LTS: Trên thực tế, trường công lập phổ thông nào cũng có Hội đồng trường. Nhưng, họat động của các Hội đồng như thế nào, thực hay chỉ là hình thức?
Thầy Trần Sơn đã đưa ra những trăn trở cũng như mong muốn của mình về vấn đề này.
Tòa soạn xin trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Hội đồng trường là một trong những tổ chức quan trọng trong nhà trường.
Hội đồng trường của các trường phổ thông được ra đời từ năm học 2007 - 2008.
Theo các Quyết định số 07/2007/QĐ-BGDĐT ngày 02 tháng 4 năm 2007 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc ban hành Điều lệ trường trung học cơ sở, trường trung học và trường phổ thông có nhiều cấp học.
Quyết định số 51/2007/QĐ-BGDĐT ngày 31 tháng 8 năm 2007 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc ban hành Điều lệ trường tiểu học.
Mặc dù Điều lệ trường tiểu học, Điều lệ trường trung học đã được thay đổi (Thông tư 41/2010/TT-BGDĐT ngày 30/12/2010 đối với trường tiểu học và Thông tư 12/2011/TT-BGDĐT ngày 28/3/2011 đối với cấp trung học).
Tuy nhiên nhiệm vụ và quyền hạn của Hội đồng trường không có nhiều thay đổi (ngoại trừ loại bỏ thẩm quyền quyết định về tổ chức, nhân sự).
Như vậy, đã qua 10 năm học (2 nhiệm kỳ) thực hiện Hội đồng trường ở các trường phổ thông nhưng hiệu quả mà tổ chức này mang lại xem ra rất hạn chế.
Vì sao Hội đồng trường lại hoạt động kém hiệu quả ? Chúng ta thử đi tìm các nguyên nhân của nó.
Hình ảnh minh họa về Hội đồng trường. Hình từ minia.edu.eg |
Theo quy định hiện hành thì Chủ tịch Hội đồng trường có thể là Hiệu trưởng hoặc không phải là Hiệu trưởng.
Nếu Chủ tịch Hội đồng trường là Hiệu trưởng thì gần như họ không quan tâm lắm đến hoạt động của tổ chức.
Họ thường phải đảm nhiệm quá nhiều vai (Hiệu trưởng, Bí thư Chi bộ, Chủ tịch Hội đồng trường).
Hơn nữa, nhiều nội dung hoạt động của tổ chức này lại trùng lặp với nhiệm vụ, quyền hạn của Hiệu trưởng nên họ cũng không tập trung nhiều vào chức trách này.
Còn nếu Hội đồng trường không phải là Hiệu trưởng thì cũng có nhiều khó khăn để họ tổ chức thực hiện có hiệu quả hoạt động của tổ chức này.
Hội đồng trường tuy có quyết định thành lập, song lại không có con dấu riêng.
Chủ tịch Hội đồng không có chế độ phụ cấp, thẩm quyền hạn chế về mặt quản lý nhà trường.
Chủ tịch Hội đồng trường (không phải là Hiệu trưởng) vẫn dưới quyền Hiệu trưởng và chịu sự chỉ đạo của Hiệu trưởng (trừ khi trong các cuộc họp của Hội đồng trường).
Chính vì vậy, họ cũng không mặn mà với cái chức vụ “hữu danh vô thực” này.
Phải tìm ra lý do vì sao Hội đồng trường tốt như vậy mà không phát huy hiệu quả? |
Hoạt động của Hội đồng trường còn kém hiệu quả do tính chất “xuân thu nhị kỳ” của nó.
Theo quy định, mỗi năm học, Hội đồng trường họp ít nhất 3 lần, trong trường hợp cần thiết, có thể họp bất thường.
Tuy việc họp ít như vậy, nhưng trên thực tế có khi còn ít hơn.
Có khi, Hội đồng này họp đủ cả 3 lần trong năm học nhưng trên “giấy”.
Tức là, chỉ hợp lý hóa biên bản, nghị quyết để đảm bảo hồ sơ (phục vụ cho các cuộc kiểm tra, kiểm định) chứ thực ra không tổ chức họp!
Chính vì những nguyên nhân trên mà trong từng năm học, thậm chí cả nhiệm kỳ, kết quả hoạt động Hội đồng trường của không ít trường chỉ là con số 0 tròn trĩnh.
Nó chẳng quyết định được điều gì, chẳng đóng góp được gì vào sự phát triển chung của nhà trường.
Để tránh tình trạng Hội đồng trường “như có, như không” của nhiều trường phổ thông công lập hiện nay.
Chúng tôi đề nghị Bộ Giáo dục và đào tạo xem xét, nghiên cứu và có cách chỉ đạo hữu hiệu để tổ chức này phát huy tác dụng thiết thực đối với mỗi nhà trường.
Còn nếu thấy hoạt động của Hội đồng trường chỉ mang nặng tính hình thức, không hiệu quả, không cần thiết, nên chăng, Bộ Giáo dục và đào tạo có thể bãi bỏ tổ chức này trong các trường phổ thông công lập?