LTS: Quý vị và các bạn đang theo dõi bài viết của Tiến sĩ Mai Văn Tỉnh, Phó trưởng Ban nghiên cứu & phân tích chính sách của Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam.
Đây là bài viết thứ hai trong nghiên cứu của ông về tác động của doanh nghiệp hóa vào sự thay đổi đại học công, ảnh hưởng tới mô hình quản trị ở Trung Quốc và Nhật Bản có đối chiếu với một số nước thành viên Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) khác.
Tòa soạn trân trọng gửi đến cùng bạn đọc.
(Tiếp theo và hết)
3. Tác động của Doanh nghiệp hóa vào quản trị giáo dục đại học
Trung Quốc: Doanh nghiệp hóa đại học công, cùng với những biện pháp khác của chính phủ, đã dẫn tới thay đổi to lớn trong quản lý đại học.
Từ năm 1990, số trường do bộ ngành Trung ương chủ quản giảm đáng kể, trong khi số trường do địa phương quản lý tăng lên.
Ví dụ, số trường do bộ ngành Trung ương chủ quản giảm từ 318 năm 1990 xuống còn 50 năm 2000.
Mặt khác, số trường do Bộ giáo dục và chính quyền địa phương quản lý tăng tương ứng từ 36 và 721 năm 1990 lên 71 và 920 năm 2000.
Một tác động lớn khác ảnh hướng đến quan hệ giữa chính phủ và đại học là việc dần dần thiết lập hệ thống tài chính giáo dục đại học hoàn toàn mới: từ năm 1990, tỷ lệ phân bổ ngân sách nhà nước giảm, tỷ lệ phần trăm thu nhập của đại học tăng nhanh từ thu học phí.
Ví dụ, từ năm 1990 đến năm 2001, ngân sách nhà nước giảm từ 99% xuống 55% tổng doanh thu giáo dục đại học, trong đó tỷ lệ doanh thu do trường tạo ra chiếm gần một nửa.
Tỷ lệ học phí tăng từ 1% (năm 1990) lên 24,7% năm 2001 (Han, 2003, MOE 2003).
Tuy nhiên, trong khi mức tự chủ của đại học Trung Quốc tăng lên nhiều hơn trước, một khảo sát quốc gia với 200 giáo sư và phó giáo sư cho thấy hơn một nửa số họ thừa nhận rằng họ chỉ có nhiều tự do hơn trong tuyển dụng nhân viên giảng dạy;
Và dưới một nửa số cho rằng đại học của họ không đủ quyền tự chủ trong tuyển sinh, xây dựng tiêu chí kỹ thuật, thiết lập cơ cấu tổ chức, sử dụng kinh phí, quyết định chức danh giáo sư, phân phối thu nhập, bổ nhiệm và bãi nhiệm nhân viên (Đại học Sư phạm Bắc kinh, 2000).
Tiến sĩ Mai Văn Tỉnh, Phó trưởng Ban nghiên cứu & phân tích chính sách của Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam. (Ảnh do tác giả cung cấp) |
Luật Giáo dục đại học năm 1998 tái khẳng định sự cần thiết và tầm quan trọng của thực hiện hệ thống trách nhiệm của Hiệu trưởng đại học dưới sự lãnh đạo của Đảng ủy nhà trường có từ năm 1989 cho tất cả các trường.
Đảng chịu trách nhiệm điều chỉnh sứ mệnh và hoạt động nhà trường, bổ nhiệm và miễn nhiệm cán bộ quản lý hành chính và đào tạo - bao gồm các Hiệu phó, Trưởng khoa phòng ban, Giám đốc viện nghiên cứu thành viên ở tất cả các đại học, thậm chí cả các đại học được trao vị thế công ty cổ phần.
Tuy nhiên, trước hết cần nhấn mạnh rằng vai trò Đảng Cộng sản lãnh đạo nội bộ đã được chuyển từ tham gia trực tiếp vào công việc nội bộ cụ thể sang giám sát thực hiện các nguyên tắc và chính sách của Đảng.
