LTS: Cô giáo Thuận Phương phản ánh thực tế tại về các hội thi giáo viên giỏi cấp trường hiện nay chỉ mang tính hình thức bởi ai đi thi cũng đỗ..
Theo đó, tác giả đưa ra đề xuất nên bỏ hội thi giáo viên giỏi cấp trường để tránh vất vả cho cả giáo viên và tốt hơn cho học sinh.
Tòa soạn trân trọng gửi đến cùng độc giả
Chưa có hội thi nào giống như hội thi giáo viên dạy giỏi cấp trường. Bởi chưa thi mà ai cũng biết rằng mình sẽ đỗ. Vậy có nên duy trì hội thi kiểu này hàng năm không?
Ai thi cũng đỗ
Dù trường học chưa tới hai chục giáo viên đến những trường có tới dăm bảy chục người thì tất cả giáo viên của trường đều đăng kí thi giáo viên dạy giỏi cấp trường.
Chẳng phải các thầy cô đều hào hứng đồng tình nhưng ai muốn “trốn” cũng chẳng thể “thoát”.
Theo quy định, mỗi năm giáo viên sẽ phải kiểm tra tay nghề 3 tiết dạy để đánh giá lưu hồ sơ.
Nếu như tham gia hội thi giáo viên dạy giỏi cấp trường sẽ không bị kiểm tra tay nghề bằng những tiết dạy như thế.
Vì vậy, chẳng ai dại gì không đăng kí tham gia (nó vừa có danh giáo viên dạy giỏi vừa không bị Ban giám hiệu phiền lòng).
Nên bỏ cuộc thi giáo viên gỏi cấp trường. (Ảnh minh họa trên Báo Tuổi trẻ) |
Hội thi cấp trường cũng trải qua 3 vòng như những hội thi khác. Vòng 1, giáo viên phải nộp giải pháp hoặc sáng kiến kinh nghiệm.
Vòng 2, là vòng thi năng lực gồm các quy định về nghề nghiệp, điều lệ trường học, các thông tư đang áp dụng, các phương pháp, hình thức, các kĩ thuật dạy học tích cực... khả năng soạn thảo văn bản, power point...
Và vòng 3 là dạy 2 tiết một tiết tự chọn lớp mình và một tiết bốc thăm khối lớp khác.
Để tổ chức hội thi, nhà trường cũng thành lập hội đồng giám khảo là Ban giám hiệu, các tổ trưởng chuyên môn và các giáo viên dạy giỏi cấp thị, cấp tỉnh đang bảo lưu.
Vòng 1 chấm giải pháp và sáng kiến kinh nghiệm.
Theo chia sẻ của một giáo viên “Sáng kiến giải pháp lấy đâu ra mà năm nào cũng viết? Nhanh nhất là lên mạng copy rồi sửa tên, ngày tháng, in ra và mang nộp".
Ban giám khảo đọc, góp ý rồi cuối ai cũng qua vòng.
Phong trào thi giáo viên dạy giỏi có thực sự cần cho hoạt động của nhà giáo? (GDVN) - Hãy để hội thi Giáo viên dạy giỏi phát triển tự nhiên, giáo viên nào có đủ điều kiện và tự nguyện, tự giác tham gia, tuyệt đối không ép buộc. |
Vào vòng thi năng lực, thường là những câu hỏi về phương pháp dạy học, soạn một vài hoạt động trên power point, trả lời vài chục câu hỏi trắc nghiệm về chuyên môn, các quy định của ngành mà bất cứ ai cũng thuộc nằm lòng…
Bởi thế, thầy cô nào cũng vượt qua phần thi một cách nhẹ nhàng. Vòng cuối cùng là dự thi 2 tiết dạy.
Giáo viên được chọn môn và gần như biết trước bài mình sẽ dạy trước cả tuần nên có thời gian chuẩn bị, tập dượt thật kĩ càng.
Vào ngày thi gần như là biểu diễn lại. Hai tiết dạy chỉ cần một tiết đạt loại khá, tiết loại tốt coi như thành công.
Lý giải việc hội thi giáo viên dạy giỏi cấp trường tỉ lệ đỗ gần như tuyệt đối, một số Hiệu trưởng cùng chia sẻ quan điểm:
"Thấy giáo viên vất vả chuẩn bị cho từng vòng thi mà đánh trượt cũng thấy áy náy nên kết quả cũng mang tính khuyến khích".
Mất nhiều hơn được
Giáo viên dạy mỗi tiết dự thi được bồi dưỡng 30.000 đồng. Ban giám khảo dự một tiết cũng nhận 30.000 đồng.
Mỗi tiết dạy thi giáo viên dạy giỏi nhà trường phải bỏ ra tiền cho 3 giám khảo cùng một giáo viên dạy khoảng 120.000 đồng/tiết. Nếu nhân số tiền ấy với khoảng vài chục giáo viên trong trường số tiền bỏ ra không phải là ít.
Có những trường, Ban giám hiệu sau một hội thi đã thu nhập vài triệu đồng một người.
“Nên thay kỳ thi giáo viên dạy giỏi bằng một hình thức khác” |
Điều này cũng lý giải vì sao giáo viên không đăng kí tham gia hội thi sẽ được nhà trường mời lên nhắc nhở, động viên và gần như ép buộc phải tham gia.
Việc tổ chức hội thi giáo viên dạy giỏi cấp trường hiện nay vẫn mang nặng tính hình thức vừa tiêu tốn ngân sách một khoản tiền không nhỏ, vừa lấy đi không ít thời gian của thầy cô và cũng ảnh hưởng không ít tới việc học hành của học sinh.
Do mải lo cho phần thi của mình, nhiều thầy cô lơ là việc dạy dỗ. Chưa kể việc bốc thăm lớp dạy khác khối, giáo viên phải bỏ công ra làm quen lớp, tập dượt cho các em theo ý của mình cũng lấy đi nhiều thời gian học hành của những lớp học đó.
Có không ít giáo viên muốn cho tiết dạy của mình trơn tru, hoàn hảo lại dạy trước đến vài lần hay “mớm cung” cho nhiều em cách nói, cách trả lời hay cách làm theo đúng ý thầy cô.
Điều này cũng góp phần dạy các em tính không trung thực.
Năm nào cũng tổ chức thi giáo viên dạy giỏi cấp trường và trường nào cũng gần như đỗ với tỉ lệ tuyệt đối 100%.
Liệu có nên duy trì những hội thi như thế này nữa không? Trước quyết định của Bộ Giáo dục về việc giảm những hội thi hy vọng rằng hội thi giáo viên dạy giỏi cấp trường thế này cũng được dẹp bỏ.