LTS: Quý vị và các bạn đang theo dõi bài viết của cô giáo Phan Tuyết, một giáo viên rất tâm huyết với nghề.
Trong bài viết này, cô Phan Tuyết chia sẻ câu chuyện tâm sự của một số học sinh cấp 3 để thấy các em đang có những bức xúc về sự bất công do chính thầy cô tạo ra.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Vừa bước ra khỏi phòng thi, cậu học sinh lớp 11 khóc tức tưởi. Thấy vậy, cô bạn gái cùng lớp lên tiếng “Đề khó quá nhiều người không làm được phải riêng gì Thắng đâu mà buồn đến thế?”.
Nghe bạn nói, Thắng ngẩng phắt đầu lên nói như súng bắn liên thanh: “Như thế là không công bằng biết chưa? Mình học đêm, học ngày, lực học có thua ai trong lớp nay lại thua mấy đứa học yếu nhưng nhờ trúng đề do đi học thêm nên mới ức”.
Cô con gái kể đến đây cũng phán một câu chắc nịch: “Con cũng ấm ức nãy giờ, có điều con không khóc thôi”.
Thì ra thế, Thắng khóc không phải làm bài thi chưa tốt mà cậu bé uất ức bởi thấy bất công trong thi cử.
Việc học sinh đi học thêm sẽ được ôn trúng đề thi gây bất công cho học sinh. (Ảnh minh họa: Tuoitre.vn) |
Chuyện ở trường học, mỗi lần kiểm tra một tiết, thi giữa kì hay thi cuối năm bao giờ chẳng có kẻ khóc, người cười.
Ai trúng tủ thì cười hỉ hả, ai “lật tủ” thì rầu rỉ, ủ ê đã không còn là chuyện lạ trong chốn học đường, đặc biệt là môi trường cạnh tranh khốc liệt về chuyện dạy thêm như một số trường trung học phổ thông nơi đây.
Bao giờ cũng thế, bước là khỏi phòng thi thay vì hỏi nhau cách làm bài, kết quả bài thi để xem đúng sai thế nào còn rút kinh nghiệm cho lần sau.
Phần lớn học trò chỉ quan tâm mỗi việc có trúng đề ôn tập hay không? Chúng luôn hỏi và thăm dò lẫn nhau thầy (cô) nào ôn trúng tủ?...
Đợt thi cuối năm lần này ở trường trung học phổ thông ngay tại thị xã quê tôi, chuyện đề Toán lớp 11 theo phản ánh của một số học sinh là “giống y chang đề thầy cho làm trong lớp học thêm trước ngày thi”.
Khi tôi ngỏ ý muốn xin cái đề, cô bé học trò nói ngay: “Thầy phát cho tụi con làm xong và thu lại. Thầy nói đề còn sai sót một vài chỗ để thầy về chỉnh sửa”.
Học sinh kháo nhau: “Thầy là Tổ trưởng tổ toán sao ôn lại không trúng đề được?”.
Không dạy thế sao có học sinh đến ...học thêm? (GDVN) - Có giáo viên chua chát chia sẻ: “Mình cũng không muốn dạy theo kiểu nhá đề nhưng nếu cứ dạy theo kiểu ôn luyện như thế biết lấy học trò đâu mà dạy?” |
Thế rồi, có em ngồi vạch tội thầy ngay: “Thầy này là chúa đì học sinh. Ai đi học thêm được thầy ưu ái đủ đường như gọi lên bảng làm bài dễ, làm không được sẽ gợi ý, không bị chửi và ghi điểm cao.
Ai không đi học thêm thường xuyên bị mời lên bảng chữa bài tập. Làm không được ghi điểm 0 vào sổ điểm và ghi luôn vào sổ đầu bài”.
Cô bé bật mí thêm, vài con 0 ghi vào sổ còn đỡ hơn một con 0 vào sổ đầu bài. Bởi lúc này điểm yếu không còn là điểm của riêng mình mà cả một tập thể lớp gánh chịu.
Khi có điểm 0 vào sổ đầu bài, “thầy cô chủ nhiệm sẽ ca bài ca không thể nào quên”. Cô con gái ý nhị ví von.
