Hà Nội đã chính thức thông xe đưa vào sử dụng tuyến đường dài 3,5 km thuộc dự án đường Trần Hữu Dực nối đường Lê Đức Thọ với đường 70 thuộc địa bàn phường Xuân Phương (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội).
Tuyến đường này được ví von là “đường kim cương” không chỉ bởi suất đầu tư lớn mà còn vì điều khoản theo kèm.
Cụ thể, dự án có tổng mức đầu tư lên đến hơn 1.500 tỷ đồng do Công ty Cổ phần Tasco làm chủ đầu tư theo hình thức BT (đổi đất lấy đường). Để có được 3,5km đường này, Hà Nội phải đổi gần 70 héc-ta đất.
Một đoạn tuyến đường dài 3,5 km thuộc dự án đường Trần Hữu Dực nối đường Lê Đức Thọ với đường 70. ảnh H.Lực |
“Lỗ hổng” dự án BT
Trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Cao Sỹ Kiêm – Nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho rằng, chủ trương đổi đất lấy hạ tầng trong một thời kỳ được nhiều địa phương áp dụng nhằm phát triển hạ tầng giao thông.
“Tuy nhiên không phải nơi nào cũng thành công. Nhiều địa phương khi thực hiện chủ trương đổi đất lấy hạ tầng do không quản lý chặt dẫn đến chia chác quyền lợi giữa nhà đầu tư với cán bộ quản lý nhà nước cuối cùng gây ra thất thoát tài sản nhà nước”, ông Kiêm nhận định.
Theo Tiến sĩ Cao Sỹ Kiêm, hiện nay chủ trương đổi đất lấy hạ tầng không nên áp dụng tại các trung tâm đô thị lớn như Hà Nội - nơi đất có giá trị cao, quỹ đất ít.
“Đổi đất lấy hạ tầng chỉ áp dụng cho nơi có dư địa đất đai nhiều, cần nhu cầu mở rộng ở các địa phương đang phát triển”, ông Kiêm nhận định.
Đánh giá nguy cơ có thể xảy ra trong kêu gọi đầu tư BT (đổi đất lấy hạ tầng), Tiến sĩ Cao Sỹ Kiêm phân tích, doanh nghiệp đầu tư các dự án BT nhằm hướng đến những quỹ đất đối ứng có giá trị thương mại rất cao để đầu tư các khu trung tâm thương mại, chung cư, nhà ở…
Quỹ đất đối ứng sẽ dựa trên tổng mức đầu tư dự án BT, do đó nếu không quản lý chặt trong thi công dự án rất dễ nảy sinh tiêu cực, doanh nghiệp lợi dụng dẫn đến đội vốn đầu tư dự án.
Cụ thể, nếu chi phí từ giải phóng mặt bằng, giá thành vật liệu, đơn giá thi công tăng lên… sẽ đẩy tổng mức đầu tư dự án tăng lên.
Nếu các dự án BOT giao thông tổng mức đầu tư dự án là căn cứ để đưa ra mức thu phí, thời gian thu phí thì với dự BT giao thông, tổng mức đầu tư dự án là cơ sở để doanh nghiệp được hưởng quỹ đất đối ứng.
Tiến sĩ Cao Sỹ Kiêm cho biết, chủ trương kêu gọi đầu tư BT (đổi đất lấy hạ tầng) nếu quản lý không chặt sẽ dẫn đến thất thoát - ảnh Ngọc Quang. |
Từ phân tích trên Tiến sĩ Kiêm cho rằng, trong quá trình từ thẩm định, phê duyệt đến triển khai dự án nếu không kiểm soát chặt chẽ rất dễ dẫn đến thất thoát tài sản nhà nước, làm lợi cho doanh nghiệp và nhóm lợi ích.
Đối với dự án nối đường Lê Đức Thọ với đường 70, mức đầu tư hơn 1.500 tỷ đồng nhưng trong đó chi phí giải phóng mặt bằng chỉ là 193 tỷ đồng (còn lại khoảng hơn 1.300 tỷ đồng chi phí đầu tư làm đường).
Như vậy với 1.300 tỷ đồng đầu tư làm đường, có nghĩa mỗi ki-lô-mét đường do Tasco đầu tư lên đến hơn 370 tỷ đồng (khoảng hơn 16 triệu USD/km). Suất đầu tư này quá cao nếu so với suất đầu tư tại các cao tốc hiện nay tại Việt Nam.
Theo báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải, giai đoạn 2005 - 2010, ở khu vực đồng bằng có suất đầu tư bình quân 1 km đường cao tốc là 12,5 triệu USD, gồm các tuyến: Cầu Giẽ - Ninh Bình, Láng - Hoà Lạc, TP Hồ Chí Minh - Trung Lương, TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây và Trung Lương - Mỹ Thuận.
Đổi 70 héc-ta đất ở Hà Nội lấy tuyến đường 3,5km liệu có xứng đáng? |
Từ giai đoạn 2010 đến nay, khu vực miền núi, trung du phía Bắc có suất đầu tư bình quân 6,2 triệu USD/km, gồm các tuyến Hà Nội - Thái Nguyên, Nội Bài - Lào Cai.
Vẫn biết những so sánh về con số chỉ mang tính tương đối, tuy nhiên câu hỏi đặt ra và rất cần cơ quan chức năng làm rõ là: Tại sao tuyến đường 3,5km mà Tasco đầu tư lại có giá cao như vậy?
