Dự thảo Chương trình tổng thể (mới) về giáo dục phổ thông đang trong giai đoạn xin ý kiến để mọi người góp ý.
Trong đó không ít chuyên gia lo ngại về thời gian quá gấp từ khi dự thảo chương trình tổng thể đang xin ý kiến, sách giáo khoa cụ thể từng môn chưa biết như thế nào nhưng năm 2018 lại được đưa vào áp dụng giảng dạy luôn.
Sự băn khoăn đó xuất phát từ việc lo ngại, giáo viên chưa sẵn sàng, cơ sở vật chất liệu có đáp ứng kịp thời, chưa nói đến nội dung chương trình sách giáo khoa còn chưa công bố nên chưa biết được tính hợp lý đạt ở mức độ nào.
Ông Phạm Tất Thắng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên, Nhi đồng của Quốc hội (ảnh Bạch Đằng). |
Để làm rõ hơn những băn khoăn trên, ngày 22/5, bên hành lang Quốc hội phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã trao đổi với ông Phạm Tất Thắng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội.
Theo ông Phạm Tất Thắng: “Có thể nói, mốc 2018 đưa vào áp dụng thí điểm chương trình sách giáo khoa mới vào giảng dạy là được xác định trong Nghị quyết 88 của Quốc hội về đổi mới chương trình sách giáo khoa phổ thông.
Tuy nhiên, cá nhân tôi cho rằng, việc thay đổi chương trình sách giáo khoa phổ thông mới là một việc rất hệ trọng. Nó liên quan không chỉ một mà nhiều thế hệ học sinh của chúng ta và liên quan đến lực lượng lao động sau này của đất nước.
Cho nên, việc thực hiện chương trình sách giáo khoa mới tôi cũng quan niệm rằng, không phải tiến độ về thời gian là cái tiên quyết mà cái tiên quyết là chất lượng của việc chuẩn bị, sự cần thiết của các điều kiện khi chúng ta áp dụng”.
Theo ông Phạm Tất Thắng: “Hiện nay, có nhiều chuyên gia, nhiều Đại biểu Quốc hội đặc biệt là các thầy cô giáo rất là băn khoăn về việc chúng ta áp dụng mốc 2018 để thí điểm chương trình sách giáo khoa mới.
Trong khi, chương trình tổng thể của chúng ta đến nay chưa được thông qua.
Về lý thuyết, rõ ràng chương trình tổng thể phải thông qua thì lúc đó mới thông qua chương trình các môn học và sau đó mới biên soạn sách giáo khoa.
Dĩ nhiên, về mặt kỹ thuật thì chúng ta không đợi như thế!
Thế nhưng thực tế thì nó vẫn phải có các bước một cách tương đối chặt chẽ. Có thể các công việc chuẩn bị không hoàn toàn chờ nhưng phải có các bước cần thiết”.
Điều mà Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên, Nhi đồng của Quốc hội băn khoăn đó là: “Vì chương trình sách giáo khoa mới chưa ban hành nên chúng ta chưa có kế hoạch cụ thể để tập huấn cho đội ngũ giáo viên, đây là đội ngũ rất quan trọng cho việc triển khai và một điều kiện nữa cũng rất quan trọng đó là cơ sở vật chất.
Chương trình sách giáo khoa mới được ban hành lúc đó chúng ta mới biết cần cơ sở vật chất như thế nào, trang thiết bị giảng dạy ra sao, phòng thí nghiệm ra sao, những cái cũ đáp ứng đến đâu và cần phải bổ sung những gì?”.
Ông Phạm Tất Thắng nhấn mạnh: “Tôi cho là, trong việc áp dụng chương trình sách giáo khoa mới, thì chúng ta hoàn toàn chuẩn bị một cách kỹ lượng về mặt nội dung chương trình sách giáo khoa, điều kiện cần thiết thực hiện sách giáo khoa mới, khi nào ta thấy chín muồi rồi thì chúng ta mới tiến hành áp dụng vào thực tiễn.
