Chiều ngày 30/5, Công an tỉnh Quảng Nam cho biết, sau một thời gian điều tra, bước đầu đã xác định được đối tượng làm giả quyết định số 1193 (ngày 6/4/2015) do ông Huỳnh Khánh Toàn – Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam ký.
Xác định đối tượng làm giả quyết định
Theo đó, đối tượng này là người thân của lãnh đạo Công ty cổ phần đầu tư và xây dựng Tây Trường Sơn Quảng Nam (viết tắt là công ty Tây Trường Sơn).
Cơ quan công an bước đầu xác định đối tượng làm giả quyết định lãnh đạo tỉnh Quảng Nam nhằm hợp thức hóa nguồn gốc cát cung cấp cho dự án lấn biển lớn nhất miền Trung. Ảnh: TT |
“Đối tượng này chỉnh sửa quyết định của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam nhằm hợp thức hóa nguồn cát. Hiện chúng tôi mới báo cáo kết quả xác minh bước đầu, chứ chưa có quyết định xử lý.
Việc xử lý như thế nào thì phải thu thập đầy đủ các tài liệu để làm rõ mức độ, hậu quả ra sao, đối tượng có phạm tội hình sự hay không, nghĩa là xem xét các yếu tố tội phạm, lúc đó mới quyết định” đại diện lãnh đạo Quảng Nam cho hay.
Liên quan đến sự việc này, ông Nguyễn Hồng Quang - Chánh văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam cho biết thêm, sẽ đưa ra thông tin chính thức tại buổi họp báo chiều mai (ngày 31/5).
Có dấu hiệu làm giả hồ sơ nguồn gốc cát ở dự án lấp biển lớn nhất miền Trung(GDVN) - Cơ quan công an đang điều tra việc giả hồ sơ, chữ ký của Phó chủ tịch tỉnh Quảng Nam để “phù phép” nguồn gốc cát dùng lấp vịnh Đà Nẵng. |
Trước đó, như Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã thông tin, dự án Khu đô thị mới quốc tế Đa Phước tại phường Thuận Phước và Thanh Bình (quận Hải Châu, Đà Nẵng) do công ty TNHH The Sunrise Bay làm chủ đầu tư bị nghi ngờ sử dụng cát hút trộm ở Cửa Đại (Hội An, Quảng Nam) để thi công.
Ngày 31/3, Thanh tra Sở Xây dựng Đà Nẵng đã ra quyết định đình chỉ thi công, yêu cầu chủ đầu tư chứng minh nguồn gốc vật liệu dùng để san lấp mặt bằng và thi công bờ kè.
Sau đó, phía chủ đầu tư đã giải trình với cơ quan chức năng về nguồn gốc vật liệu là do Công ty cổ phần xây dựng và lắp máy Trung Nam (gọi tắt là Công ty Trung Nam) làm nhà thầu cung ứng cát để thi công hạ tầng.
Trong đó, nhà thầu thi công lấy nguồn từ các mỏ thuộc quận Cẩm Lệ, Liên Chiểu, huyện Hòa Vang, (Đà Nẵng) và huyện Đại Lộc, Tây Giang (tỉnh Quảng Nam). Căn cứ trên cơ sở này, Sở Xây dựng đã cho phép công trình thi công trở lại.
Tuy nhiên, hồ sơ chứng minh nguồn gốc cát từ huyện Tây Giang đã bị làm giả, hợp thức hóa để qua mặt cơ quan chức năng.
Cụ thể, quyết định số 1193 ngày 6/4/2015 của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam về việc gia hạn giấy phép khai thác cát ở khu vực xã A Tiêng (Tây Giang).
Quyết định này do ông Huỳnh Khánh Toàn - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam ký, cho phép Công ty cổ phần đầu tư và xây dựng Tây Trường Sơn Quảng Nam (nhà thầu phụ của Công ty Trung Nam) khai thác mỏ cát 3 triệu khối ở xã A Tiêng đến tháng 5/2019.
Tuy nhiên, thực tế quyết định 1193 của UBND tỉnh Quảng Nam ban hành ngày 6/4/2015 lại là một quyết định về việc gia hạn giấy phép khai thác đá làm vật liệu xây dựng thông thường và thuê đất tại khu vực mỏ đá Khe Rọm (thuộc thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Nam Giang).
Như vậy, hai quyết định đều mang số 1193 ban hành cùng một thời điểm (ngày 6/4/2015), do cùng một người ký nhưng nội dung lại khác nhau. Nhiều điểm trong quyết định này đã bị chỉnh sửa một cách tinh vi.
Chính phủ yêu cầu Bộ Công an vào cuộc điều tra
Liên quan đến nguồn gốc cát sử dụng để thi công dự án khu đô thị lấn biển Đa Phước, Văn phòng Chính phủ cũng vừa có công văn gửi Bộ Công an.
Đà Nẵng đình chỉ thi công dự án lấn biển lớn nhất miền Trung(GDVN) - Cơ quan chức năng cũng yêu cầu chủ đầu tư giải trình về nguồn gốc vật liệu (chủ yếu là cát) được sử dụng để san lấp mặt bằng và xây dựng bờ kè. |
Theo đó, công văn số 5369/VPVP-NC do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng ký truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình yêu cầu Bộ Công an khẩn trương điều tra,
xác minh làm rõ việc báo chí phản ánh đồng chí Bí thư huyện ủy Tây Giang (Quảng Nam) phản đối việc chủ đầu tư dự án xây dựng khu đô thị quốc tế Đa Phước thông báo sử dụng nguồn cát hợp pháp, khai thác từ huyện miền núi Tây Giang để san lấp dự án lấn biển này.
Báo cáo kết quả lên Thủ tướng Chính phủ trước ngày 15/6/2017. Trao đổi với Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Bhling Mia – Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Tây Giang nhiều lần khẳng định, không hề cấp phép cho bất kỳ một dự án khai thác cát nào trên địa bàn.
Và huyện này cũng chưa bao giờ “xuất” một khối cát nào về miền xuôi mà chỉ vận chuyển ngược lại từ dưới xuôi lên để phục vụ xây dựng.
Trong vụ việc này, cả chủ đầu tư là công ty TNHH The Sunrise Bay và nhà thầu chính là công ty Trung Nam đều “phủi tay”, đều cho rằng mình là nạn nhân, không liên quan đến việc làm giả hồ sơ, nguồn gốc cát.