Theo Tiến sĩ Kiêm, muốn làm rõ vấn đề suất đầu tư của Tasco cũng như cơ sở nào để Hà Nội phải đổi gần 70 héc-ta đất cho doanh nghiệp này làm tuyến đường 3,5km cần có các cơ quan chuyên môn thẩm tra, đánh giá.
“Việc thanh tra, kiểm tra tuyến đường này rất cần thiết và phải minh bạch để người dân biết”, ông Kiêm nói.
Thanh tra Chính phủ cần vào cuộc
Đồng quan điểm, Thạc sĩ Nguyễn Văn Chiến – Nghiên cứu sinh ngành Kinh tế học tại Colombo University (Sri Lanka) cho rằng khi suất đầu tư dự án BT tăng lên đồng nghĩa việc doanh nghiệp được đối ứng diện tích đất lớn.
Vì thế phải kiểm soát từ khâu phê duyệt chủ trương đầu tư, khâu lập và thẩm định dự toán, đấu thầu cũng như kiểm soát chi phí xây dựng chặt chẽ, tránh vượt tổng mức đầu tư. Đặc biệt là xác định giá trị lô đất đối ứng theo đúng giá trị thị trường.
“Thực chất đầu tư dự án BT cũng là dự án liên quan đến ngân sách nhà nước. Nhà nước phải trả lại cho nhà đầu tư bằng đất đối ứng. Do vậy dự án BT cần chặt chẽ giống như dự án đầu tư công.
Đổi đất lấy hạ tầng quan trọng nhất là kiểm soát các chi phí, từ khâu giải phóng mặt bằng, quản lý chi phí đầu tư xây dựng, hoạt động đấu thầu và giám sát hoạt động đầu tư, tránh việc doanh nghiệp nâng khống tổng mức đầu tư gây thiệt hại đến tài sản nhà nước”, Thạc sĩ Chiến cho biết.
Ông Chiến cũng nhấn mạnh: Xác định đúng, đủ giá trị lô đất để nhà nước trả cho nhà đầu tư dự án BT là rất quan trọng. Ví dụ như ở đây người dân có thể đặt ra: Cơ sở nào để xác định giá trị gần 70 héc-ta đất để nhà nước đối ứng cho nhà đầu tư dự án đường Trần Hữu Dực kéo dài?
Theo Luật đất đai số 45/2013/QH13 ngày 29/11/2013, Điều 58 Quy định: Đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất được áp dụng trong các trường hợp sau: a) Đầu tư xây dựng nhà ở để bán hoặc cho thuê; Từ dẫn chứng của Luật đất đai ông Chiến đặt ra câu hỏi: "Hà Nội có tiến hành đấu giá quyền sử dụng đất để xác định giá trị đất làm cơ sở thanh toán chi phí đầu tư hạ tầng cho Tasco không? |
Lý giải doanh nghiệp đổ vốn đầu tư dự án BT ở giai đoạn hiện nay, Thạc sĩ Chiến cho rằng, do doanh nghiệp nhận đất đối ứng họ có thể là nhà đầu tư bất động sản trên khu đất đó.
Tuy nhiên, khi giá đất thị trường và giá đất nhà nước quy định chênh lệch nhau quá lớn, sau khi nhận đất đối ứng doanh nghiệp có thể bán, san nhượng, giá trị mang lại rất cao.
Trong quá khứ, dự án BT đường Phạm Văn Đồng ở Thành phố Hồ Chí Minh, nhà đầu tư Hàn Quốc thậm chí còn sang nhượng ngay cả lô đất đối ứng trong lúc dự án đường Phạm Văn Đồng mới bắt đầu triển khai, do giá trị lô đất mang lại lợi nhuận rất cao cho nhà đầu tư.
“Do vậy việc xác định giá để giao đất một cách chính xác là rất quan trọng, một trong các yếu tố quyết định là phải đấu giá quyền sử dụng đất”, Thạc sỹ Chiến cho hay.
Trở lại với những nghi ngại về suất đầu tư khủng tại dự án đường Trần Hữu Dực kéo dài, Thạc sĩ Chiến cho biết: “Khi sử dụng quỹ đất để tạo vốn đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng cần phải thực hiện đấu giá quyển sử dụng đất để xác định đúng giá trị đất đai, làm cơ sở để thanh toán chi phí đầu tư hạ tầng cho nhà đầu tư. Luật đất đai cũng đã hướng dẫn điều này”.
“Đặc biệt các dự án ở khu vực Hà Nội hay Thành phố Hồ Chí Minh, nơi thị trường bất động sản phát triển, việc xác định giá bằng cách đấu giá quyền sử dụng đất sẽ mang lại hiệu quả to lớn cho nhà nước, và nhà đầu tư cũng đạt được lợi ích như mong muốn vì kết quả đấu giá xác định được giá mà nhà đầu tư sẵn lòng mua”, Thạc sĩ Chiến cho biết thêm.
Theo Thạc sĩ Chiến trong quá trình thanh tra, kiểm tra cần rà soát lại từ khâu lập dự án phê duyệt chủ trương đầu tư, lập và thẩm tra dự toán, hoạt động đấu thầu và tổ chức thi công xây dựng, cũng như phương pháp xác định giá trị đất đai.
Nếu cần thiết có thể thuê tư vấn độc lập để giám sát quá trình đầu tư, để làm rõ những nghi ngại nêu trên.
“Khi có nghi vấn thì cơ quan quản lý nhà nước cần vào cuộc thanh tra lại dự án để công khai minh bạch trên phương tiện thông tin đại chúng tránh dư luận xấu”, ông Chiến nhấn mạnh.