Gây họa cho dân, ai đang bao che cho dự án sân golf của FLC tại Hạ Long?

31/05/2017 06:39
Mai Anh
(GDVN) - Theo Phó Giáo sư – Tiến sĩ Bùi Thị An, cần dừng thi công dự án sân golf của Tập đoàn FLC để làm rõ vì sao bùn, đất, cát, đá của dự án này tràn vào nhà dân.

Thay vì yêu cầu Tập đoàn FLC - Chủ đầu tư Dự án FLC Hạ Long Bay Golf Club & Luxury Resort (FLC Hạ Long) dừng thi công để làm rõ nguyên nhân vì sao một khối lượng lớn bùn, đất, cát, đá... từ dự án này tràn vào nhà dân thì mới đây Thành phố Hạ Long (Quảng Ninh) lại yêu cầu 15 hộ dân phường Hà Lầm phải di dời khẩn cấp.

Dẫu biết rằng trước mắt để bảo vệ tính mạng, tài sản, người dân có thể phải di dời, nhưng tại sao một dự án đầu tư gây tác động đến môi trường lại không bị xử lý?

Liệu có sự bao che hay lo lắng sẽ làm mất lòng nhà đầu tư nên chính quyền sở tại cố tình lờ đi?

Cát, bùn từ dự án FLC xả xuống nhà dân khiến nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng, tài sản của người dân Quảng Ninh là không thể tránh khỏi (ảnh L.M).
Cát, bùn từ dự án FLC xả xuống nhà dân khiến nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng, tài sản của người dân Quảng Ninh là không thể tránh khỏi (ảnh L.M).

Phải ngay lập tức dừng thi công dự án

Như Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã thông tin, ngày 25/05/2017 vừa qua, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hạ Long ra Thông báo số 327/TB-UBND về việc di dời khẩn cấp 15 hộ dân phường Hà Lầm, Thành phố Hạ Long.

Nội dung thông báo nêu: “Yêu cầu 15 hộ dân phường Hà Lầm (có danh sách kèm theo) di dời khẩn cấp người và tài sản ra khỏi thửa đất các hộ dân đang quản lý, sử dụng để ở, do nằm trong vị trí nguy hiểm, có nguy cơ sạt lở cao đe dọa đến tính mạng và tài sản các hộ dân trong khu vực… thời gian thực hiện xong trước ngày 27/05/2017”.

Thông báo này còn nêu rõ trường hợp 15 hộ dân không tự nguyện di dời, giao cho Ủy ban Nhân dân phường Hà Lầm lập phương án di dời, trình Ủy ban Nhân dân thành phố quyết định cưỡng chế di dời theo quy định. Thời gian trong ngày 30/05/2017.

Thông báo số 327/TB-UBND do ông Phạm Hồng Hà, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hạ Long ký về việc di dời khẩn cấp 15 hộ dân phường Hà Lầm, Thành phố Hạ Long (ảnh L.A)
Thông báo số 327/TB-UBND do ông Phạm Hồng Hà, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hạ Long ký về việc di dời khẩn cấp 15 hộ dân phường Hà Lầm, Thành phố Hạ Long (ảnh L.A)

Phản hồi thông báo trên của Ủy ban nhân dân Thành phố Hạ Long, một số người dân sống tại đây cho rằng, từ khi có dự án sân golf của Tập đoàn FLC mỗi khi mưa là bùn, đất cát lại trôi xuống xối xả len lỏi vào vườn tược, nhà cửa, đường xá khiến cuộc sống của người dân bị đảo lộn.

“Điều này, trách nhiệm phải thuộc về chủ đầu tư, vì đã gây ra thảm họa cho các hộ dân chúng tôi”, một người dân cho biết.

Từ phản ánh của người dân có thể thấy nguyên nhân dẫn đến hiện tượng cát, đá, đất tràn vào nhà dân gây ảnh hưởng đến tài sản, tính mạng người là do dự án sân golf của Tập đoàn FLC.

Tuy nhiên, tại sao Thành phố Hạ Long lại yêu cầu người dân phải di dời mà không phải yêu cầu chủ đầu tư dự án dừng thi công khắc phục hậu quả môi trường gây ra?

Chính những vô lý này dẫn đến một số người dân từ chối ký biên bản kiểm đếm tài sản để di dời.