Thứ hai, đến năm 2001, một khảo sát quy mô quốc gia ở 131 trường đại học cho biết tỷ lệ các tổ chức Đảng và đảng viên trong cơ quan quản lý và nhân viên hành chính cấp cơ sở đã giảm liên tục.
Một số tổ chức Đảng phải chịu trách nhiệm nhiều hơn về các vấn đề hành chính hoặc cung cấp dịch vụ giáo dục và nghiên cứu (Yan and Kang, 2004).
Theo một nghĩa nào đó, dường như quyền lực điều hành quản lý hành chính do Hiệu trưởng nắm giữ, ngày càng trở nên có ảnh hưởng mạnh mẽ hơn.
Hơn nữa, thay đổi lớn nhất trong cơ cấu tổ chức quản trị nội bộ là các quyền tự chủ được ủy thác cho cấp trường thành viên theo sự thay đổi cấu trúc tổ chức nội bộ.
Tự chủ đại học không thể thực hiện bằng cách quản lý cấp giấy phép |
Với sự gia tăng lượng sinh viên và đặc biệt nhấn mạnh vào hoạt động kinh doanh, nhiều đại học đã hình thành cấu trúc ba cấp: trường đại học (university), các trường thành viên và khoa (School/college), thay vì tổ chức hai cấp: trường đại học và khoa như trước đây.
Trường thành viên mới thành lập bên trong đại học đã trở thành đơn vị nghiên cứu và giáo dục cơ bản, chịu trách nhiệm tuyển sinh, phát triển chương trình giảng dạy...
Nhật Bản: Tương tự như ở Trung Quốc, các đại học công Nhật Bản, với tư cách trực thuộc chính phủ, cũng hoạt động dưới sự kiểm soát của chính phủ và gần như được Nhà nước tài trợ hoàn toàn.
Nhưng từ tháng 4/2004, việc doanh nghiệp hóa đại học công đã làm thay đổi quan hệ giữa chính phủ với đại học và quản trị nội bộ trường.
Nếu doanh nghiệp hóa đại học công ở Nhật diễn ra chỉ vào 1 ngày 01/4/2004, thì vẫn chưa rõ là ở Trung Quốc vào thời điểm này mô hình quản trị trong các doanh nghiệp đại học công đã thay đổi nhiều đến mức nào.
Về quan hệ giữa chính phủ với đại học, thay đổi lớn nhất là công nhân viên ở đại học công đều không còn là công chức và không chịu sự kiểm soát trực tiếp của chính phủ nữa.
Báo cáo tóm tắt của Trung tâm Tài chính và Quản lý các đại học công (2004) cho biết sự khác biệt cơ bản giữa doanh nghiệp đại học với khu vực công cộng và tư nhân là ở chỗ Nhà nước vẫn giữ trách nhiệm trực tiếp kiểm định công nhận hay đóng cửa các đại học này.
Và Nhà nước cũng chịu trách nhiệm cung cấp doanh thu cần thiết cho các doanh nghiệp đại học công, mặc dù phân bổ ngân sách nhà nước phải dựa trên kết quả đánh giá của bên thứ ba.
Việc đánh giá được thực hiện theo mục tiêu và kế hoạch trung hạn 6 năm do các đại học chuẩn bị trước để nộp dự thảo lên Bộ MEXT phê duyệt.
Ngân sách nhà nước được cân đối cấp cho doanh nghiệp đại học công theo tài trợ trọn gói, nhờ đó có sự linh hoạt hơn.
Và chính phủ phải chú ý đánh giá hiệu lực hồi tố, ít nhấn mạnh vào quy chế hơn so với trước kia.
Về thay đổi mô hình quản trị trong doanh nghiệp đại học, quyền lực dành cho cơ quan quản lý cấp trường tăng lên cùng với giảm bớt quyền tự chủ ở cấp khoa.
