Ông Vũ Hồng Thanh cho biết, thâm hụt ngân sách và nợ công ở mức cao, tiếp tục gây sức ép trả nợ và tạo rủi ro đối với phát triển bền vững của nền kinh tế.
Tính đến 27/3/2017, tỷ lệ nợ công/GDP khoảng 61,5%, trong đó nợ Chính phủ khoảng 51%GDP; nợ được Chính phủ bảo lãnh 9,8%GDP và nợ chính quyền địa phương khoảng 0,7%GDP.
Dự kiến đến hết năm 2017, tỷ lệ nợ công/GDP khoảng 64,6%GDP (GDP kế hoạch năm 2017 là 4.800.000 tỷ đồng).
Chi đầu tư phát triển từ ngân sách trong 4 tháng đạt mức thấp (19,2%), gây áp lực giải ngân vào những tháng cuối năm, tình trạng này đã diễn ra nhiều năm nhưng chưa có biện pháp khắc phục.
Một số dự án, công trình quan trọng quốc gia trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư và kế hoạch phân bổ vốn đầu tư trung hạn còn chậm.
Ông Vũ Hồng Thanh - Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội. ảnh: Trung tâm thông tin Quốc hội. |
Có ý kiến cho rằng cần kiểm soát chặt chẽ bội chi ngân sách theo Nghị quyết của Quốc hội do dự báo tốc độ tăng trưởng GDP năm 2017 khó đạt 6,7% trong khi thực hiện chi chuyển nguồn vốn trái phiếu Chính phủ năm 2016 sang năm 2017 và vốn vay ODA thực tế cao hơn so với dự toán.
Cụ thể, số vốn trái phiếu Chính phủ kế hoạch năm 2016 chưa phân bổ chuyển nguồn sang năm 2017 để thực hiện khoảng 12,5 nghìn tỷ đồng.
Theo đánh giá của Ủy ban Kinh tế, các doanh nghiệp nhà nước chưa nghiêm túc thực hiện quy định và công bố thông tin của doanh nghiệp.
Trong quý I năm 2017 mới cổ phần hóa 8 doanh nghiệp nhà nước và 1 đơn vị sự nghiệp, công bố giá trị doanh nghiệp, nhưng chưa phê duyệt phương án cổ phần hóa 41 doanh nghiệp và đang tiến hành xác định giá trị của 108 doanh nghiệp;
Giải thể được 1 doanh nghiệp thuộc Tổng công ty Cà phê Việt Nam và phê duyệt giá trị cho 1 doanh nghiệp để cổ phần hóa.
Cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp nhà nước hiệu quả thấp do sự thiếu kiên quyết thực hiện của người đứng đầu doanh nghiệp và tâm lý chờ đợi các cơ quan có thẩm quyền thống nhất chủ trương thành lập cơ quan đại diện vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Nợ xấu còn cao, chưa được xử lý triệt để còn là gánh nặng của nền kinh tế, kìm hãm việc giảm lãi suất cho vay của các tổ chức tín dụng.
Dư nợ thuế tuy đã được cải thiện, nhưng còn ở mức cao và chưa có giải pháp khắc phục hữu hiệu, nhất là chống chuyển giá tại các tập đoàn, doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp FDI.
Cụ thể, dư nợ thuế tại thời điểm 31/12/2016 khoảng 74,1 nghìn tỷ đồng, giảm 3% so với thời điểm 31/12/2015.
Số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong 4 tháng đạt mức cao, tập trung chủ yếu vào lĩnh vực dịch vụ, số doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực chế biến, chế tạo chiếm tỷ lệ thấp. Tỷ lệ doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động cũng rất lớn.
Vấn đề nổi lên của doanh nghiệp hiện nay là mặc dù số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng mạnh nhưng chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ chiếm tỷ lệ 95%-96%.
Quy mô doanh nghiệp đang có xu hướng nhỏ dần và thiếu các doanh nghiệp lớn làm trụ cột, hoạt động của các doanh nghiệp này thiếu tính cạnh tranh, thiếu tính liên kết và tinh thần đổi mới, sáng tạo không cao.
