Chuyện buồn sau buổi họp phụ huynh

27/05/2017 06:51
Phan Tuyết
(GDVN) - “Từ nay con không nói cho mẹ biết chuyện gì ở trường nữa đâu. Mẹ biết rồi lại đi phát biểu lung tung làm con phát mệt”, cô con gái phụng phịu với mẹ.

LTS: Chia sẻ câu chuyện về buổi họp phụ huynh cho con gái mình, cô giáo Phan Tuyết cho rằng các thầy cô giáo và nhà trường cần có những ứng xử phù hợp để khuyến khích phụ huynh nói lên nguyện vọng của bản thân.

Đồng thời, cách cư xử khéo léo của giáo viên chủ nhiệm cũng làm tránh ảnh hưởng đến tâm lý của học sinh mà phụ huynh có những ý kiến phản biện.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Vừa bước chân vào nhà sau buổi học chiều nay, cô con gái giận dỗi phụng phịu nói với tôi với thái độ oán trách:

Từ nay con không nói cho mẹ biết chuyện gì ở trường nữa đâu. Mẹ biết rồi lại đi phát biểu lung tung làm con phát mệt”.

Tôi không thể ngờ rằng chỉ vì có lời góp ý trong buổi họp phụ huynh ở trường trung học phổ thông nơi con tôi đang theo học mà sau đó chính con mình lại trở thành tâm điểm chú ý của mọi người khi liên tục bị giáo viên gọi lên hỏi han, chất vấn.

Buổi họp phụ huynh hôm ấy, tôi đã có ý kiến về 2 vấn đề mình cho là nổi cộm.

Đó là việc nhà trường có ý định cho học sinh mua thêm một bộ đồng phục bên cạnh bộ áo dài đang mặc vào năm học tới. 

Lâu nay ở trường, học sinh nữ mang áo dài, học sinh nam mang quần xanh áo trắng. Từ năm học tới, nữ sẽ mua thêm bộ váy xanh áo trắng, nam vẫn bộ quần xanh áo trắng nhưng theo thiết kế kiểu khác. 

Theo dự kiến của trường, bộ áo dài của nữ sẽ mặc vào thứ hai và một số ngày lễ, những ngày khác mặc váy xanh áo trắng.

Phụ huynh dám lên tiếng bày tỏ ý kiến trái chiều trong buổi họp phụ huynh thì con em mình lại gặp nhiều phiền phức. (Ảnh mang tính minh họa, nguồn: Tuoitre.vn)
Phụ huynh dám lên tiếng bày tỏ ý kiến trái chiều trong buổi họp phụ huynh thì con em mình lại gặp nhiều phiền phức. (Ảnh mang tính minh họa, nguồn: Tuoitre.vn)

Sau phần trình bày của giáo viên chủ nhiệm đến phần lấy ý kiến của phụ huynh. Lớp học im lặng như tờ, dù tôi biết nhiều người rất muốn phát biểu nhưng lại ngại.

Tôi nêu điều băn khoăn của mình, một bộ đồng phục đối với gia đình khá giả chẳng đáng là bao nhưng với nhiều gia đình có hoàn cảnh khó khăn lại là chuyện lớn. 

Để các em mặc đồng phục giống quy định của nhà trường thì học sinh lớp 10 phải may cùng lúc hai bộ vừa áo dài, vừa váy.

Đầu năm học biết bao khoản tiền phải đóng nên sẽ là gánh nặng cho nhiều gia đình không có kinh tế. Bởi thế, nhiều gia đình sẽ khó đáp ứng nổi. Nên chăng quy định hoặc là áo dài, hoặc là váy. 

Sau phát biểu của tôi thấy một số phụ huynh tỏ ra đồng tình nhưng cuối cùng cũng chẳng ai dám lên tiếng. Và thế là biên bản được ghi phụ huynh thống nhất gần như tuyệt đối.

Chuyện buồn sau buổi họp phụ huynh ảnh 2

Họp phụ huynh mà giáo viên cứ gọi học sinh là... chúng nó

(GDVN) - Phụ huynh lớn tuổi tham dự buổi họp phụ huynh, vậy mà giáo viên chủ nhiệm cứ gọi học sinh là chúng nó gây bức xúc cho những người tham dự.

Chuyện thứ hai tôi phản ánh về việc có thông tin một số giáo viên dạy thêm trong trường cho học sinh làm đề gần giống với đề thi, đề kiểm tra. 

Tôi có yêu cầu nhà trường cần kiểm soát chặt chẽ hơn việc ra đề để tạo sự công bằng cho tất cả các em học sinh trong trường.

Sau buổi họp, đợi cho phụ huynh về hết, tôi nói với giáo viên chủ nhiệm: “Em cần giữ kín thông tin chị là phụ huynh em nào để tránh sự rắc rối cho con chị. 

Chị thấy thương nhiều phụ huynh nghèo với gánh nặng tiền bạc và muốn lấy sự công bằng cho tất cả học sinh chứ không hề muốn làm khó nhà trường”. 

Nghe thế, cô chủ nhiệm nói như đinh đóng cột “Em hiểu, chị cứ yên tâm, những điều chị phản ánh có ghi trong biên bản nhưng không ghi rõ chị là phụ huynh em nào đâu”.

Vậy mà chỉ một ngày sau, con tôi lên trường học đã được một số giáo viên tới tò mò hỏi “Em học thêm thầy cô nào? Ai cho đề trước? Nếu còn giữ những đề ấy gửi để thầy cô xem…” đến độ con bé cảm thấy phiền hà mệt mỏi.

Lẽ ra khi nghe phản ánh của phụ huynh như thế giáo viên chủ nhiệm ghi nhận phản ánh lại Ban giám hiệu để biết tình hình, cũng không nhất thiết kể tên phụ huynh nào đã có ý kiến ra. 

Nhà trường cũng cần có sự kiểm tra để nhắc nhở giáo viên rút kinh nghiệm không nên làm như thế. Thì ngược lại, một số thầy cô giáo lại làm cái việc truy tìm ai nói, nói như thế nào, vì sao lại nói như thế, bằng chứng đâu?...

Với cách hành xử như vậy của giáo viên, của nhà trường phải chăng là cách “dằn mặt” những phụ huynh nào dám lên tiếng trái chiều?

Phan Tuyết