Thay thế cho hội đồng chỉ họp thảo luận ở đại học công như trước tháng 4/2004, giờ đây là cơ quan quản trị cấp trường gồm Ban Giám đốc, Hội đồng Giáo dục-Nghiên cứu và Hội đồng Hành chính.
Hơn nữa, Luật năm 2004 nhấn mạnh Giám đốc đại học là người đứng đầu nhà trường và các Chủ tịch Ban giám đốc và Hội đồng Hành chính cũng đều là thành viên Hội đồng Giáo dục-Nghiên cứu.
Theo đó, Giám đốc đại học công (President) trở thành giám đốc điều hành và có quyền lực nhất.
Ngoài ra, trong khi Hội đồng Giáo dục-Nghiên cứu toàn gồm đại diện nội bộ và chủ yếu chịu trách nhiệm về hoạt động giáo dục- nghiên cứu quan trọng, thì cả Ban giám đốc lẫn Hội đồng Hành chính phải mở công khai để chuyên gia bên ngoài không thuộc nhà trường tham gia vào, những người được kỳ vọng tham gia quản lý nội bộ và quản trị.
Do đó, doanh nghiệp đại học phải chịu trách nhiệm tốt hơn với nhu cầu của xã hội và thúc đẩy hợp tác với công nghiệp.
Mô hình quản trị truyền thống trong đại học công Nhật Bản đã thay đổi cơ bản.
Quyền tự chủ hay quyền lực giảm đi ở cấp học thuật (cấp khoa), quyền lực bộ máy quan liêu (cấp trường) trong đại học được mở rộng hơn: đặc biệt là sự lãnh đạo từ trên xuống của Giám đốc đại học được nhấn mạnh rất nhiều.
4. Thảo luận:
Về pháp lý, ở Trung Quốc hay Nhật Bản, cũng như nhiều nước thành viên OECD khác, các đại học không còn trực thuộc chính phủ nữa.
Tuy nhiên, loại hình hoặc bản chất doanh nghiệp hóa khu vực công trong bối cảnh Trung Quốc và Nhật Bản không nhất thiết phải đồng nhất, giống hệt các nước OECD khác.
So với hầu hết các nước OECD khác, chính phủ Trung Quốc và Nhật Bản vẫn còn giữ nhiều trách nhiệm hơn đối với các doanh nghiệp đại học công.
Ví dụ: họ vẫn duy trì sự lãnh đạo mạnh, thực hiện kiểm soát hoặc giám sát mạnh đối với từng doanh nghiệp đại học để phê chuẩn hay đóng cửa chúng.
Hơn nữa, khoản ngân sách nhà nước phân bổ vẫn chiếm phần lớn trong tổng doanh thu của doanh nghiệp đại học, mặc dù đã có sự giảm liên tục trong tổng kinh phí phân bổ từ chính phủ Trung Quốc trong thập kỷ qua.
Như đã nêu trên, ở Trung Quốc, mặc dù toàn bộ các đại học công đã được chuyển thành doanh nghiệp đại học, nhưng mô hình quản trị nội bộ vẫn còn duy trì như nó đã có từ năm 1989.
Bí thư Đảng ủy vẫn thực hiện vai trò lãnh đạo mạnh nhất trong doanh nghiệp đại học.
Về bản chất, điều đó cũng tương tự như đối với Nhật Bản: chuyển dịch từ kiểm soát trực tiếp các đại học công bởi Bộ MEXT sang cách đánh giá đa diện không ngụ ý hạn chế quyền lực chính phủ, nhưng nó mở rộng thẩm quyền chính phủ dưới một hình thức khác hẳn (Hata và Huang, 2004).
Mặt khác, doanh nghiệp hóa đại học công cũng khác nhau giữa Trung Quốc và Nhật Bản.
Ở Trung Quốc, doanh nghiệp hóa gần hơn với thị trường hóa và tư nhân hoá, được chính phủ Trung ương điều chỉnh trực tiếp và chặt chẽ.
