Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội những tháng đầu năm 2017 của Ủy ban Kinh tế Quốc hội cho thấy, trong 4 tháng đầu năm 2017 bên cạnh những kết quả đạt được, kinh tế - xã hội vẫn bộc lộ một số khó khăn, thách thức.
Trong đó thách thức lớn nhất là tỷ lệ doanh nghiệp thành lập mới cũng như doanh nghiệp giải thể, phá sản đều ở mức cao.
Doanh nghiệp chính là sức sống của nền kinh tế, doanh nghiệp gặp khó khăn nền kinh tế sẽ khó khăn và ngược lại.
Liên quan đến vấn đề này phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Cao Sỹ Kiêm - nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam.
Doanh nghiệp là sức sống của nền kinh tế - ảnh: H.Lực |
Khó cạnh tranh và trụ vững
Theo báo cáo của Ủy ban Kinh tế Quốc hội số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong 4 tháng đầu năm 2017 đạt mức cao, tập trung chủ yếu vào lĩnh vực dịch vụ, số doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực chế biến, chế tạo chiếm tỷ lệ thấp. Tỷ lệ doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động cũng rất lớn.
Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới dù tăng mạnh nhưng chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ (chiếm tỷ lệ 95%-96%), quy mô doanh nghiệp đang có xu hướng nhỏ dần và thiếu các doanh nghiệp lớn làm trụ cột, hoạt động của các doanh nghiệp này thiếu tính cạnh tranh, thiếu tính liên kết và tinh thần đổi mới, sáng tạo không cao.
Đồng tình với những đánh giá trên, Tiến sĩ Cao Sỹ Kiêm cho biết: “Đánh giá của Ủy ban Kinh tế Quốc hội phản ánh đúng tình hình kinh tế Việt Nam, phản ánh bức tranh doanh nghiệp Việt Nam”.
Tiến sĩ Cao Sỹ Kiêm nguyên Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cho rằng doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ mới thành lập sẽ khó trụ vững vì chịu cạnh tranh lớn - ảnh nguồn Báo Công an nhân dân. |
Tiến sĩ Cao Sỹ Kiêm nhận định, số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng mạnh trước hết là tín hiệu vui của nền kinh tế. Số doanh nghiệp thành lập mới có được do các quy định pháp lý, cơ chế chính sách đã được thay đổi giải phóng quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp.
Trong khi Luật Doanh nghiệp cho phép doanh nghiệp được kinh doanh tất cả những ngành nghề mà pháp luật không cấm, đồng thời, nâng cao quyền tự chủ, tự quyết định của doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất, kinh doanh thì trong Luật Đầu tư, lần đầu tiên đã làm sáng tỏ, rạch ròi những mảng nào là cấm, mảng nào là hạn chế và mảng nào là tự do kinh doanh, đồng thời, bãi bỏ các điều kiện đầu tư kinh doanh bất hợp lý.
Nói cách khác, chính sự chuẩn hóa lần đầu tiên của hệ thống quy định về điều kiện kinh doanh, bãi bỏ hơn 6.000 giấy phép con, ban hành danh mục ngành, nghề kinh doanh có điều kiện với việc loại bỏ 20 ngành, nghề kinh doanh, cũng như thông điệp không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, chỉ thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp 1 lần/năm... của Chính phủ đã có tác động tích cực đến việc thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp và tạo ra một làn sóng kinh doanh mới.
Đã “gãi đúng chỗ” và sẽ tiếp tục xử lý cán bộ nhũng nhiễu doanh nghiệp |
“Tuy nhiên số lượng doanh nghiệp thành lập mới có đến hơn 90% là doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ cũng mang đến lo lắng về khả năng cạnh tranh trên thị trường.
Nguy cơ phá sản, giải thể của doanh nghiệp nhỏ mới thành lập là có thật”, Tiến sĩ Cao Sỹ Kiêm cho biết.
Bên cạnh nguồn lực hạn chế và thiếu kinh nghiệm thị trường dẫn đến khó cạnh tranh, Tiến sĩ Kiêm cũng cho rằng việc doanh nghiệp chủ yếu đi vào dịch vụ không đi vào sản xuất, chế biến, chế tạo cũng dẫn đến khó cạnh tranh.
