Biên chế mang đến ổn định nhưng cũng là nguyên nhân của sự trì trệ đáng sợ

01/06/2017 07:05
Thùy Linh
(GDVN) - Biên chế nhà nước có mặt tích cực, tạo ra sự ổn định của đội ngũ, sự yên tâm của người lao động. Nhưng mặt trái của sự ổn định thái quá là sự trì trệ đáng sợ.

LTS: Vừa qua, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo – Phùng Xuân Nhạ có đưa ra chủ trương sắp tới sẽ thí điểm bỏ công chức, viên chức giáo viên mà thực hiện cơ chế hợp đồng lao động. 

Tuy nhiên, theo thông tin mà Giáo sư Trần Hồng Quân - nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo tiết lộ với Báo điện tử Giáo dục Việt Nam thì cách đây 30 năm khi hưởng ứng tinh thần đổi mới theo Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ VI, lúc đó Bộ Đại học, Trung học chuyên nghiệp và Dạy nghề (tiền thân của Bộ Giáo dục và Đào tạo) đã đặt ra vấn đề thực hiện theo cơ chế hợp đồng. 

Để làm rõ hơn chủ trương xóa bỏ biên chế giáo viên, hôm nay, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam có cuộc trao đổi với Giáo sư Trần Hồng Quân hiện đang là Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam về vấn đề này. 

Tòa soạn trân trọng giới thiệu cùng độc giả. 


Phóng viên: Là người dành cả cuộc đời cho sự nghiệp giáo dục, đặc biệt từng là dẫn lái con tàu giáo dục vượt qua những khó khăn trong thời kỳ đổi mới, xin ông cho biết, chủ trương này của có phải là một ý tưởng mới mẻ không?
 

Giáo sư Trần Hồng Quân
: Đúng là cách đây gần 30 năm, đã phát hiện sự hạn chế của chế độ biên chế nhà nước và có ý tưởng xóa bỏ biên chế cứng về lao động trong từng cơ sở của ngành giáo dục nhưng với tình hình lúc bấy giờ, chúng tôi hoàn toàn không có điều kiện để thực hiện. 

Đó chỉ với là một ý tưởng sơ khai, chưa hình thành giải pháp để giải quyết một vấn đề lớn lao này. 

Giáo sư Trần Hồng Quân khẳng định, biên chế nhà nước như một cái rọ an toàn cho những ai không chịu phấn đấu để lao động có hiệu quả mà không bị sa thải (Ảnh: Thùy Linh)
Giáo sư Trần Hồng Quân khẳng định, biên chế nhà nước như một cái rọ an toàn cho những ai không chịu phấn đấu để lao động có hiệu quả mà không bị sa thải (Ảnh: Thùy Linh)

Do vậy, vào thời điểm hiện nay, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nêu ra chủ trương này, tôi cho rằng đó là một ý tưởng rất tích cực, thậm chí là rất mạnh dạn. Mặt khác có thể coi đây là sự lựa chọn tất yếu, vấn đề còn lại là cách làm và lộ trình thực hiện. 

Theo như ông nói, đây là một chủ trương mang tính tích cực, vì sao vậy? Việc sử dụng lao động trong ngành giáo dục theo cơ chế tất cả đều thuộc biên chế nhà nước có những hạn chế gì thưa ông? 

Giáo sư Trần Hồng Quân
: Chế độ biên chế nhà nước cũng có mặt tích cực, tạo ra sự ổn định của đội ngũ, sự yên tâm của người lao động. Nhưng mặt trái của sự ổn định, yên tâm thái quá là sự trì trệ đáng sợ. 

Biên chế nhà nước như một cái rọ an toàn cho những ai không chịu phấn đấu để lao động có hiệu quả mà không bị sa thải. Mặt khác, nó cũng là cái lồng hẹp mà những người năng động, sáng tạo giỏi giang chỉ có thể múa gậy trong đó...

Cơ chế biên chế nhà nước về cơ bản thiếu sự sàng lọc để chọn lựa tối ưu, thiếu sự cạnh tranh nên hạn chế động lực lao động. 

Chế độ hợp đồng lao động nhằm khắc phục các hạn chế đó, tuy cũng có nhược điểm khác. 

