Thật lãng phí nếu quan sát cảm tính từ những bài học triệu đô

07/05/2017 08:29
Võ Văn Quang
(GDVN) - Khi làm việc với các địa phương, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc luôn nhấn mạnh rằng, mỗi địa phương phải chủ động, sáng tạo, mọi việc phải vì dân.

Kinh tế của mỗi địa phương phát triển mạnh và bền vững thì kinh tế chung của cả nước phát triển ổn định và bền vững.

Dưới góc nhìn của Chuyên gia Thương hiệu Võ Văn Quang, trong tiến trình phát triển kinh tế của từng địa phương, xây dựng thương hiệu là yếu tố vô cùng quan trọng.

Tòa soạn xin trân trọng giới thiệu bài viết của Chuyên gia Thương hiệu Võ Văn Quang cùng quý độc giả!

Việt Nam đã đổi mới và mở cửa với kinh tế thị trường cạnh tranh, tuy nhiên không phải tất cả lãnh đạo ở các địa phương đều thấy được bản chất của kinh tế thị trường và cạnh tranh. Đó là bài học cơ bản nhất dưới góc nhìn marketing & thương hiệu địa phương.

Xin nêu ra một số thí dụ điển hình: Tiềm năng du lịch một tỉnh miền Trung hiện nay tối thiểu là 50-100 resort/tỉnh (các tỉnh như Bình Thuận, Khánh Hòa số Resort hiện tại là 200-400 mỗi tỉnh)-mức đầu tư 10 triệu USD/Resort = tổng cộng là 50-100x4x10 (Triệu USD) = 2-4 Tỷ USD...

Ngay như trong hội nghị xúc tiến đầu tư du lịch Bình Thuận vào giữa tháng 4 vừa qua thì địa phương này đã kêu gọi được hàng loạt dự án du lịch, dịch vụ và năng lượng sạch với tổng vốn lên đến 5,3 tỷ USD.

Bình Thuận ngày nay có được điều này không phải ngẫu nhiên mà nhờ sự chuẩn bị suốt gần 20 năm qua (vào năm 1995 Bình Thuận đã bắt đầu có sức hút du lịch) và luôn luôn có ý thức gìn giữ môi trường đầu tư lành mạnh và đúng hướng.

Nhận thấy tiềm năng phát triển du lịch rất lớn của Bình Thuận, trong buổi làm việc ngày 18/4 với lãnh đạo tỉnh Bình Thuận, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu tiếp tục giám sát chặt chẽ môi trường ở khu vực Nhiệt điện Vĩnh Tân, không để tái diễn tình trạng ô nhiễm; không đưa thêm nhiệt điện than vào Bình Thuận…

Với tiềm năng và tốc độ phát triển vào thế mạnh như hiện nay, Bình Thuận hoàn toàn có thể tự chủ ngân sách trong vài ba năm tới đây. Điều đó cũng có nghĩa là Bình Thuận không phải chờ đợi sự trợ giúp từ ngân sách Trung ương nữa.

Khánh Hòa nổi tiếng về du lịch với những thương hiệu nổi tiếng như Vinpearl.
Khánh Hòa nổi tiếng về du lịch với những thương hiệu nổi tiếng như Vinpearl.

Đáng tiếc là không phải địa phương nào cũng có thể làm được như Khánh Hòa, Bình Thuận!

Có lẽ vì sức ép của phát triển kinh tế địa phương cùng với tính toán ngắn hạn (cộng thêm với quản lý yếu kém) nên đã có những địa phương để xảy ra tình trạng ô nhiễm môi trường.

Hậu quả ấy không chỉ gây ảnh hưởng riêng tới thương hiệu của địa phương ấy, mà còn gây ra tác động xấu khác tới đời sống, tới kinh tế địa phương trong những năm sau đó, và cũng khiến cho Chính phủ vốn đã phải chịu nhiều áp lực nay lại phải gánh thêm những vấn đề yếu kém của địa phương.