Trước nguy cơ người dân bị ảnh hưởng về tài sản, tính mạng do cát, đá, bùn đất từ dự án sân golf của FLC và cách xử lý của Thành phố Hạ Long, trưa ngày 30/5/2017, trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư – Tiến sĩ Bùi Thị An – Đại biểu Quốc hội Khóa XIII cho biết: “Theo tôi trước hết cần dừng thi công dự án sân golf, xem lại vì sao bùn đất, cát, đá lại tràn vào nhà người dân.

Để dự án phát triển bền vững, an toàn với người dân và môi trường thì dừng thi công là cần thiết”.

Theo Phó Giáo sư – Tiến sĩ Bùi Thị An – Đại biểu Quốc hội Khóa XIII cần dừng thi công dự án sân golf của Tập đoàn FLC tại Thành phố Hạ Long để làm rõ nguyên nhân vì sao khi mưa xuống bùn, cát, đất, đá lại tràn vào nhà dân - ảnh: Ngọc Quang.
Theo Phó Giáo sư – Tiến sĩ Bùi Thị An – Đại biểu Quốc hội Khóa XIII cần dừng thi công dự án sân golf của Tập đoàn FLC tại Thành phố Hạ Long để làm rõ nguyên nhân vì sao khi mưa xuống bùn, cát, đất, đá lại  tràn vào nhà dân - ảnh: Ngọc Quang.

Cũng liên quan đến dự án này ngày 21/4 vừa qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Quyết định số 862/QĐ-BTNMT về việc phê duyệt  báo cáo đánh giá tác động môi trường tại khu vực đồi cột 3 đến cột 8 của dự án này.

Như vậy có nghĩa là từ khi có quyết định phê duyệt đến thời điểm xảy ra sự cố bùn đất từ dự án sân golf của Tập đoàn FLC tràn vào nhà dân (sau cơn mưa ngày 19/5) là chưa đầy một tháng.

Thực tế trên đặt ra câu hỏi: Vì sao một dự án vừa được phê duyệt đánh giá tác động môi trường lại ngay lập tức vi phạm về môi trường?

Bình luận vấn đề này, Phó Giáo sư Bùi Thị An cho biết, ở đây có hai trường hợp xảy ra: Thứ nhất do báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án này không chuẩn; Thứ hai do thi công không chuẩn.

“Muốn làm rõ nguyên nhân phải dừng thi công dự án, điều tra làm rõ vì sao có hiện tượng bùn đất, đá, cát tràn vào nhà dân khi mưa xuống. Làm rõ nguyên nhân thì sẽ xử lý được trách nhiệm các bên liên quan”, bà An nhấn mạnh.

“Trường hợp này đề nghị lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh cần cho dừng thi công làm rõ nguyên nhân, khắc phục tình trạng trên và thông tin minh bạch trên các phương tiện thông tin đại chúng. 

Mặt khác người dân di dời nhưng phải có cơ chế đền bù, hỗ trợ người dân, đơn phương yêu cầu người dân di dời mà không có hỗ trợ là không hợp lý”, bà An nêu quan điểm.

Cố ý vi phạm để mở rộng dự án?

Đồng quan điểm trên, trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam sáng ngày 30/5, ông Nguyễn Văn Đực – Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, dự án sân golf của Tập đoàn FLC vừa được phê duyệt đánh giá tác động môi trường nhưng liền sau đó xảy ra sự cố cho thấy lỗ hổng pháp lý trong phê duyệt đánh giá tác động môi trường của các dự án đầu tư hiện nay.

Gây họa cho dân, ai đang bao che cho dự án sân golf của FLC tại Hạ Long? ảnh 4

 Bùn, đất từ dự án FLC vùi nhà dân, Bộ Tài nguyên chưa nhận thông tin từ tỉnh

Theo ông Đực, đánh giá tác động môi trường là công cụ pháp lý và kỹ thuật quan trọng để xem xét, dự báo tác động môi trường của các dự án.

Đây là một yêu cầu không thể thiếu nhằm cung cấp luận cứ khoa học cho chính quyền, cơ quan quản lý chuyên ngành và doanh nghiệp cân nhắc trong quá trình quyết định đầu tư và phê duyệt dự án. 

Tuy nhiên, việc thực hiện báo cáo đánh giá tác động môi trường ở Việt Nam vẫn còn nhiều yếu kém và còn nặng tính hình thức, còn kẽ hở để doanh nghiệp lợi dụng.

Ông Đực phân tích, đánh giá tác động môi trường về bản chất là cung cấp thông tin đầu vào, tư vấn cho chủ đầu tư quyết định việc lựa chọn phương án đầu tư dự án. 

