"Tôi chỉ là một mẩu giấy, nhưng tôi kiểm soát toàn bộ cuộc đời bạn"

29/05/2017 06:34
Nguyễn Thị Lan Hương
(GDVN) - Từ những đại học hàng đầu của Việt Nam, Singapore hay Mỹ khó có thể nói tự do học thuật là khái niệm đồng nhất toàn cầu được.

LTS: Chia sẻ góc nhìn của mình về vấn đề tự do học thuật hiện nay, tác giả Nguyễn Thị Lan Hương, nghiên cứu sinh về giáo dục Hoa Kỳ cho rằng đó là một thứ quý giá mà mọi người mong ước.

Tuy nhiên, qua những thực tế mà tác giả từng biết và trải nghiệm thì "chúng ta đều phải thỏa hiệp để tìm ra được những tự do, theo những nghĩa mềm mại nào đó, mà ai đó mong muốn".

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Tự do có lẽ là một từ quý giá trong cuộc đời mỗi con người cũng như mỗi quốc gia.

Các quốc gia đều ghi nhận quyền con người bao gồm cả quyền tự do được làm những gì pháp luật không cấm, và các quốc gia phải đấu tranh rất nhiều với nhau, với các lực lượng đối lập để được “tự do”.

Trong thời gian gần đây, mọi người thuộc giới đại học Việt Nam đang bàn bạc về tự chủ đại học, trong đó bao gồm cả khái niệm tự do học thuật

Theo những gì tôi được trải nghiệm, từ những đại học hàng đầu của Việt Nam, Singapore hay Mỹ, phạm vi “tự do”, mặc dù đều được ghi nhận trong luật pháp tương ứng về giáo dục và học thuật, đều có những “nội hàm” riêng của từng nước, từng hoàn cảnh, mà khó có thể nói đây là khái niệm đồng nhất toàn cầu được.  

"Tôi chỉ là một mẩu giấy, nhưng tôi kiểm soát toàn bộ cuộc đời bạn". (Ảnh tác giả chụp từ Linkedin)
"Tôi chỉ là một mẩu giấy, nhưng tôi kiểm soát toàn bộ cuộc đời bạn". (Ảnh tác giả chụp từ Linkedin)

Lấy ví dụ, ở đại học của Singapore, tự do học thuật là một khái niệm được hiểu là bao gồm tự do học tập, nghiên cứu, tự do thông tin và chia sẻ, trừ những chủ đề và những nghiên cứu mà chính phủ không khuyến khích.  

Thêm nữa, việc trao đổi thông tin học thuật, nghiên cứu, chủ đề về con người cũng có thể bị Phương Tây đánh giá là chưa thực sự “tự do”, với những hạn chế về tự do ngôn luận và tự do báo chí.  

Đây chính là lý do cơ bản mà các giáo sư của Yale đã phản đối dữ dội về liên kết thành lập đại học Yale – NUS (National University of Singapore – Đại học quốc gia Singapore) [1].

Nhưng nếu Yale vẫn thành lập liên kết chương trình với NUS, lẽ nào các giáo sư và chương trình giáo dục ở Yale đã “thỏa hiệp” phần nào tự do học thuật của họ khi họ liên kết với đối tác, mà mức độ “tự do học thuật” không đi theo chuẩn mực của các đại học hàng đầu của Mỹ? 

Xin được trích dẫn đôi dòng về tự do học thuật trong báo cáo tham quan trường Yale – NUS năm 2016 của Hội đồng Giáo sư Yale [2]:

Chương trình cơ bản của chương trình (liên kết) hoàn toàn khác với chương trình được cung cấp ở Yale. 

Tự do học thuật – Họ (các quản lý trường, chương trình và giáo viên) ý thức được những vấn đề về tự do học thuật ở Singapore và việc họ đang sống trong cộng đồng được “quản lý”.  

"Tôi chỉ là một mẩu giấy, nhưng tôi kiểm soát toàn bộ cuộc đời bạn" ảnh 2

Tại sao tư duy phản biện trong giáo dục rất khó thực hiện ở Việt Nam?