Bài học ở đây là không thể xem phát triển kinh tế bằng những số liệu đơn độc của thời kinh tế công nghiệp lạc hậu (kinh tế công nghiệp) như số lượng lao động, doanh thu và tiền thuế thu được ma bỏ qua KPI (chỉ số đo lường quản trị).

Nhìn rộng hơn thì đó là: Chỉ số tác động môi trường đa ngành; Cơ hội so sánh; Biến động của môi trường Biển; Uy tín thương hiệu cho cả địa phương… trong con mắt nhà đầu tư và các đối tượng khách hàng tiềm năng trong nhiều ngành nghề khác có giá trị kinh tế cao hơn và văn minh hơn.

Thiệt hại từ một dự án nào đó không chỉ gây ảnh hưởng tới phát triển du lịch của địa phương mà còn hạ thấp một giá trị khác, đó là: Thương hiệu Địa phương. Những thiệt hại đó thật khó mà lượng hóa được...

Đây là một vấn đề thuần tuý kinh tế trên quan điểm mới của kinh tế giá trị mềm và phát triển bền vững vượt trên các khái niệm hay quan điểm chính trị mà bất cứ quốc gia nào cũng đều có thể nắm bắt...

Chúng tôi đã có dịp chia sẻ với một số địa phương ở Việt Nam và rất vui mừng đã có những nhận thức và động thái tích cực, đó là TP.Hồ Chí Minh, Bình Thuận, Quảng Nam, Hạ Long - Quảng Ninh và phần nào đối với Huế…

Những bài học về tầm nhìn

Hãy nhìn Quảng Nam sẽ thấy tư duy của họ. Từ 2009 tỉnh Quảng Nam đã mời các chuyên gia có uy tín để đối thoại và phản biện chính sách một cách chuyên nghiệp và công khai để thẩm định và phản biện những hướng khai thác thương hiệu và sản phẩm hướng đầu tư có lợi nhất xét dưới nhiều góc độ khác nhau.

Đó là định hướng quy hoạch công nghiệp chế tạo, khu vực dành cho du lịch và nông nghiệp và làn nghề truyền thống, bảo tồn và khai thác di sản thiên nhiên, lịch sử và cách mạng…

Cách làm ấy rất minh bạch, công khai và tôi còn nhớ toàn bộ đối thoại lúc đó được phát sóng rộng rãi trên đài truyền hình Quảng Nam (QTV) trong cả dịp Tết.

Để xây dựng được thương hiệu du lịch như ngày nay, Quảng Nam đã phải có sự chuẩn bị từ gần 20 năm trước. ảnh: TTXVN.
Để xây dựng được thương hiệu du lịch như ngày nay, Quảng Nam đã phải có sự chuẩn bị từ gần 20 năm trước. ảnh: TTXVN.

Tương tự như Quảng Nam, một địa phương có phối hợp hài hòa và duy trì cân bằng các hướng đầu tư đó là Ninh Bình cũng với công nghiệp Ô-tô, và Xi măng cùng với Di sản, du lịch.

Ninh Bình vốn đã nổi tiếng với cố đô Hoa Lư, với rất nhiều danh lam thắng cảnh, nay lại đang đứng trước cơ hội phát triển du lịch vô cùng thuận lợi nhờ tận dụng quảng bá qua bộ phim KingKong nổi tiếng khắp thế giới.

Ngay như ở một huyện ở một tỉnh phía Nam là Trảng Bàng thuộc tỉnh Tây Ninh, chỉ có một đặc sản ẩm thực nhỏ nhoi là Báng Tráng Trảng Bàng, nhưng địa phương những năm gần đây đã biết khai thác các chuỗi giá trị ẩm thực, nhà hàng và rau sạch tạo ra cơ hội kinh tế cho hàng trăm hộ dân. Bánh Tráng Trảng Bàng trở thành một đặc sản của địa phương, nổi tiếng khắp đất nước.