Ủy ban Kinh tế cho rằng để đảm bảo yêu cầu tăng trưởng, phát triển bền vũng, phải tiếp tục triển khai quyết liệt trên thực tế Nghị quyết của Quốc hội về cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020, bảo đảm sự phối hợp, chỉ đạo chặt chẽ của các cấp, ngành và chính quyền địa phương.
Triển khai quyết liệt cơ cấu lại các ngành kinh tế, trước mặt tập trung cơ cấu lại ngành công nghiệp để góp phần khai thác các nguồn lực thay thế so sự giảm sút của công nghiệp khai khoáng thời gian qua.
Thực hiện các giải pháp xử lý nợ xấu, cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng, kiểm soát đặc biệt đối với những tổ chức tín dụng yếu kém và quản lý chặt chẽ vấn đề sở hữu chéo trong hệ thống ngân hàng nhằm tháo gỡ điểm nghẽn.
Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trên cơ sở xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các tổ chức tín dụng và Nghị quyết của Quốc hội về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.
Nhà máy sản xuất xơ sợi Polyester Đình Vũ (Hải Phòng) cũng thua lỗ lớn. ảnh: pvc. |
Đề nghị kiên quyết xử lý trách nhiệm do chậm cổ phần hóa
Cụ thể, ông Vũ Hồng Thanh nêu vấn đề: Năm 2016 đã có 56 doanh nghiệp nhà nước được phê duyệt phương án cổ phần hóa, đây là con số rất thấp so với trung bình 118 doanh nghiệp được cổ phần hóa mỗi năm trong giai đoạn 2011-2015.
Tổng giá trị thực tế của 56 doanh nghiệp đã được phê duyệt phương án cổ phần hóa là 34.017 tỷ đồng, trong đó giá trị thực tế phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp là 24.390 tỷ đồng.
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cho biết: Về cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, năm 2016 cả nước đã cổ phần hóa 52 doanh nghiệp nhà nước và 3 đơn vị sự nghiệp công lập; thực hiện sắp xếp theo các hình thức khác đối với 12 doanh nghiệp: giải thể 10 doanh nghiệp, phá sản 1 doanh nghiệp, bán 1 doanh nghiệp. Về thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp, đã thực hiện bán phần vốn nhà nước không cần nắm giữ tại doanh nghiệp. |
Ông Thanh cho biết, có ý kiến đề nghị cần thực hiện quyết liệt hơn nữa đề án tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước thông qua đẩy mạnh cổ phần hóa để sớm giải phóng nguồn lực của doanh nghiệp nhà nước, nâng cao thực chất quản trị doanh nghiệp thúc đẩy các thành phần kinh tế khác phát triển.
Để giải quyết vấn đề này, Ủy ban Kinh tế đề nghị đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, thoái vốn khỏi những ngành, lĩnh vực mà nhà nước không cần nắm giữ, giảm tối đa tỷ lệ vốn nhà nước trong các doanh nghiệp mà nhà nước không cần giữ chi phối.
Kiên quyết xem xét, xử lý trách nhiệm người đứng đầu doanh nghiệp, các bộ, ngành trong việc chậm cổ phần hóa.
Rà soát các dự án đầu tư có vốn nhà nước đã hoàn thành nhưng chưa đi vào hoạt động và có giải pháp xử lý dứt điểm tất cả các dự án thua lỗ kéo dài, báo cáo Quốc hội xem xét, cho ý kiến.
Đề cập tới các dự án BOT giao thông, Ủy ban Kinh tế cho biết có nhiều ý kiến đề nghị cần phải đánh giá thực chất và kỹ lưỡng quy định pháp luật và chất lượng dự án, đồng thời kịp thời xử lý những bức xúc của dư luận xã hội.
Ủy ban Kinh tế cũng lưu ý: Bài học từ sự cố môi trường của Công ty TNHH gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh gây ra tại 4 tỉnh miền Trung cho thấy những hậu quả nghiêm trọng về kinh tế, xã hội, môi trường trước mắt và lâu dài.
Điều này đặt ra cho các cơ quan chức năng, các địa phương cần đặc biệt lưu ý tiêu chí bảo vệ môi trường trong lựa chọn các dự án đầu tư, kiên quyết không đánh đổi, cho phép đầu tư các dự án, các loại hình sản xuất ô nhiễm môi trường.