Vì so với Nhật Bản, trước năm 1990, Trung Quốc chưa có cơ chế thị trường và không có bất kỳ tổ chức tư nhân nào.
Áp lực thay đổi vị thế khu vực công bắt nguồn từ sự cần thiết giảm gánh nặng tài chính ngày càng tăng vào chính phủ đối với số lượng ngày càng lớn các đại học và một phần là do nhu cầu tăng cường tính hiệu quả và hiệu suất của khu vực công.
Kết quả là doanh nghiệp hóa đã ảnh hưởng đến mô hình quản trị của khu vực đại học công, đặc biệt về hai mặt: vai trò chính phủ thay đổi từ kiểm soát trực tiếp sang giám sát vĩ mô; trao nhiều quyền tự chủ hơn cho cơ sở đại học.
Theo đó, doanh nghiệp đại học được khuyến khích kinh doanh nhiều hơn trong các hoạt động, bao gồm tạo ra doanh thu bằng đa dạng hóa nguồn, cạnh tranh các trợ cấp nghiên cứu và điều hành doanh nghiệp đại học.
Về mặt tài chính, doanh nghiệp hóa đại học công ở Trung Quốc là cách tiếp cận gần với tư nhân hoá hay đã trở thành bước tiến tới tư nhân hóa.
Trung Quốc không phân bổ ngân sách nhà nước cho nhà trường dựa trên đánh giá như ở Nhật Bản.
Ở cấp trường, mỗi trường được điều khiển nhiều bởi cơ chế thị trường và tính doanh nghiệp hơn cùng với chuyển giao quyền lực từ cấp đại học (university) xuống cấp trường thành viên (school/college).
Nói tóm lại, quyền lực học thuật và động lực khuyến khích giáo chức tạo ra nguồn thu thông qua đa dạng hóa các nguồn đã được ủy thác và trao cho các đại học Trung Quốc một cách cơ bản, mặc dù không có nhiều thay đổi về lãnh đạo nhà trường.
Trong khi đó, thay đổi lớn đã diễn ra trong quan hệ giữa chính phủ và doanh nghiệp đại học tại Nhật Bản.
Bằng cách đánh giá dựa trên mục tiêu và kế hoạch 6 năm của đại học với sự chấp thuận của Bộ, chính phủ Trung ương vẫn có ảnh hưởng đến quản trị ở doanh nghiệp đại học công.
Hơn nữa, ở cấp trường, như OECD (2003) phác thảo mô hình quản trị mới, thẩm quyền điều hành của lãnh đạo trường được tăng lên rất nhiều, cùng với mất đi quyền ra quyết định tương ứng ở cấp khoa.
Cũng có sự gia tăng song song việc tham gia vào cơ quan quản trị hoặc giám sát bởi các đại diện từ bên ngoài doanh nghiệp đại học công.
5. Kết luận
Doanh nghiệp hóa khu vực đại học công ở Trung Quốc và Nhật Bản có nhiều điểm tương đồng với các khu vực công ở các nước thành viên Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) khác.
Và trong tương lai những điểm tương đồng sẽ được mở rộng.
Tuy nhiên, phải thừa nhận rằng đang còn tồn tại nhiều khác biệt, không chỉ giữa Trung Quốc, Nhật Bản với các nước OECD khác mà còn ngay giữa Trung Quốc với Nhật Bản - là do các truyền thống học thuật, kinh tế xã hội và hệ thống giáo dục đại học đang khác nhau về định nghĩa, bản chất và hình thức hợp nhất.
Doanh nghiệp hóa ở Trung Quốc được xác định là mô hình hướng vào giám sát, do chính phủ Trung ương điều tiết và theo dõi, chủ yếu thông qua thực thi chính sách, cấp kinh phí, thiết lập tổ chức chính trị nhà trường, bổ nhiệm lãnh đạo trường.