Thời gian vừa qua, khi làm việc với các địa phương, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc luôn nhấn mạnh rằng, mỗi địa phương phải chủ động, sáng tạo, mọi việc phải vì dân.

Thế nên, dư luận đã bày tỏ sự đồng tình ủng hộ rất lớn khi Thủ tướng chỉ đạo dừng dự án thép Cà Ná đầu tư tại tỉnh Ninh Thuận.

Vấn đề Thủ tướng lo lắng cũng chính là nguy cơ tác động tới môi trường, đã được nhiều chuyên gia lên tiếng cảnh báo. Cái lợi trước mắt là địa phương sẽ thu được một khoản tiền cho ngân sách, nhưng về lâu dài, ai dám chắc môi trường không bị ảnh hưởng tiêu cực và khó lường?

Chưa nói tới sự tác động tới môi trường biển, mà khói bụi, ô nhiễm… xảy ra thì liệu loài chim Yến quý hiếm có còn tụ về nơi đây làm tổ hay không? Giá trị hàng tỷ đô la được tạo nên từ Yến Sào của Ninh Thuận và Khánh Hoà liệu có còn không?

Bài học về nghịch lý thương hiệu và khách hàng

Là một trong những nghịch lý (paradox) kinh điển nói rằng sự tranh chấp giữa một thương hiệu và khách hàng luôn luôn dẫn đến kết cục xấu cho thương hiệu. Đơn giản khi thương hiệu (chủ thể) muốn chứng minh mình đúng và khách hàng sai thì hậu quả nhãn tiền (paradox) là mất đi số khách hàng đó.

Cứ như thế thương hiệu cố chấp tranh biện mình đúng và khách sai… kết cục sẽ dẫn đến sự phá sản của chính thương hiệu đó vì không còn khách hàng - chính là người lưu giữ giá trị thương hiệu…

Nguyên tắc này không bao giờ có ngoại lệ và cũng đúng đối với thương hiệu địa phương, mà đại diện chủ thể là chính quyền còn khách hàng là người dân.

Không gì hạnh phúc với người dân bằng tạo ra giá kinh tế kép (double values) với cùng một công việc, như ở Làng rau Trà Quế (Hội An), khi những công việc vốn cực nhọc hàng ngày của nông dân lại được du khách phương xa đến cùng chia sẻ, cùng xắn tay áo làm việc, trải nghiệm việc tưới rau, nhổ cỏ, cày ruộng… và hưởng những sản phẩm sạch của họ làm ra.

Hàng chục mô hình như vậy đang hình thành khắp nơi trên dải đất hình chữ S và nếu được những người lãnh đạo ở địa phương quan tâm thì câu chuyện tưởng chừng nhỏ nhoi ấy hoàn toàn có thể biến thành thương hiệu, phát triển kinh tế cho địa phương và nâng cao đời sống của người dân.

Cho dù mỗi người có thể hiểu ý nghĩa thương hiệu địa phương, hay bản chất thương hiệu khác nhau, nhưng điều cơ bản rất dễ hình dung đó là thương hiệu đích thực luôn hướng con người đến những giá trị nhân văn và tính bền vững trong mọi sứ mệnh từ cá nhân, doanh nghiệp cho tới địa phương hay quốc gia.

Tư duy thương hiệu, với bản chất là tập hợp của giá trị luôn luôn nhắc nhở chúng ta trước khi làm một việc gì hãy nhìn những hậu quả mà nó gây ra… và nhắc nhở chúng ta luôn quan tâm đến những người xung quanh, không chỉ quan sát cảm tính mà còn có thể đo lường được nếu thấu hiểu chuyên môn.

Nguyên tắc Paradox (nghịch lý biện chứng) quen thuộc “Khách hàng luôn luôn đúng” và “Nếu chứng minh khách hàng sai thì sẽ mất khách hàng” tuy dễ hiễu nhưng không dễ nhớ, đó là vì có hiện tượng một số công chức chưa làm tròn nhiệm vụ và chức trách của mình. 

Võ Văn Quang