Chiều ngày 11/5, đoàn công tác của Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa thể thao và du lịch) Hà Văn Siêu đã có buổi làm việc với lãnh đạo Hiệp hội du lịch Đà Nẵng để trao đổi về những kiến nghị của Hiệp hội liên quan đến “quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Sơn Trà đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.
Các khu du lịch, khu resort đang "băm nát" Sơn Trà khiến dư luận bức xúc. Ảnh: TT |
Trước đó, lo lắng việc Sơn Trà bị “băm nát” bởi những khu du lịch, khu resort, Hiệp hội du lịch Đà Nẵng đã có đơn kiến nghị gửi Thủ tướng và cơ quan chức năng để giải cứu “lá phổi xanh” của thành phố Đà Nẵng.
Kiến nghị Thủ tướng bảo vệ “báu vật của Đà Nẵng – bán đảo Sơn Trà”(GDVN) - Tình trạng xây dựng ồ ạt các khu lưu trú, khách sạn 5 sao đã băm nát rừng ở bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng), đe dọa đến nhiều loài động, thực vật quý hiếm. |
Tổng cục Du lịch đã mời đại diện Hiệp hội là ông Huỳnh Tấn Vinh – Chủ tịch hiệp hội ra Hà Nội để họp giải quyết kiến nghị. Tuy nhiên, phía Hiệp hội cho rằng, nên chuyển địa điểm vào họp tại Đà Nẵng vì “phải vào tận nơi, xem tận mắt Sơn Trà như thế nào mới bàn cách”.
Tổng cục Du lịch đã đồng ý dời cuộc họp vào Đà Nẵng. Tuy nhiên, trái ngược với sự quan tâm, lo lắng của dư luận, cuộc họp của Tổng cục Du lịch đã “cấm cửa” báo chí với lý do làm việc nội bộ.
Sau hơn 2 giờ làm việc, ông Vinh cho biết, cuộc họp đã kết thúc mà không có bất kỳ một biên bản làm việc nào được ký. Lý do là có sự bất đồng về quan điểm giữa Tổng cục Du lịch và Hiệp hội.
Tại cuộc họp này, Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng cũng đã gửi đoàn công tác nhiều kiến nghị liên quan đến quy hoạch, lấy ý kiến các nhà khoa học, xây dựng mô hình du lịch sinh thái...
Trong đó, trọng tâm là phải xem xét điều chỉnh lại quy hoạch tổng thể Khu du lịch quốc gia Sơn Trà. Bởi việc thực hiện bản quy hoạch này là sai quy trình.
Theo bản quy hoạch này thì việc đánh giá tác động môi trường đã không tính đến những tác động về đa dạng sinh học, hệ sinh thái. Ngoài ra, theo ông Vinh, căn cứ pháp lý về đất đai, rừng đặc dụng… của quy hoạch này cũng chưa ổn.
Tuy nhiên, phía Tổng cục Du lịch và lãnh đạo Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch (đơn vị thực hiện bản quy hoạch này) cho rằng, họ đã làm là đúng quy trình và sẽ không điều chỉnh.
Hai đơn vị này vẫn giữ quan điểm sẽ tiếp tục triển khai quy hoạch đã được phê duyệt trước đó, không thể thay đổi.
Trao đổi với báo chí sau buổi làm việc, ông Vinh cũng cho biết, Hiệp hội đã gửi lời mời đoàn Tổng cục Du lịch đi “tham quan” Sơn Trà để hiểu thêm về cuộc sống của loài Voọc chà vá chân nâu. Tuy nhiên, phía Tổng cục Du lịch đã từ chối lời đề nghị này.
Ngoài ra, Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng cũng đề xuất nên tổ chức một cuộc hội thảo, gồm nhiều chuyên gia, nhà khoa học để bàn về vấn đề Sơn Trà.
Qua đó, tập hợp những ý kiến hay để trình Thủ tướng xem xét có nên điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Sơn Trà hay không? Tuy nhiên, đề xuất này cũng chưa được đoàn công tác thống nhất.
Với hàng loạt bất đồng, không tìm được tiếng nói chung nên buổi làm việc kết thúc mà không có biên bản cuộc họp.
Liên quan đến việc bảo vệ Sơn Trà, đã có hơn 11.000 chữ ký đồng tình với quản điểm của Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng, kiến nghị cơ quan chức năng xem xét lại quy hoạch tổng thể Sơn Trà.