Nói như vậy không phải là chúng ta không quan trọng mốc thời gian. Nếu chúng ta đảm bảo được tiến độ về sự chuẩn bị, chất lượng chuẩn bị với tiến độ theo Nghị quyết 88 là phương án tuyệt vời.
Nhưng trong trường hợp mà chuẩn bị không kịp thì tôi cho rằng cơ quan quản lý có thể báo cáo với Quốc hội chọn thời điểm áp dụng phù hợp hơn, để điều kiện áp dụng của chúng ta là phù hợp nhất”.
Bà Nguyễn Thanh Hải, Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội (ảnh nguồn quochoi.vn). |
Cũng liên quan đến vấn đề này, chia sẻ với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam bên hành lang Quốc hội chiều 22/5, Trưởng Ban Dân nguyện – Bà Nguyễn Thanh Hải cho biết:
“Tóm lại thời gian và chất lượng lúc nào cũng mâu thuẫn nhau. Trong khi, Bộ Giáo dục và Đào tạo muốn đến năm 2020 vấn đề thi cử được ổn định.
Cử tri rất lo lắng mỗi năm thay đổi, quá trình đổi mới bao giờ mới kết thúc. Mà đổi mới thì mọi sự không được ổn định.
Do đó, nỗ lực của Bộ Giáo dục và Đào tạo, của Chính phủ sớm ổn định Nghị quyết Trung ương về vấn đề cải cách, đổi mới toàn diện căn bản giáo dục.
Cái mong muốn như vậy rất chính đáng phù hợp với nguyện vọng của cử tri, của nhân dân.
Thế nhưng, khi thực hiện để thực hiện được một chương trình tổng thể, Tổng chủ biên là Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết – Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề Văn hóa Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên, Nhi đồng của Quốc hội đã hết sức là kỳ công.
Ông Nguyễn Minh Thuyết là người có sự hiểu biết, am hiểu thấu đáo chương trình lần này.
Tôi thấy rằng, qua những đề án, những nội dung của đề án hết sức cẩn thận, chu đáo.
Thế nhưng, cái gì cũng có tính hai mặt. Ở mặt trái của nó, tôi cũng lo lắng như điều cơ sở vật chất đi kèm để vận hành chương trình và đội ngũ giáo viên được chuẩn bị như thế nào?”.
Nhóm tác giả Việt Cường nêu quan điểm về dự thảo chương trình giáo dục mới |
Bà Nguyễn Thanh Hải lý giải: “Tôi cũng là học sinh của đại học sư phạm.
Mỗi chuyên ngành, phương pháp dạy các môn học rất khác nhau. Như môn dạy tích hợp cần thiết phải có kỹ năng gì?
Như tôi dạy môn Vật lý, thì tích hợp với Toán còn được còn tích hợp với Hóa thì rất khó.
Rõ ràng việc phối kết hợp giữa các chương trình để làm sao chương trình đạt được kết quả khả thi nhất là yêu cầu quan trọng.
Do đó, nếu để chuẩn bị kỹ nữa cần có một cái mốc, có thể là năm 2019 hay các năm sau đó để phấn đấu và đến cái mốc đó trước ngày đưa vào thí điểm cần phải có cái cơ chế kiểm tra, thí điểm. Sau khi thí điểm mô hình nhỏ ta phải nhân rộng”.
Trưởng Ban dân nguyện của Quốc hội cho rằng: “Tôi nghĩ cái chương trình lần này đã chuẩn bị rất công phu.
Tuy nhiên, nguồn lực, đội ngũ giáo viên thực hiện thì còn lo lắng. Nhưng mà nếu để một cái mốc quá xa, quá lâu thì cử tri không mong muốn như vậy.
Bao giờ cũng có sự mâu thuẫn nên từ bây giờ đến khi thực hiện cần rà soát để xem cái tiến độ như vậy có đảm bảo được chất lượng không?
Giữa thời gian và chất lượng phải phù hợp, điều này rất cần thiết để đảm bảo tính khả thi của chương trình”.