Tuy nhiên, trong trường không có các chế độ giám sát. Mọi người có thể mua bất kỳ sách hay phim nào mà họ chọn. 

Họ thông báo cho Cơ quan Phát triển Truyền thông thay thế cho việc xin phép (cho các chương trình, phát ngôn). 

Họ mời các thành viên của các đảng đối lập đến trường để trao đổi ý kiến và chủ đề. 

Tự do cá nhân – Trong trường, vấn đề này ổn. Lấy ví dụ, nhóm sinh viên LBGT là nhóm sinh viên đồng tính, lưỡng tính và chuyển giới duy nhất tại Singapore được đăng ký như một tổ chức sinh viên chính thức.

Theo đó, họ nhận được quỹ hỗ trợ tài chính của chính phủ.  

Một ví dụ khác là gần đây, họ được công bố cuốn hướng dẫn sinh hoạt (tình dục) an toàn (bao gồm cả phát miễn phí bao cao su) và phân phát cho tất cả sinh viên trong trường.  

Những sinh hoạt này không có tiền lệ trước đây ở Singapore”. 

Những nhận xét trên đây thuộc về bản báo cáo đánh giá trong 3 ngày tham quan và gặp gỡ mọi người ở Yale-NUS do các giáo sư Yale đưa ra.

Trong đó, mục đích chính là mong muốn đánh giá việc liên kết mở chương trình giáo dục khai phóng và nghệ thuật ở một đất nước được coi là không có nhiều tôn trọng về quyền tự do của con người và ngôn luận (theo quan điểm của những giáo sư Yale phản đối việc liên kết với NUS).

Cho đến nay, Yale-NUS là chương trình được đánh giá khá tốt trong hệ thống các trường thuộc NUS. 

Họ vừa khai trương cơ sở mới được xây dựng trong khuôn viên của NUS, với mục tiêu tăng thêm số sinh viên đến học ở Yale – NUS.

Trong đó sinh viên Singapore chỉ cần chiếm khoảng 50%, còn lại dành cho sinh viên nước ngoài (trong tổng số mục tiêu 1000 sinh viên). 

Như vậy, có thể hiểu được mấy ý chính sau đây thông qua ví dụ của Yale – NUS:

1. Rất nhiều khái niệm, phạm trù gắn với “tự do” như tự do học thuật, có thể được hiệu chỉnh mềm dẻo cho phù hợp với đối tượng hợp tác, trong một môi trường văn hóa và chính trị khác với Mỹ. 

"Tôi chỉ là một mẩu giấy, nhưng tôi kiểm soát toàn bộ cuộc đời bạn" ảnh 3

Tự chủ, tự do học thuật và trách nhiệm giải trình của đại học ở Việt Nam

2. Với trường hợp của Yale-NUS, để tránh những rắc rối có thể xảy ra, NUS đã lựa chọn những học phần quan trọng nhất trong chương trình và tự xây dựng lên một chương trình khung khác với Yale, cấp bằng học bởi cả hai trường Yale-NUS.  

Đây cũng là một ví dụ rất tốt cho các trường học tập, và cũng chứng minh được năng lực tự lựa chọn và xây dựng chương trình của cả hai trường xuất sắc trên thế giới Yale và NUS. 

Tính sáng tạo và sự thành công của Yale-NUS khi xây dựng được chương trình độc lập với chương trình của Yale là một bài học mà cá nhân tôi tin, Việt Nam cần học rất nghiêm túc.  

Điều này mới là điểm cơ bản để giữ được “tự do học thuật” cho NUS, theo kiểu của NUS, trong quá trình hợp tác với Yale. 

3. Khá nhiều giáo sư Yale ở Mỹ quan ngại về những khả năng có thể ảnh hưởng đến tự do học thuật, mà trực tiếp ảnh hưởng đến quyền tự do phát biểu, tự do giảng dạy và lựa chọn chương trình, tài liệu cho sinh viên…

Tuy nhiên, có lẽ vì có Yale và chương trình giáo dục khai phóng và nghệ thuật, ít nhất là trong khuôn viên và cuộc sống hàng ngày, điều này đã không xảy ra, và biết đâu, nó đã góp phần thúc đẩy sự cởi mở và tự do phóng khoáng trong tư tưởng cho các trường thành viên khác thuộc NUS.

