Trong khi đại diện phía Công ty tư vấn du học Việt Nam ILA (sau đây viết tắt là Công ty ILA) khẳng định gia đình học viên có ký một bản hợp đồng với Công ty CCI Greenheart (trụ sở tại Mỹ) để cho con đi du học. Phía gia đình học viên phủ nhận điều này, bởi thực tế họ chỉ làm việc với ILA chứ không hề biết đến CCI.
Hồ sơ nhập học có phải là hợp đồng?
Sau khi Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đăng loạt bài phản ánh về việc Công ty tư vấn du học ILA “mang con bỏ chợ”, đe dọa học viên, phía ILA đã có thư yêu cầu đăng quan điểm phản hồi.
Tiếp nhận ý kiến này của công ty, gia đình học viên HNM. cũng đã có văn bản gửi đến báo trình bày những bức xúc của mình.
Thực hiện đúng quy định của pháp luật, tôn trọng tranh luận đa chiều để độc giả hiểu rõ vụ việc này, chúng tôi tiếp tục đăng tải các thông tin liên quan đến vụ việc.
Phía gia đình học viên cho rằng, công ty tư vấn du học đã cố tình lập lờ để "biến" hồ sơ nhập học thành hợp đồng với công ty ở Mỹ. Ảnh: TT |
Trước đó, tại buổi làm việc với phía ILA, bà Trần Thị Nguyệt Vy (ILA Đà Nẵng) khẳng định có một hợp đồng giữa gia đình học viên HNM. và CCI.
Có dấu hiệu đường dây lừa đảo du học quốc tế từ một lá đơn tố cáo(GDVN) - Gia đình học viên đã chuyển hàng ngàn USD cho một công ty ở nước ngoài theo sự chỉ định của đơn vị tư vấn du học trong nước nhưng không hề nhận được hóa đơn. |
“Sau khi ký hợp đồng xong (hợp đồng tư vấn du học trị giá 5 triệu đồng – pv), tụi chị phải làm một bộ hồ sơ nhập học của CCI.
Trong bộ hồ sơ nhập học đó có đầy đủ thông tin về tất cả những thông tin liên quan đến học sinh và những quy định, điều khoản mà phụ huynh cần phải đọc và phải hiểu” bà Vy nói.
Theo đó, cháu HNM sẽ sinh hoạt và học tập tại Mỹ theo các điều khoản trong thỏa thuận này và gia đình cháu có trách nhiệm thanh toán trực tiếp cho CCI về các chi phí liên quan.
Bà LTLBT. (mẹ học viên HNM) bức xúc nói: “Tôi xin cam đoan là giữa gia đình tôi và CCI không có bất kỳ một hợp đồng nào và chúng tôi cũng không hề biết CCI là ai.
Sau khi ký hợp đồng tư vấn du học, bà Vy (đại diện ILA Đà Nẵng) có đưa cho tôi một bộ hồ sơ nhập học của CCI”.
Trong đó có các yêu cầu như: khai báo, chụp ảnh gia đình, phiếu khám sức khỏe, các quy định của nhà trường... Tất cả đều được viết bằng tiếng Anh.
Do không biết tiếng Anh nên nhân viên ILA (cụ thể là bà Vy) đã dịch qua nội dung và giải thích đó là những nội quy, quy định của nhà trường phải tuân thủ khi đi du học.
“Gia đình tôi cứ nghĩ đó là bản hồ sơ nhập học bình thường nên ký vào và giao cho ILA. Bây giờ họ quay ngược lại nói đó là bản hợp đồng giữa gia đình tôi và CCI thì hóa ra họ cố tình lập lờ để đánh lừa chúng tôi.
Trong hồ sơ nhập học này không hề đề cập đến số tiền phải nộp (cho việc du học) cũng như trách nhiệm ràng buộc giữa hai bên.
Nếu đã là thỏa thuận (hợp đồng) thì phải có sự ràng buộc về pháp lý và phải có bản dịch và giải thích rõ ràng.
Đồng thời, phải chia thành hai bản để gia đình chúng tôi giữ một bản. Còn hiện tại, tôi cũng không nắm giữ bản nội quy nào như thế nào” bà T. trình bày.
Bà T. cho biết thêm, sau khi sự việc xảy ra (con bà bị đe dọa trục xuất về Việt Nam) thì gia đình có tìm hiểu về Công ty CCI thì được biết đây là một công ty trách nhiệm hữu hạn có trụ sở tại Mỹ, chuyên lo các dịch vụ do các công ty tư vấn du học đưa qua bên đó.
