Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh vừa có hướng dẫn thực hiện các hoạt động trong dịp hè, công tác chuẩn bị cho năm học mới, năm học 2017 – 2018.
Dạy thêm hè ở trường: Không dạy trước chương trình chính khóa
Theo đó, cơ quan này yêu cầu, các trường học trên địa bàn cần có kế hoạch cho học sinh của đơn vị mình tham gia các hoạt động hè tại nhà trường, địa phương trên tinh thần học sinh được nghỉ ngơi, tham gia vào các hoạt động văn – thể - mỹ.
Tăng cường rèn luyện các kỹ năng sống, tham gia vào các hoạt động xã hội, trải nghiệm thực tiễn.
Đồng thời, tạo điều kiện cho học sinh tham gia vào các câu lạc bộ văn học nghệ thuật, câu lạc bộ ngoại ngữ, câu lạc bộ khoa học kỹ thuật…
Việc thu phí các hoạt động hè của học sinh phải trên đảm bảo nguyên tắc tự nguyện của học sinh, và cả cha mẹ học sinh khi tham gia.
Các trường lên kế hoạch mở cửa trường, mở cửa thư viện, cơ sở vật chất khác nhằm hỗ trợ học sinh đọc sách, hoạt động thể dục thể thao, vui chơi, tham gia vào việc sinh hoạt các câu lạc bộ đội nhóm, rèn luyện các kỹ năng sống.
Thành phố Hồ Chí Minh yêu cầu hè năm 2017 không được phép dạy trước chương trình (ảnh minh họa: P.L) |
Trung tâm dạy thêm trong các nhà trường phải được cấp phép hoạt động đúng theo các quy định hiện hành của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban nhân dân thành phố, đảm bảo nguyên tắc không dạy thêm trước chương trình giáo dục phổ thông chính khóa, học sinh tham gia học trên cơ sở tự nguyện, được lựa chọn nội dung học theo trình độ và nguyện vọng.
Sớm xây dựng kế hoạch năm học, chuẩn bị triển khai hoạt động đầu năm
Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố đã đề nghị các trường sớm xây dựng kế hoạch năm học, kế hoạch hoạt động chuyên môn chi tiết, đầy đủ, đảm bảo việc giáo dục toàn diện trong trường, cân đối việc trang bị tri thức và rèn luyện kỹ năng sống.
Trường dạy 1 buổi phải thực hiện đúng thời lượng dạy học theo quy định của Bộ. Trường dạy học 2 buổi phải có kế hoạch chi tiết, tách biệt giữa chương trình dạy chính khóa và chương trình của buổi thứ 2.
Thời lượng của chương trình dạy học buổi 2 phải dành một nửa cho rèn luyện kỹ năng sống, trải nghiệm thực tiễn, phát triển các năng khiếu của học sinh. Nhà trường cần có kế hoạch chi tiết, để mọi học sinh trong nhà trường đều có thể được tham gia vào các hoạt động này.
Trường cấp trung học cơ sở, trung học phổ thông cần có kế hoạch tiếp nhận danh sách học sinh đầu cấp học (lớp 6, lớp 10), làm thủ tục nhập học, lập danh sách học sinh và xếp lớp, có kế hoạch giới thiệu về nhà trường, nề nếp học tập, sinh hoạt mà các học sinh cần thực hiện, các công việc cần chuẩn bị cho năm học mới.
Trường tự tổ chức biên chế lớp theo mỗi khối, dựa trên số lượng lớp và danh sách học sinh đã được phê duyệt. Những thay đổi so với kế hoạch, biên chế đã được giao, trường cần có đề xuất, thuyết minh và phải được các cấp quản lý đồng ý trước khi thực hiện.
Nhà trường chỉ được phép tập trung học sinh, thực hiện các công việc chuẩn bị cho năm học mới sát ngày tựu trường, không dạy bồi dưỡng, phụ đạo học sinh đầu cấp vào trước ngày tựu trường, không được tổ chức thi, kiểm tra, khảo sát với mục đích xếp lớp cho học sinh khi chuẩn bị vào năm học mới.
Ngay từ ngày tựu trường, các trường phải tổ chức dạy học và thực hiện ngay chương trình.
Đối với các trường ngoài công lập, chỉ được phép tập trung học sinh, dạy ôn tập 1 tháng trước ngày tựu trường theo quy định chung của thành phố, không được thu học phí cho những ngày ôn tập, học (nếu có) trước ngày tựu trường.
Những thay đổi về đồng phục của trường (nếu có) chỉ áp dụng đối với học sinh đầu cấp, tránh các đồng phục cầu kỳ, phức tạp, và không được bắt học sinh mua đồng phục tại một nơi quy định nào.
Đầu năm học, nhà trường phải thu các khoản thu đúng với các quy định hiện hành, không thu dồn nhiều khoản vào đầu năm học, tránh việc gây áp lực về mặt tài chính lên phụ huynh, học sinh.