Những câu chuyện như của Yale – NUS đã được nhiều trường của Mỹ quan tâm nghiên cứu, bởi nó sẽ ảnh hưởng đến những hành xử của các đại học Mỹ khác khi mở rộng hoạt động của mình ra những nước hoặc khu vực có sự khác biệt với Mỹ, nhất là về khái niệm “tự do”.  

"Tôi chỉ là một mẩu giấy, nhưng tôi kiểm soát toàn bộ cuộc đời bạn" ảnh 4

Môi trường tự do học thuật quyết định tới phát triển giáo dục tinh hoa

Yale-NUS cũng không phải là một câu chuyện đơn lẻ, vì hầu hết các chương trình hợp tác giữa các đại học Mỹ với đại học Trung Quốc cũng gặp phải những vấn đề tương tự.  

Tuy nhiên, với sức mạnh của hợp tác và vượt lên khác biệt, dù có những khác biệt về tự do học thuật, nhân quyền, tự do ngôn luận, tự do báo chí… cuối cùng, các trường đại học Mỹ vẫn nhìn thấy sức hấp dẫn không thể từ bỏ ở thị trường giáo dục Trung Quốc. 

Vậy, câu hỏi đặt ra là nếu tự do học thuật có thể hiểu và ứng dụng mềm dẻo, tùy theo từng tình huống và từng đối tác, điều gì là quan trọng nhất trong tự do học thuật của Mỹ? 

Tôi đã ở Mỹ 3 năm và học 2 năm chương trình quản trị giáo dục đại học Mỹ.

Cá nhân tôi nhận thấy, chính khái niệm “tự do học thuật” ở đại học Mỹ, do giáo sư và môi trường học của đại học Mỹ, có lẽ cũng được thực hiện rất khác nhau.  

Lấy mấy ví dụ để chúng ta cùng xem xét nhé.

Ví dụ 1: Phản đối việc tổ chức phát biểu của một cá nhân mang tư tưởng da trắng thượng đẳng ở UC Berkeley [3]

Ngay khi vụ biểu tình phản đối của sinh viên tổ chức trong khuôn viên trường nhằm thể hiện thái độ với một người theo chủ nghĩa cánh tả, đề cao chủ nghĩa da trắng thượng đẳng được mời đến nói chuyện ở UC Berkeley, Tổng thống Mỹ đã lên Twitter đe dọa:

Nếu không tôn trọng tự do ngôn luận, sẽ cắt tài trợ của liên bang dành cho trường”. 

Bỏ qua các yếu tố rằng ai đúng ai sai trong việc này, nhưng một đe dọa chính thức từ người lãnh đạo đất nước trong việc sẵn sàng sử dụng nguồn tài trợ liên bang cho các đại học như một phản ứng các hành động không được ông ủng hộ, thì liệu cái gọi là “tự do ngôn luận”, hay “tự do học thuật” thực sự đang được kiểm soát bởi ngân sách tài trợ liên bang? 

Ví dụ 2: Cắt giảm nhân sự trong đại học và đặc biệt coi trọng tuyển dụng giáo viên thời vụ (adjunct professors)

"Tôi chỉ là một mẩu giấy, nhưng tôi kiểm soát toàn bộ cuộc đời bạn" ảnh 5

Quản trị đại học công lập gắn với tự do học thuật như thế nào

Cũng với UC Berkeley, trong năm 2016, đối mặt với việc cắt giảm ngân sách liên tục, Hiệu trưởng trường và Chủ tịch đã phải nêu ra chiến lược cắt giảm các chương trình hoạt động nhằm đảm bảo Berkeley vẫn là nó, trong bối cảnh thiếu hụt tài chính.  