“Mà đâu có riêng gì môn Toán, môn Văn lần này cũng có lớp ôn trúng đề đó mẹ”. Rồi cô bé nói, đề cương thầy cô ra 4 đề nhưng có lớp giáo viên chỉ ôn đi ôn lại đề “Vội vàng” là trúng luôn.
Thắc mắc bởi văn là “sản phẩm riêng” của mỗi người sao có thể ôn từng đề được? Một giáo viên dạy Văn thẳng thừng “Không ôn thế, trò có mà cắn bút à?”
Vì sao có chuyện trúng đề?
Theo quy định, mỗi giáo viên phải tự ra đề thi, đề kiểm tra nộp về nhà trường theo từng đợt. Phó Hiệu trưởng duyệt đề, xáo đề và bốc thăm ngẫu nhiên.
Ở bậc tiểu học, do Phó Hiệu trưởng trực tiếp phụ trách chuyên môn toàn cấp nên khi ra đề có thể lấy ở mỗi đề của giáo viên một câu ghép thành một đề thi hoàn chỉnh hoặc trực tiếp Phó Hiệu trưởng ra đề.
Vì thế tỉ lệ giống y chang thường khó xảy ra (trừ phi Phó Hiệu trưởng lười nên chọn đại một đề của giáo viên gửi lên).
Ở cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông Tổ trưởng chuyên môn mới là người chịu trách nhiệm chính vì Phó Hiệu trưởng đôi khi là dạy bộ môn khác.
Bởi thế, Tổ trưởng chuyên môn bao giờ cũng biết đề nào ra kiểm tra, đề nào là đề thi học kì? Không ít người đã lợi dụng điều này để thu học sinh về lớp dạy thêm của mình.
Bản thân những giáo viên này cũng biết việc làm của mình là khuất tất nên thường phát đề cho học sinh làm ngay trên lớp học thêm và tức tốc thu lại ngay sau đó.
Không ít học sinh cũng dùng thủ đoạn để đối phó, bằng cách gần đến ngày thi các em ồ ạt đăng kí học rất đông. Và sau đó lặng lẽ rút lui không lời từ giã.
Nhà trường đang ép học sinh học thêm (GDVN) - Phần lớn phụ huynh cũng không đồng tình nhưng họ lại chẳng biết làm gì ngoài việc đến tháng cắn răng nộp một khoản tiền cho nhà trường để con cái được yên thân |
Có em chia sẻ: “Con học vì kiến thức nên con nhất quyết không đi học thêm những thầy cô này. Với cách nhá đề như thế, con chẳng thể đánh giá thực chất lực học của mình đến đâu để mà phấn đấu.
Điều này cũng nguy hiểm lắm bởi khi đạt điểm cao con người thường bằng lòng và ảo tưởng với chính mình”.
Nhưng nghĩ được thế cũng chẳng có nhiều, phần đông học sinh vẫn lao vào các lớp học thêm chỉ với mong muốn được thầy ưu ái nhiều hơn và khi thi, khi kiểm tra được điểm cao hơn.
Cách nào chấm dứt tình trạng này?
Chuyện nhá đề thi, đề kiểm tra để hút học sinh về lớp học thêm đã đang diễn ra phổ biến ở nhiều trường học.
Cũng nhờ những “chiêu” này, không ít giáo viên đã giàu lên một cách nhanh chóng. Có người thu nhập hàng dăm chục triệu đồng một tháng.
Nay kêu gọi lương tâm nhà giáo thức tỉnh? Có người nói bộc toẹt “lương tâm không bằng lương tháng”. Cũng vì điều này, học sinh, phụ huynh nhìn thầy cô chẳng mấy thiện cảm.
Nhưng ngoài việc thức tỉnh lương tâm lại chẳng thể có giải pháp nào tối ưu hơn thế. Bởi lẽ, không để giáo viên ra đề, nhà trường sẽ lấy đề nào để thi? Trong khi Ban giám hiệu lại không phải chuyên môn ấy?
Không ít Hiệu trưởng trăn trở nhưng cũng chẳng thể làm được gì hơn. Thế rồi, chuyện nhá đề cứ mãi tồn tại như một điều hiển nhiên ở các trường học phổ thông hiện nay.