ pháp luật cho học sinh.
Bởi nhiều thầy cô dạy thêm chỉ quan tâm đến dạy kiến thức mà không hề quan tâm đến vấn đề dạy các em nên người.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Thực tế cho thấy, việc dạy thêm bên ngoài nhà trường, đặc biệt là dạy thêm không phép (dạy “chui”) có thể nói, ít nhiều đã gây ra nhiều hệ lụy cho nhà trường và phụ huynh học sinh, nếu không được quan tâm cũng như có biện pháp ngăn chặn.
Hầu hết giáo viên dạy thêm bên ngoài nhà trường dù có phép hay không có phép theo Thông tư số: 17/2012/TT-BGDĐT ngày16/5/2012 về việc ban hành quy định về dạy thêm, học thêm của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (gọi tắt là Thông tư 17), họ chỉ dạy chữ mà không quan tâm đến việc giáo dục đạo đức, giáo dục pháp luật cho học sinh.
Điều này để lại nhiều hệ lụy cho nhà trường và phụ huynh học sinh.
Nhiều giáo viên chỉ quan tâm đến dạy chữ mà không giáo dục về đạo đức và pháp luật cho học sinh. (Ảnh minh họa: P.L) |
Thông thường, giáo viên dạy thêm ở trong hay bên ngoài nhà trường, mỗi người chỉ dạy một lớp, dù ít hay nhiều học sinh học thêm.
Tuy nhiên cá biệt, có giáo viên dạy “chui” một ca dạy cùng lúc hai lớp, một lớp trực tiếp dạy, lớp còn lại giao một học sinh khá “dạy thế” hoặc cho học sinh tải bài học, bài tập trên email của giáo viên để học (phòng học thêm có trang bị wifi), sau đó đổi lại; do không quản lý được lớp do học sinh “dạy thế”, nên trong buổi học không ít học sinh sử dụng điện thoại để chơi game.
Tất nhiên, hệ lụy mà phụ huynh đón nhận khi cho con học thêm với giáo viên “thu hút” nhiều học sinh như thế; trước hết là những học sinh yếu không thể khá hơn, còn học sinh trung bình có khi trở xuống yếu.
Mặt khác, nhiều học sinh học thêm ở những lớp dạy “chui” bên ngoài nhà trường, ngoài việc ăn mặc tuỳ tiện, nói năng không có văn hoá, thường sử dụng xe máy khối lớn làm phương tiện đi học, dù không có giấy phép lái xe; hoặc đi học bằng xe máy, xe đạp điện không đội mũ bảo hiểm …
Không dạy thế sao có học sinh đến ...học thêm? (GDVN) - Có giáo viên chua chát chia sẻ: “Mình cũng không muốn dạy theo kiểu nhá đề nhưng nếu cứ dạy theo kiểu ôn luyện như thế biết lấy học trò đâu mà dạy?” |
Thế nhưng hầu như giáo viên dạy thêm không ai nhắc nhở các em chấp hành luật giao thông.
Đã có học sinh bị tai nạn giao thông khi điều khiển xe máy phân khối lớn đi học thêm bên ngoài nhà trường, là hệ lụy tiếp theo cho phụ huynh học sinh;
Còn việc giáo dục về đạo đức, giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông cho học sinh của nhà trường cũng mất đi tác dụng.
Thực trạng cũng cho thấy, nhiều học sinh dù không bị “bắt ép” nhưng vẫn thích học thêm với giáo viên chính khoá dạy “chui” bên ngoài nhà trường.
Bởi học thêm ở đó, ngoài việc không bị gò bó về trang phục, về phương tiện đi học, giáo viên lại dễ dãi không kiểm tra bài học trò như học chính khoá trong trường.
Từ xu hướng học thêm ngày càng nhiều, nên học sinh rủ nhau đi học thêm ở nhà riêng của giáo viên ngày càng đông.
Trong số đó có không ít học sinh đi học không phải với mục đích tìm kiếm kiến thức mà để “đi chơi” hợp pháp, nên tuỳ tiện bỏ học đi chơi game hoặc tìm đến các quán cà phê, quán rượu… miễn là hàng tháng đóng học phí học thêm đủ cho giáo viên.
