Chương trình nghị sự của Đại hội đồng Y tế thế giới lần thứ 70 đã thảo luận và thông qua các nội dung y tế toàn cầu gồm năm nhóm vấn đề:
Chuẩn bị, giám sát và ứng phó (bao gồm ứng phó với các sự kiện y tế công cộng khẩn cấp, kháng kháng sinh, thanh toán bệnh bại liệt, thực hiện Điều lệ Y tế quốc tế, rà soát Khung kế hoạch chuẩn bị và ứng phó với đại dịch cúm);
Tăng cường hệ thống y tế (giải quyết các vấn đề về nhân lực y tế, hiến máu và mô tạng, vấn đề thiếu và tiếp cận với thuốc và vắc-xin trên toàn cầu, sở hữu trí tuệ, thuốc giả và thuốc không đạt chất lượng, sức khỏe người di cư);
Phòng chống bệnh truyền nhiễm (thông qua kế hoạch toàn cầu về vắc-xin, ứng phó với các bệnh do véc-tơ truyền);
Phòng chống các bệnh không lây nhiễm (suy giảm trí nhớ, béo phì, phòng chống ung thư, phòng ngừa bệnh điếc và suy giảm thính giác...);
Tăng cường sức khỏe trong suốt các giai đoạn của cuộc đời; các vấn đề nhân sự/tài chính/hành chính và cải tổ WHO.
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến (áo đỏ) dẫn đầu đoàn đại biểu của Việt Nam tham dự kỳ họp lần thứ 70 Đại hội đồng Y tế thế giới. ảnh: Báo Nhân dân. |
Với vai trò thành viên chính thức của Hội đồng Chấp hành (từ tháng 5-2016), tại cuộc họp, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến và đoàn đại biểu Việt Nam đã tích cực đóng góp vào các nội dung của cuộc họp về các vấn đề y tế toàn cầu và khu vực.
Chủ đề bài phát biểu của Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến tại phiên toàn thể là "Xây dựng hệ thống y tế tốt hơn trong thời đại phát triển bền vững".
Theo đó, các quốc gia thành viên hiện đang ở điểm khởi đầu trên con đường hướng tới mục tiêu phát triển bền vững và đây là thời điểm phù hợp để các nước đưa ra lộ trình tăng cường hệ thống y tế, nhằm đạt được bao phủ y tế toàn dân.
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, trong những năm gần đây, Việt Nam đã đầu tư đáng kể mở rộng cơ sở hạ tầng y tế và tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế, thúc đẩy tiếp cận bình đẳng hơn với các dịch vụ y tế công cộng.
Đặc biệt, Việt Nam sẽ tăng cường hệ thống y tế cơ sở, đẩy mạnh vai trò các trạm y tế xã, hoạt động theo nguyên lý y học gia đình, xây dựng gói dịch vụ y tế cơ bản ở tuyến xã, bảo đảm tiếp cận thuốc thiết yếu cho người dân.
Theo đánh giá của các tổ chức quốc tế, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn cho việc thực hiện Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ 2015 (MDGs).
Chính phủ Việt Nam vừa ban hành Kế hoạch hành động quốc gia để thực hiện Chương trình nghị sự 2030 về Phát triển bền vững, trong đó nhiệm vụ của từng bộ và các cơ quan được giao cụ thể.
Bộ trưởng Y tế mong muốn tiếp tục nhận được sự trợ giúp về tài chính và kỹ thuật từ WHO và các đối tác phát triển khác trong những năm tới để xây dựng hệ thống y tế có chất lượng, hiệu quả, công bằng, trách nhiệm, giúp Việt Nam bảo đảm thành công trong sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe người dân.