Cụ thể, nếu doanh nghiệp đi sâu và chế tạo có hàm lượng sáng tạo cao sẽ dễ khẳng định chỗ đứng trên thị trường hơn là hướng vào dịch vụ - nơi có số lượng doanh nghiệp hoạt động lớn, sức cạnh tranh cao hơn.
“Cái khó doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ mới thành lập là vốn ít, bởi vậy doanh nghiệp mới thành lập thường hướng chủ yếu vào dịch vụ nơi đòi hỏi vốn, về trình độ lao động thấp hơn là so với sản xuất và chế biến.
Nếu hướng vào chế biến hàng hóa, chế tạo sản phẩm cần đầu tư khoa học công nghệ, đầu tư đào tạo con người, điều này đòi hỏi vốn lớn, trình độ quản lý cao.
Đây là điều mà ít doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ đáp ứng được”, Tiến sĩ Kiêm phân tích khó khăn của doanh nghiệp mới thành lập.
Cần cơ chế bình đẳng thành phần kinh tế
Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm 97,6% tổng số doanh nghiệp Việt Nam trong đó 2,1% doanh nghiệp vừa, 28,9% doanh nghiệp nhỏ và 66,6% doanh nghiệp siêu nhỏ.
Doanh nghiệp vừa và nhỏ đóng góp 50% GDP cả nước, tạo việc làm cho 60% lao động cả nước, đóng góp 30% thu ngân sách cả nước.
Nhìn những con số trên Tiến sĩ Cao Sỹ Kiêm cho rằng, dù quy mô không lớn nhưng vai trò lớn của doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ trong nền kinh tế rất quan trọng.
Nếu doanh nghiệp này hoạt động tốt cũng có nghĩa là sẽ tăng thêm nguồn thu cho ngân sách nhà nước, bảo đảm cuộc sống người dân, giảm gánh nặng với chính sách an sinh xã hội.
Xử lý người đứng đầu nếu thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp quá quy định |
“Vai trò của doanh nghiệp nhỏ rất lớn vì thế phải tạo điều kiện để doanh nghiệp nhỏ có thể trụ vững và cạnh tranh trên thị trường”, ông Kiêm cho biết.
Theo ông Kiêm phải làm hai việc:
Thứ nhất, tạo sự bình đẳng giữa các thành phần kinh tế, giữa doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp nhà nước.
“Lâu nay chúng ta thường có tâm lý ưu tiên doanh nghiệp nhà nước, tạo mọi điều kiện doanh nghiệp nhà nước trong khi doanh nghiệp tư nhân lại phải tự xoay sở đây là bất hợp lý.
Cần phải xây dựng thể chế chính sách bình đẳng giữa công và tư nhân, phù hợp với thông lệ quốc tế”, ông Kiêm cho biết.
Khi có chính sách bình đẳng sẽ tạo cơ hội cho doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể chen chân đầu tư vào các lĩnh vực vốn lâu nay được xem là sân chơi riêng của doanh nghiệp nhà nước, của tập đoàn, doanh nghiệp lớn.
Thứ hai, có chính sách khuyến khích đầu tư khoa học kỹ thuật, giảm chi phí cả chính thức và không chính thức, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn tín dụng cho hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Như tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp, ông Kiêm mong những vấn đề tồn tại như thuế, phí, không chỉ những chi phí liên quan đến thủ tục hành chính mà còn liên quan đến phí sử dụng công trình BOT, bến bãi, cảng biển, cầu đường... đặc biệt chi phí không chính thức, phí bôi trơn sẽ được giải quyết.
Ngoài ra vấn đề thủ tục hành chính, các thủ tục cấp phép, điều kiện kinh doanh sẽ đi vào chuẩn mực để dẹp hiện tượng "cò" làm dịch vụ. Sớm thực thi chính thức giao dịch đảm bảo chưa tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp phát huy tài sản đảm bảo để thế chấp, tiếp cận nguồn vốn tín dụng cho hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Theo ông Kiêm, chỉ khi có sự hỗ trợ về chính sách doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ mới trụ vững trên thị trường và từng bước lớn mạnh trở thành doanh nghiệp lớn đóng góp vào kinh tế đất nước.