Trưởng ban Văn hóa – Xã hội, Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, bà Thi Thị Tuyết Nhung đã nhận xét như trên, khi chủ trì buổi giám sát về tình hình giáo dục của quận 10 trong ngày 9/5.
4 chức danh mà chỉ được tuyển 2 vị trí ở trường mầm non
Báo cáo tại buổi làm việc, ông Nguyễn Thành Văn – Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận 10 cho biết, toàn quận có khoảng hơn 2.000 cán bộ, giáo viên, công nhân viên đang phục vụ cho khối giáo dục công lập.
Hiện quận đang khuyết 53 giáo viên mầm non so với biên chế được giao, do không tuyển dụng được, vì chế độ đãi ngộ không hấp dẫn, dẫn tới nhiều khó khăn cho các trường trong việc đảm bảo việc tổ chức việc dạy học và chăm sóc trẻ cho tốt.
Căn cứ theo thông tư liên tịch 06 giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Nội vụ, thì chức danh nhân viên nuôi dưỡng lại không nằm trong danh mục vị trí việc làm ở cơ sở giáo dục mầm non công lập, nhưng trên thực tế, đây lại là một vị trí rất quan trọng trong các trường mầm non, do phải chăm sóc trẻ từ rất nhỏ.
Trưởng phòng Giáo dục quận 10 - ông Nguyễn Thành Văn báo cáo tình hình giáo dục quận (ảnh: H.Nam) |
Quy định mỗi trường mầm non chỉ được phép tuyển 2 vị trí cho cả 4 chức danh là kế toán, văn thư, thủ quỹ, y tế lại càng bất hợp lý, do nhiệm vụ, chức năng của mỗi vị trí khác nhau, nên nhiều vị trí phải kiêm nhiệm trên thực tế.
Trường học phải rèn cho học sinh phương pháp tự học
Về tình hình dạy thêm học thêm trên địa bàn quận 10, ông Nguyễn Thành Văn nói rằng, cả quận chỉ có 2 trường tổ chức dạy thêm học thêm, gồm: Trường trung học cơ sở Nguyễn Tri Phương (cả sáng, chiều), trường Lạc Hồng (học sáng thứ 7, sau 17h30 hàng ngày).
Các trường trên địa bàn quận 10 cũng tổ chức bồi dưỡng học sinh giỏi, phụ đạo cho học sinh yếu kém mà không thu học phí đúng theo qui định.
Dù vậy, người đứng đầu ngành giáo dục của quận 10 cũng thừa nhận, vẫn còn tình trạng dạy thêm học thêm bên ngoài nhà trường, dù đã thường xuyên tổ chức tuyên truyền, kiểm tra và quản lý, nhất là tình trạng giáo viên tổ chức dạy ở nhà, hay thuê mướn địa điểm để dạy thêm.
Phòng Giáo dục và Đào tạo vẫn luôn theo dõi, và sẽ xử lý nghiêm nếu xảy ra tình trạng đối xử không công bằng giữa học sinh học và không học thêm.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, theo ông Nguyễn Thành Văn, do phụ huynh kỳ vọng quá nhiều vào con cái, tạo áp lực lớn lên các em, khiến các em phải đi học thêm quá nhiều.
Ngoài ra, phụ huynh vẫn còn tâm lý muốn gửi học sinh cho thầy cô dạy trong chính khóa, do nghĩ là chỉ thầy cô này mới hiểu và uốn nắn được các em.
Thêm nữa, giáo viên vẫn có nhu cầu dạy thêm rất nhiều, mà việc đăng ký dạy tại các trung tâm có phép còn nhiều khó khăn, số trung tâm ít và nhỏ, không đáp ứng nổi nhu cầu dạy và học của học sinh và giáo viên.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Trưởng ban Văn hóa Xã hội, Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, bà Thi Thị Tuyết Nhung nhận xét: Khả năng tự học của học sinh bây giờ ngày càng kém, do phải lệ thuộc vào các thầy cô quá nhiều.
Đại diện Hội đồng nhân dân thành phố đề nghị, các trường và giáo viên cần quan tâm nhiều hơn nữa đến việc tự học của học sinh, cần rèn cho các em phương pháp tự học, kể cả bậc mầm non, nhất là khối lớp lá, vì chuẩn bị cho học sinh bước vào lớp 1.
Bà Thi Thị Tuyết Nhung yêu cầu, các trường cần thực hiện tốt các quy định về dạy thêm học thêm, không được bắt các em học quá nhiều dù bất cứ lý do gì.
“Ngoài buổi sáng học văn hóa, thì buổi chiều các trường nên dạy cho các em kiến thức, kỹ năng khác để các em phát triển toàn diện hơn” – bà Nhung đề xuất.