Một trong những chiến lược Hội đồng trường Berkeley đề xuất việc thu hẹp các hoạt động không thích hợp, và hạn chế tuyển dụng nhân sự, đặc biệt là nhân sự cao cấp trong nghiên cứu [4].

Trong bối cảnh cắt giảm ngân sách, thay vì tuyển dụng hay giữ các giáo sư suốt đời, hay giáo sư có thời hạn lâu dài, rất nhiều trường đã chuyển sang tuyển giáo viên có thời hạn ngắn (adjunct professors), mà thực tế, rất ít hiệu quả với quá trình giảng dạy và nghiên cứu có chất lượng. 

Việc không duy trì được hợp đồng đủ dài cho giáo viên và nhân viên lao động tại trường đã tạo nên một tâm lý rất khó chịu, vì mọi người buộc phải sống như “đóng kịch”! 

Họ luôn bị áp lực và tâm lý với thời hạn không rõ sang năm, mình có được gia hạn hợp đồng hay không? 

Cũng từ đây, các giáo sư quản lý chương trình, quản lý khoa là những người trực tiếp tuyển dụng cũng không dễ để tuyển người thực sự có năng lực (vì hạn chế ngân sách) hay có thể phải thỏa hiệp, chấp nhận chất lượng giảng dạy và nghiên cứu càng ngày càng kém đi.

Vậy, với bối cảnh hợp đồng lao động với trường có thể không được gia hạn vào năm sau, liệu có ai còn quan tâm nhiều đến “tự do học thuật” hay “tự do ngôn luận” nữa không?

Hay hợp đồng lao động mới là điều quan trọng nhất với người lao động ở trường? 

Cuối cùng, môi trường học tập, đáng ra phải là có sức lôi cuốn, sức hấp dẫn trí tuệ, có niềm vui trong học tập và nghiên cứu, khi bị ưu tiên cắt giảm ngân sách, tất cả đã biến đổi và tác động mạnh vào chất lượng của cái gọi là “tự do học thuật” hàng trăm năm nay của đại học Mỹ.

Khi tôi mới đến Mỹ học tập, tôi có niềm tin tuyệt đối vào những nguyên tắc quản trị đại học và xã hội Mỹ.  

Cùng với thời gian học và với những trải nghiệm đau đớn của cá nhân trong thời gian học, hơn hết, tôi cảm thông lớn với những giáo sư đang dạy tôi và những gì họ phải làm để duy trì vị trí, công việc của mình ở đại học.  

Tôi hiểu và tha thứ cho những gì họ đã làm với một học sinh hết lòng tin vào giá trị và giáo dục Mỹ, bởi giống như ở Việt Nam, Trung Quốc, Singapore, tất cả chúng ta, chỉ nói đến “tự do học thuật” mà thôi!

Tôi nghiệm ra được “Nỗi đời cay cực đang giơ vuốt/ Cơm áo không đùa với khách thơ” [5], và chúng ta đều thỏa hiệp để tìm ra được những tự do, theo những nghĩa mềm mại nào đó, mà ai đó mong muốn.

Tài liệu tham khảo:

[1] http://www.chronicle.com/article/Yale-Faculty-Registers-Concern/131448/; https://www.insidehighered.com/news/2012/04/06/yale-faculty-resoultion-expresses-concern-about-singapore-campus

[2]http://fassenate.yale.edu/sites/default/files/files/Reports/Yale-NUS%20Visit%20-%20Written%20Report%2C%20Final%5B1%5D.pdf

[3] http://www.reuters.com/article/us-california-ucberkeley-protests-idUSKBN15H1R5

[4] https://www.washingtonpost.com/news/grade-point/wp/2016/02/10/berkeley-is-facing-big-budget-trouble-painful-measures-ahead-for-nations-top-public-college/?utm_term=.25787af3dc6e; https://theconversation.com/what-berkeleys-budget-cuts-tell-us-about-americas-public-universities-54997

[5] http://giaitri.vnexpress.net/tin-tuc/sach/lang-van/xuan-dieu-an-khoe-de-viet-van-1973235.html

Nguyễn Thị Lan Hương