Trong khi nguồn đầu tư còn hạn hẹp thì các địa phương phải tính toán sao cho việc sử dụng nguồn đầu tư đạt hiệu quả. Cà Mau là một trong những địa phương biết tận dụng nguồn lực để từng bước giải quyết những khó khăn về cơ sở vật chất cho giáo dục.
So với các địa phương trong vùng và cả nước, Cà Mau vẫn là địa phương thuộc “vùng trũng” về giáo dục.
Vì vậy, sự quan tâm và tạo điều kiện, ưu tiên đầu tư kinh phí xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị cho giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông trong giai đoạn tới là rất quan trọng với ngành giáo dục Cà Mau.
Để đáp ứng nhu cầu cơ sở vật chất thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, những năm qua, ngành Giáo dục Cà Mau đã được Ủy ban nhân dân tỉnh, Bộ Giáo dục và Đào tạo đầu tư thông qua nhiều chương trình, dự án.
Cụ thể, Đề án kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ giáo viên đã xây dựng mới được trên 2.000 phòng học, trong đó: Mầm non 136 phòng, Tiểu học 1.278 phòng, Trung học cơ sở 428 phòng, Trung học phổ thông 153 phòng và 302 nhà công vụ cho giáo viên.
Địa phương đề nghị Bộ tiếp tục triển khai chuẩn quốc gia về cơ sở vật chất (Ảnh: Báo Người lao động) |
Ông Lâm Hoàng Nên - Trưởng Phòng Cơ sở vật chất, Thiết bị trường học, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Cà Mau cho biết:
Do nguồn lực đầu tư còn hạn hẹp nên trong quá trình triển khai đầu tư, ngành Giáo dục Cà Mau tập trung ưu tiên cho những vùng, những trường, điểm trường khó khăn nhất.
Từng bước một, vừa tận dụng hiệu quả cơ sở vật chất sẵn có, vừa đầu tư theo hướng có tính toán lâu dài, kết quả đến nay, tỉnh Cà Mau đã xóa hoàn toàn phòng học tạm bợ và phòng học ba ca.
Ba vấn đề về cơ sở vật chất các trường cần lưu ý khi thực hiện chương trình mới |
Không chỉ triển khai có hiệu quả đề án kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ giáo viên, tỉnh Cà Mau còn là địa phương tích cực trong triển khai đề án bán trú tại một số trường tiểu học theo phương thức xã hội hóa.
Năm học 2016 - 2017, tỉnh đã tổ chức học bán trú tại 118 trường mầm non; 8 trường tiểu học và đã có 51 trường tiểu học tổ chức dạy 2 buổi/ngày.
“Tỉnh Cà Mau phấn đấu đến năm 2020 đảm bảo 70% các trường mầm non, tiểu học, đủ phòng học tổ chức lớp 2 buổi/ngày đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông.
Con số này chưa phải lớn so với các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội tốt hơn nhưng với cách làm gắn liền với hiệu quả, làm tới đâu chắc tới đó, chúng tôi tin Cà Mau sẽ có một hệ thống cơ sở vật chất tốt và bền vững”, ông Nên cho biết.
Để có cơ sở cho quá trình đầu tư cơ sở vật chất, tỉnh Cà Mau đề nghị Bộ tiếp tục triển khai chuẩn quốc gia về cơ sở vật chất kỹ thuật cho tất cả các loại hình trường theo quy định nhằm đảm bảo những điều kiện vật chất cơ bản thực hiện việc đổi mới quá trình dạy học.
Trong đó, chú trọng đến chuẩn hóa phòng học, phòng thí nghiệm, phòng học bộ môn và trang thiết bị dạy học ở các cấp học, đặc biệt là đồ chơi an toàn cho trẻ em.