Nó đặc trưng bởi sự phân quyền tự chủ học thuật và các quyền quản lý cho cấp trường (university) hoặc cấp đơn vị thành viên (school/college) nhằm giảm gánh nặng tài chính của chính phủ và nâng cao hiệu quả và hiệu suất nhà trường, mặc dù quyền tự chủ vẫn còn hạn chế trong lãnh đạo hoặc quản trị.
Trong khi duy trì sự giám sát chặt chẽ của chính phủ đối với doanh nghiệp đại học, các quyền lực được xác định rõ ràng đã được trao cho cấp trường.
Doanh nghiệp hóa đại học công ở Nhật Bản là mô hình dựa trên hợp đồng.
Giống như nhiều nước OECD khác, như ở Hà Lan, việc hợp nhất doanh nghiệp đại học tại Nhật Bản là phương tiện để tránh tư hữu hóa và là kết quả đàm phán giữa các thành phần chính trị khác nhau.
Việc kiểm soát hoặc giám sát doanh nghiệp đại học bởi chính phủ vẫn còn mạnh, nhưng về cơ bản chính phủ quy định hoặc ảnh hưởng đến hoạt động của nhà trường thông qua cấp kinh phí dựa trên đánh giá.
Việc đánh giá được thực hiện theo mục tiêu và kế hoạch trung hạn 6 năm của doanh nghiệp đại học soạn thảo trình lên Bộ phê duyệt.
Ở cấp trường, đã có nỗ lực củng cố quyền hành pháp của lãnh đạo trường và áp dụng cách quản lý từ trên xuống dựa vào các khái niệm khu vực tư nhân cũng như chú trọng nhiều hơn vào sự tham gia của chuyên gia từ bên ngoài doanh nghiệp đại học.
Bài học rút ra từ thực tế doanh nghiệp hóa đại học công ở Trung Quốc và Nhật Bản trong gần 2 thập kỷ qua rất đáng để nghiên cứu, lựa chọn và áp dụng cho Việt Nam trong giai đoạn hiện nay khi theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 khóa 12 của Đảng, Chính phủ Việt Nam muốn tăng cường trao nhiều tự chủ quản trị nội bộ hơn cho các đại học công, trước hết là tự chủ tài chính bằng cấp ngân sách trọn gói 3 năm từ nay đến 2020.
Vấn đề đặt ra là việc luật hóa cơ chế giám sát, dân chủ hóa nội bộ và đánh giá hiệu quả sử dụng vốn Ngân sách nhà nước theo tiến trình thực hiện hàng năm tại cơ sở giáo dục đại học công như thế nào cho hiệu quả nhất.
Tài liệu tham khảo:
1) Futao Huang: “Incorporation and University Governance: A Comparative Perspective from China and Japan”., Viện nghiên cứu và quản lý giáo dục đại học, Hiroshima University , Japan;
2) Doyon, P. (2001), “A Review of Higher Education Reform in Modern Japan”, Higher Education, Vol. 41, No. 4, pp. 443-470.
3) Hata, T. and F. Huang (2004), “Governance Reforms in Japanese Higher Education System”, presentation made at the 8-Nation Conference on Building up the 21st Higher Education System in Japan and Quality Assurance, Hiroshima, Japan, 2 March.
4) Li, X. (2000), “University Autonomy in China: History, Present Situation and Perspective”, Current Issues in Chinese Higher Education, OECD, Paris, pp. 37-44.
5) MEXT (2003), Legislation of “the National University Corporation Law”, Press Release, 16 July 2003, www.mext.go.jp/english/news/2003/07/03120301.htm, accessed on 7 March 2005.
6) Mi, H. and Zh. Zhou (2004), “Jiangguo yilai woguo gaoxiao neibu lingdao tizhi yanbian shuping” (A Review of Changes in the Internal Governance System in Chinese Higher Education Institutions since the Funding of P.R. of China), Xiandai jiaoyu kexue, 3, pp. 55-57 (with author’s modifications).
7) National University Corporation Law (2003), National University Corporation Law, online information available at www.mext.go.jp/english/news/2003/07/03120301/001.htm, accessed on 6 March 2005.