“Trước khi thực hiện dự án chủ đầu tư thường thuê một doanh nghiệp, một viện nghiên cứu nào đó thực hiện đánh giá tác động môi trường.

Những đơn vị này làm dịch vụ được thuê để thực hiện đánh giá về tác động môi trường. Vì thế, họ tìm mọi cách chứng minh rằng dự án này không gây ảnh hưởng đến môi trường, luôn đánh giá môi trường nhằm bảo vệ chủ đầu tư. Đây là lỗ hổng rất lớn khi đánh giá tác động môi trường bằng một công ty tư vấn.

Quan trọng hơn khi báo cáo này được trình lên cơ quan quản lý nhà nước là Sở Tài nguyên môi trường, Bộ Tài nguyên và môi trường. Có thể vì năng lực của các đơn vị thuộc bộ, sở không đủ hoặc do công ty đánh giá môi trường là “sân sau” của vị lãnh đạo nên nhiều báo cáo tác động môi trường dù được phê duyệt nhưng vẫn có sự cố”, ông Đực cho biết.

Ông Nguyễn Văn Đực, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh - ảnh Nguyên Vũ/ Báo Người tiêu dùng
Ông Nguyễn Văn Đực, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh  - ảnh Nguyên Vũ/ Báo Người tiêu dùng

Dẫn chứng cụ thể, ông Đực cho biết, ngay tại dự án cải tạo cảnh quan và phát triển đô thị ven sông Đồng Nai dù được phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường nhưng vẫn ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của nhiều người dân. Hay như bài học “xương máu” diễn ra tại Fomosa, sự cố không chỉ ảnh hưởng đến Hà Tĩnh mà còn ở khắp các tỉnh miền Trung. Do đó đánh giá môi trường phải rất chặt chẽ.

Từ bất cập nêu trên, ông Đực không ngạc nhiên khi dự án sân golf của Tập đoàn FLC dù được phê duyệt đánh giá tác động môi trường nhưng vẫn gây ra sự cố.

“Câu chuyện dự án sân golf  của FLC tại Hạ Long chỉ là một trong nhiều dự án sai từ gốc, mà nếu không thay đổi cách đánh giá tác động môi trường thì không có FLC này sẽ có Fomosa khác và có nhiều công ty khác cũng như vậy”, ông Đực nói.

Nêu quan điểm trước thông báo yêu cầu 15 hộ dân tại phường Hà Lầm phải di dời ông Đực cho rằng cách hành xử này là bất cập, không hợp lý.

“Nhà tôi đang ở anh đầu tư xây dựng dự án gây ảnh hưởng lại bắt tôi dời đi vậy có bồi thường không? Đây là nơi tôi ở, tôi sinh sống, giờ tôi đi nơi khác sống bằng gì?

Di dời dân là vấn đề phức tạp, phải hết sức thận trọng và tế nhị tránh mang tiếng ép dân đi, dẫn đến bức xúc”, ông Đực cho biết.

Đồng thời ông Đực cũng đặt nghi vấn: “Phải chăng chủ đầu tư lợi dụng tình thế đó để cố tình làm sai, đẩy cát qua nhà dân từ đó chính quyền lấy cớ vì an toàn cho người dân để bắt dân di dời nhằm mở rộng dự án thì sao?”.

Ông Đực cũng đặt ra câu hỏi, tại sao phải di dời dân mà không bắt FLC khắc phục hậu quả cho người dân?

“Nhà tôi đang yên ổn, nhưng một dự án nào đó thi công bên cạnh nhà tôi gây nứt nhà, sụt lún thì phải có trách nhiệm bồi thường cho tôi, chứ không thể bắt tôi chuyển đi.

Tương tự một nhà máy sản xuất gần nhà tôi xả nước thải qua nhà tôi gây ô nhiễm phải bắt doanh nghiệp ngừng sản xuất, đền bù thiệt hại sau đó mới tính chuyện thương lượng với tôi về chuyện có dời đi hay không”, ông Đực nêu quan điểm.

Với dự án sân golf của Tập đoàn FLC tại Quảng Ninh, ông Đực đặt câu hỏi: “Tại sao bắt người bị hại phải dời đi trong khi người làm sai tiếp tục nhởn nhơ, tiếp tục thi công? Điều đó là hết sức vô lý”.

Theo ông Đực, Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh cần ngay lập tức yêu cầu dừng thi công dự án để làm rõ nguyên nhân và xử lý dứt điểm, xử lý vấn đề từ gốc.

Mai Anh