Với kinh nghiệm quản lý ngành giáo dục nhiều năm, theo ông, nếu bỏ biên chế giáo viên ở thời điểm này thì chúng ta sẽ phải đối mặt những vấn đề gì?
 

Giáo sư Trần Hồng Quân: Khi triển khai chúng ta sẽ phải đối mặt với rất nhiều vấn đề. 

Thứ nhất, có thể nói đây là một chủ trương chấn động toàn hệ thống giáo dục, ở đó có hàng triệu người chịu thương chịu khó, suốt đời hưởng đồng lương còm cõi theo chế độ biên chế mà lặng lẽ dạy học ở bất cứ nơi khó khăn nào, có người đã hy sinh tuổi thanh xuân, nay đã có tuổi, sức đã yếu, giờ phải bước ra khỏi biên chế nhà nước, ký hợp đồng lao động lại với chính ngôi trường là mình đã nhiều năm gắn bó. .. Có cái gì đó cảm thấy bị tổn thương. 

Biên chế mang đến ổn định nhưng cũng là nguyên nhân của sự trì trệ đáng sợ ảnh 2

Bỏ biên chế giáo viên, hợp đồng luôn với cả Hiệu trưởng

Cho nên, rất khó ra một quyết định tác động đến nhiều người như vậy. Sự cảm xúc có thể lay động tư duy lý trí. 

Nhưng chủ trương đúng về tổng thể thì chúng ta nên kiên trì vì đại cuộc nhưng cần hiểu hết các khía cạnh nghĩa tình chung thuỷ mà có chính sách cho thoả đáng với những người có công.
 
Thứ hai, khi triển khai chủ trương này, có thể xảy ra sự thiếu ổn định của đội ngũ các trường. Sự di chuyển mạnh nhất có lẽ sẽ là nhóm những người giỏi, số bị sàng lọc nhiều nhất là nhóm không còn thích hợp công việc của trường.

Thành phần nhân sự của trường thường thay đổi, trong đó quan trọng nhất là đội ngũ giảng dạy. Sợ nhất là sự dịch chuyển tự phát làm thưa đội ngũ ở những vùng khó khăn. Thành phần nhân sự của tổ chức Đảng và các đoàn thể cũng thay đổi.

Tuy vậy sự tự điều chỉnh tối ưu đối với mỗi trường cũng tạo sự ổn định tương đối nào đó. Từ thực tế các trường ngoài công lập cho ta thấy điều này. 

Thứ ba, người lao động không còn sự yên tâm ngưng đọng mà chịu áp lực thường xuyên. Người yếu thì áp lực để giữ chỗ làm việc, người giỏi thì bị áp lực trước nhiều sự lựa chọn. 

Biên chế mang đến ổn định nhưng cũng là nguyên nhân của sự trì trệ đáng sợ ảnh 3

Thầy giáo hiến kế bỏ công chức, viên chức giáo viên

Thứ tư, nhiều vấn đề về tổ chức quản lý được đặt ra: ai giữ quyền tuyển dụng và thải hồi, nói rộng hơn, ai thực sự là chủ nhà trường trong thực tế thể hiện trong quyền điều hành? 

Khi toàn bộ thầy cô giáo và cán bộ nhân viên của một trường công lập đều "ngoài biên chế " mà chủ sở hữu nhà trường là nhà nước lại không có mặt trong trường thì quy chế tổ chức quản lý sao cho thích hợp, bảo đảm nhà trường thật sự tự chủ, tránh sự chuyên quyền và người lao động được bảo đảm quyền lợi và lao động tích cực?...

Tất cả những điều này đều là vấn đề mô hình, phải tổ chức nghiên cứu. 

Thứ năm, có nhiều vấn đề vướng luật lao động, luật công chức , luật giáo dục ... và không ít các văn bản pháp quy phải đề nghị sửa đổi. 

Cuối cùng, cần có lộ trình hợp lý và có sự đồng bộ để thực hiện chứ không thể quyết liệt vội vã được vì đây là một chủ trương ảnh hưởng sâu sắc đối với toàn hệ thống. 

Xin trân trọng cảm ơn Giáo sư Trần Hồng Quân. 

Thùy Linh