Hiện nay, chúng ta theo dõi tình hình giáo dục Việt Nam sẽ nhận thấy, khi bàn về chuyện học hành của con cái, nhiều người Việt sẽ hướng mối quan tâm tới điểm số, thành tích. Liệu đó có phải mục tiêu của tất cả các nền giáo dục trên thế giới?
Với tư cách là những người làm giáo dục và mong muốn đóng góp vào công cuộc cải cách giáo dục ở Việt Nam, Thạc sĩ Nguyễn Quốc Vương – nghiên cứu sinh Đại học Kanazawa Nhật Bản và Tiến sĩ Nguyễn Khánh Trung – Viện nghiên cứu phát triển giáo dục IRED đã có những chia sẻ thú vị về điều này thông qua buổi tọa đàm diễn ra tại Hà Nội vào ngày 6/5.
Với tư cách là người từng thực hiện nhiều nghiên cứu so sánh giữa giáo dục Việt Nam và Phần Lan, Tiến sĩ Nguyễn Khánh Trung nhận thấy, do triết lý giáo dục, mục tiêu giáo dục, cách thức thực hiện khác nhau nên công tác đánh giá học sinh giữa hai nước cũng có sự khác biệt lớn.
Tiến sĩ Nguyễn Khánh Trung – Viện nghiên cứu phát triển giáo dục IRED (Ảnh: Thùy Linh) |
Ông Trung nêu cụ thể:
Thứ nhất, nếu ở Việt Nam coi điểm số, thành tích như là điều chính yếu của giáo dục thì Phần Lan lại tránh xa yếu tố này.
Tuy nhiên, ở quốc gia này, khâu đánh giá học sinh là công việc của người giáo viên và giáo viên có toàn quyền trong việc này. Và giáo dục Phần Lan áp dụng 3 hình thức đánh giá cơ bản đó là đánh giá trong lớp học, đánh giá quá trình và đánh giá tổng thể.
Không làm rõ, nắm chắc triết lý, mục tiêu giáo dục, đổi mới sẽ mất phương hướng |
Thứ hai, nếu ở Việt Nam, đánh giá là hành động của giáo viên nhằm xếp loại học sinh qua việc học giỏi, học kém hay bao nhiêu điểm.
Trong khi đó, ở Phần Lan, ngoài việc nắm tình hình học tập của học sinh thì đánh giá còn là cơ sở để giáo viên biết được công việc giảng dạy của mình đã thực sự tốt, hiệu quả hay chưa.
Thứ ba, nếu ở Việt Nam, cuối kỳ, cuối năm học các bậc phụ huynh sẽ biết con cái mình học thế nào, xếp loại gì thông qua buổi họp phụ huynh thì ở Phần Lan mọi thông tin đó sẽ được giáo viên lập thành một báo cáo gửi về từng gia đình và chắc chắn kết quả ấy chỉ giáo viên, phụ huynh và học sinh đó nắm được, chứ không công khai trước lớp.
Sự tiến bộ của học sinh không chỉ dựa vào điểm số
Cũng bàn về vấn đề kiểm tra đánh giá học sinh trong trường học, qua nghiên cứu và quá trình thực tiễn tại Nhật Bản, Thạc sĩ Nguyễn Quốc Vương khẳng định, giáo viên ở Nhật không tiến hành đánh giá, xếp loại hạnh kiểm (đạo đức) học sinh.
Thạc sĩ Nguyễn Quốc Vương (Ảnh: Thùy Linh) |
Bởi lẽ, đối với người Nhật, chuyện đánh giá đạo đức người khác là nhạy cảm và trong trường học, nơi học sinh được học tập để trở thành công dân dân chủ thì chuyện giáo viên đánh giá đạo đức học sinh là điều khó có thể tưởng tượng.
Đơn giản vì người Nhật quan niệm đạo đức hay nhân cách con người khó có thể được đoán định, đánh giá chỉ thông qua học lực và các hành vi tuân thủ hay không tuân thủ nội quy của trường học (đi học muộn, làm bài tập…).
Thay vào đó, giáo viên sẽ thường xuyên có những nhận xét và trao đổi với gia đình học sinh về sự trưởng thành tâm sinh lý và các hoạt động của học sinh trong trường học.
Nhân loại đã làm giáo dục nhân bản, khai phóng từ lâu rồi! |
Nếu học sinh có những điểm bất thường cần chú ý, giáo viên sẽ gặp riêng học sinh hoặc phụ huynh để đưa ra chỉ đạo và lời khuyên.
Hơn nữa, ở Nhật Bản cũng không công bố công khai thành tích học tập của học sinh trước toàn bộ lớp và xếp thứ tự học sinh theo điểm số trung bình.
Thành tích học tập được coi là một dạng thông tin cá nhân và được tôn trọng.
Ngoài ra, giáo viên Nhật Bản đánh giá sự tiến bộ của học sinh không chỉ dựa vào điểm số thu được từ các bài kiểm tra, bài tập mà cần phải chú ý tới cả thái độ, mối quan tâm hứng thú và các kỹ năng của học sinh.