Vì sao cầu thủ Việt hay trốn tuyển

17/10/2011 10:24
Theo XZ
Từ khi HLV Goetz lên nắm quyền, đã có 3 trường hợp “chạy trốn đội tuyển”. Dù là ở ĐTQG hay đội U23, vấn nạn này là điều khiến bóng đá Việt Nam đau nhói…
Dù biết rằng từ chối đội tuyển sẽ phải nhận các hình thức kỷ luật từ VFF cũng như cái nhìn tiêu cực từ phía HLV trưởng và dư luận nhưng nhiều tuyển thủ vẫn nhắm mắt lựa chọn cách hành xử như vậy.

Dương Hồng Sơn, Việt Thắng tìm lý do để rời đội tuyển Việt Nam trong những lần đầu HLV Goetz cầm quân. Cầu thủ trẻ Quốc Anh thì hành xử như con nít khi “trốn biệt tăm” đúng vào lúc cao điểm chuẩn bị cho Sea Games của đội tuyển U23. Trong quá khứ, có không ít những trường hợp tương tự và các quan chức VFF dù đã từng đưa ra nhiều án phạt nhưng chưa bao giờ ngăn chặn được hoàn toàn “tật xấu” này.

Cầu thủ từ chối làm nhiệm vụ quốc gia vì nhiều lý do. Có người đã no nê vinh quang, cạn khô khát khao cống hiến. Có người lại rút lui vì cảm thấy khó chiếm suất đá chính… dù là với lý do nào thì cũng là vô cùng đáng trách. Dư luận trách các cá nhân như vậy bằng những lời chỉ trích, VFF trách bằng các án phạt nặng. Nhưng như thế có vẻ chưa đủ “nặng” và dù sao, những động thái kể trên đều được đưa ra khi chuyện đã rồi. Chúng ta chưa thể tìm ra cách răn đe và ngăn chặn bệnh “chán đội tuyển” từ trong trứng nước.

Vấn đề nằm ở cách lên danh sách triệu tập đội tuyển lâu nay VFF áp dụng. HLV trưởng, dù là người nước ngoài không phải lúc nào cũng có quyết định cuối cùng. Bằng nhiều cách, người ta vẫn “nhét” được các tuyển thủ “biết quan hệ” vào danh sách triệu tập và những người này thường nhận được nhiều sự ưu tiên hơn hẳn so với những cá nhân bước chân lên tuyển bằng thực lực.

Sự cạnh tranh có phần thiếu công bằng khiến nhiều vấn đề nảy sinh. Có những trường hợp cầu thủ được triệu tập chuẩn bị cho các giải đấu lớn đã biết trước ngày mình bị trả về. Sau vài lần như vậy, lập tức mọi khát khao cống hiến sẽ không còn. Họ miễn cưỡng đóng vai người thừa, làm quân xanh cho đồng đội tập luyện và đếm từng ngày để được về địa phương. Nhưng sự miễn cưỡng cũng có giới hạn và trường hợp của Quốc Anh là một ví dụ rõ ràng.

Thiết nghĩ, để hạn chế đến mức nhỏ nhất nguy cơ “bỏ đội tuyển” thì VFF cần phải xem xét lại cách tuyển chọn nhân sự của mình. Môi trường đội tuyển phải là nơi cạnh tranh công bằng cho những cá nhân ưu tú và khao khát nhất. Nếu cứ tiếp tục như bây giờ, khao khát cống hiến cho Tổ quốc sẽ bị bào mòn và lãng phí.

Sự lãng phí ấy sẽ khiến đội tuyển chẳng bao giờ bứt lên được so với hình ảnh tồn tại bấy lâu nay…
Theo XZ