Bên kia có trách nhiệm đi tìm hiểu thuê nhà ở... “Chúng tôi chưa gặp và cũng không biết gì về CCI vì đó là công ty ở nước ngoài. Bà Vy cung cấp số tài khoản của CCI cho chúng tôi để nộp tiền vào đó.
Ban đầu, họ nói giữa CCI và ILA là một. Nhưng cho đến khi xảy ra sự việc đến tháng 11/2016, thì ILA nói với gia đình là họ chỉ trung gian đứng giữa, để phủi bỏ trách nhiệm.
Lúc này, tôi phải xin email của CCI từ ILA để gửi email đầu tiên cho họ (tức là sau gần 1,5 năm học mới liên lạc) để ngăn cản việc CCI đe dọa trục xuất con tôi” bà T. cho hay.
Họ trắng trợn vu khống gia đình tôi
“ILA trả lời báo chí cho rằng, gia đình tôi đã thuê luật sư và cử người thân đến làm việc với đại diện của CCI tại Mỹ để giải quyết các khúc mắc.
Những cuộc “ngã giá” giữa Công ty tư vấn du học và gia đình học viên(GDVN) - Ngoài việc khuất tất trong hóa đơn, chứng từ thu chi thì theo tìm hiểu của gia đình học viên, mức chí phí họ phải đóng cao hơn thực tế hàng ngàn USD. |
Về vấn đề này, họ đã vu khống cho gia đình tôi một cách trắng trợn, bởi thực chất không có việc này.
Tôi xin cam đoan trước pháp luật rằng, không cử luật sư cũng như người nhà đến gặp CCI để giải quyết. Nếu phía ILA nói như vậy thì phải trưng ra bằng chứng để thể hiện việc này, chứ không thể nói vu khống vậy được” cha của học viên HNM. nói.
Ngay từ đầu, gia đình tôi chỉ biết và làm việc với ILA, còn không hề biết đến công ty CCI ở Mỹ.
Bắt đầu từ khi cháu Minh đi học (giữa năm 2015) đến lúc xảy ra sự việc là cuối năm 2016 (hơn 1,5 năm) nhưng gia đình chưa bao giờ gửi thư hoặc gặp một người nào của CCI.
Vào cuối năm 2016, khi CCI dọa trục xuất học viên HNM. thì ILA hướng dẫn tôi là gửi thư cho họ (ILA) và cả CCI. Đích thân bà Vy cung cấp địa chỉ email và chỉ cách gửi thư - ông này nói thêm.
Còn theo bà T., trong bức thứ do ILA gửi cho gia đình học viên ngày 20/12/2016, có ghi: “CCI khi nhận được email phản ánh của tôi đã trả lời ILA rồi.
Theo quy tắc của CCI, họ không được phép liên lạc trực tiếp với cha mẹ nhưng thông qua đại lý như ILA. Vậy chính ILA đã thừa nhận, giữa CCI và gia đình tôi không hề có bất kỳ một liên hệ trực tiếp nào” bà T. nói.
Về đơn tố cáo của gia đình học viên HNM. tố cáo công ty tư vấn du học ILA lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Văn phòng cơ quan cảnh sát điều tra - PC44 (Công an Đà Nẵng) đã có phiếu hướng dẫn gửi người tố cáo.
Trong đó, xét thấy vụ việc nêu trong đơn là tranh chấp hợp đồng dân sự về hướng dẫn tư vấn du học nên thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan Tòa án.
Cơ quan Cảnh sát điều tra đề nghị gia đình học viên HNM. khởi kiện ra tòa án để được giải quyết theo quy định.
Tuy nhiên, mới đây, sau khi xem xét hồ sơ và đơn tố cáo của bà LTLBT. (mẹ HNM) Viện kiểm sát nhân dân thành phố Đà Nẵng cũng đã chuyển đơn và toàn bộ hồ sơ liên quan sang Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế - PC46 (Công an Đà Nẵng) để giải quyết theo thẩm quyền.
Liên quan đến việc xuất trình hóa đơn chuyển hàng ngàn USD ra nước ngoài cũng như những mập mờ trong bản hợp đồng tư vấn du học, sẽ được các chuyên gia mổ xẻ, phân tích rõ trong những số tiếp theo.