Vì vậy, đã có những học sinh học thêm như thế, cuối năm vẫn ở lại lớp hoặc không được dự thi tốt nghiệp trung học phổ thông; nghiêm trọng hơn là có học sinh đánh nhau gây thương tích do tranh giành bạn khác giới… là hệ lụy mà nhà trường và phụ huynh đều không mong đợi.
Đáng nói hơn, là trong văn bản hướng dẫn về dạy thêm, học thêm cho các trường phổ thông; ngành giáo dục chưa có quy định bắt buộc các tổ chức và cá nhân dạy thêm có phép ở bên ngoài nhà trường, ngoài việc dạy chữ, phải thực hiện việc giáo dục đạo đức, giáo dục pháp luật cho học sinh; nói gì đến dạy “chui” bên ngoài nhà trường.
Bởi, trong điều 6 Thông tư 17 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về tổ chức dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường, chỉ quy định:
“Cam kết với Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn (gọi chung là Uỷ ban nhân dân cấp xã) nơi đặt điểm dạy thêm, học thêm thực hiện các quy định về dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường và trách nhiệm giữ gìn trật tự, an ninh, đảm bảo vệ sinh môi trường nơi tổ chức dạy thêm, học thêm.
Công khai tại địa điểm tổ chức dạy thêm trước và trong khi thực hiện dạy thêm: Giấy phép tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm; danh sách người dạy thêm; thời khóa biểu dạy thêm, học thêm; mức thu tiền học thêm”.
Không những thế, ngành giáo dục cũng chưa có quy định bắt buộc nhà trường và giáo viên dạy thêm trong nhà trường, phải thực hiện việc giáo dục đạo đức, giáo dục pháp luật cho học sinh.
Một điểm dạy thêm, học thêm trái phép ở quận Bình Thạnh cần sớm chấn chỉnh (GDVN) - Nằm trên địa bàn phường 2, quận Bình Thạnh, thành phố Hồ Chí Minh, nhà số 1 đường Đống Đa là điểm cho rất nhiều giáo viên tiểu học thuê phòng dạy thêm. |
Cụ thể, trong điều 3 Thông tư 17 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về tổ chức dạy thêm, học thêm trong nhà trường, cũng chỉ quy định:
“Không cắt giảm nội dung trong chương trình giáo dục phổ thông chính khoá để đưa vào giờ dạy thêm; không dạy thêm trước những nội dung trong chương trình giáo dục phổ thông chính khoá”.
“Không tổ chức lớp dạy thêm, học thêm theo các lớp học chính khóa; học sinh trong cùng một lớp dạy thêm, học thêm phải có học lực tương đương nhau; khi xếp học sinh vào các lớp dạy thêm, học thêm phải căn cứ vào học lực của học sinh".
Bởi dạy thêm, học thêm được tổ chức trong nhà trường, khi có sự quản lý và chỉ đạo trực tiếp của Hiệu trưởng, mà không ít giáo viên cũng chỉ quan tâm đến việc dạy chữ, quên đi việc dạy “làm người” cho học sinh; huống hồ gì dạy thêm không đúng quy định ở ngoài nhà trường.
Từ thực trạng và bất cập trên đây, thiết nghĩ Thông tư 17 của Bộ Giáo dục và Đào tạo cần quy định thêm:
“Các tổ chức và cá nhân tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm ở trong và ngoài nhà trường; phải cam kết với nhà trường, với cơ quan quản lý giáo dục cấp trên, với Uỷ ban nhân dân cấp phường( xã, thị trấn):
Thực hiện tốt nhiệm vụ giáo dục đạo đức, giáo dục pháp luật cho học sinh như dạy chính khoá, thì mới được cấp phép ”.
Có thêm quy định cụ thể như thế trong Thông tư 17 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, nhiều hy vọng những hệ lụy từ việc dạy thêm, học thêm mang đến cho nhà trường và phụ huynh học sinh có thể được khắc phục tốt hơn.