Cảnh giác chiêu lừa nạp thẻ di động kiểu mới

18/10/2011 07:24
Lười đổi mật khẩu email có thể khiến người dùng phải… mất tiền. Thậm chí tên tuổi của mình bị lạm dụng và sử dụng vào mục đích lừa đảo những người khác.

“Tai nạn” từ… sim rác

Chị Minh Thủy - quận Than Xuân cho biết, cách đây vài hôm một số người bạn thân của chị đã gọi điện hỏi thăm chuyện gia đình và cũng nhắc luôn chuyện nạp thẻ điện thoại hôm trước sao cần gấp như vậy.

Lúc này chỉ Thuỷ mới phát hiện ra đã có người mạo danh nhắn tin tới những người thân nhờ nạp thẻ di động. Tuy nhiên, chị vẫn chưa hiểu vì sao đối tượng lừa đảo có thể biết được mối quan hệ riêng của chị, thậm chí còn biết tên cả những người bạn thân.
Thay đổi mật khẩu email thường bị người dùng xem nhẹ.
Thay đổi mật khẩu email thường bị người dùng xem nhẹ.

Nội dung tin nhắn gửi tới những bạn của chị đều có nội dung ngắn gọn như “Thuỷ đây, nhà đang T có việc gấp, nạp hộ T thẻ vì không ra ngoài được” và hầu hết trong số những người nhận được tin nhắn trên đều mắc bẫy. Chưa kể tới một vài tin nhắn gọi đích danh tên của người nhận tin.

Số tiền bị lừa mất tuy không lớn nhưng theo chị Thuỷ cũng một phần do chị hay dùng kèm một sim rác song song với một số dùng cố định.

Chuyện dùng sim rác cũng rất phổ biến với nhiều người di động hiện nay, không những một mà thậm chí còn vài ba số. Các sim này có khuyến mại, giá rẻ, tài khoản lớn nên tương đối hấp dẫn với người dùng sử dụng cho các việc không cần thiết như buôn chuyện, nhắn tin trúng thưởng…

Phát hiện bất ngờ


Vẫn còn băn khoăn về việc vì sao kẻ gian có được số điện thoại và tên của những người thân thì một tình cờ thú vị khác đã giúp chị phát giác ra kẻ lừa đảo thẻ nạp tiền điện thoại.

Chị Thuỷ cho biết, trong một lần sang nhà bạn chơi và sử dụng máy tính phát hiện ra nick Yahoo! của mình “sáng đèn”. Chị sử dụng nick chat của bạn để nói chuyện với người này và chị còn được hỏi thăm như những người thân.

Theo một chuyên gia an ninh mạng, với những tình tiết như trên thì chị Thuỷ đã bị lấy cắp mật khẩu hòm thư. Tuy nhiên, sự khôn khéo của đối tượng này đó là không thay đổi mật khẩu mà tiếp tục đọc các thông tin và tìm cách khai thác thông tin trong hòm thư này.

Qua kiểm tra hòm thư của chị Thủy thì chị thường xuyên trao đổi email với các bạn. Trong khi đó, dưới các email này đều ghi tên, số điện thoại, nơi làm việc.

Theo ông, hiện nay hầu hết người dùng hòm thư điện tử ở ta không có thói quen đổi mật khẩu thường xuyên và cho đó là một việc vô ích. Ông cho biết, nên tạo thói quen đổi mật khẩu email khoảng 3-4 tháng một lần, cũng là phòng lộ mật khẩu do sơ ý từ chính người dùng.

Kiểu lấy mật khẩu hòm thư, thông qua cài đặt mã độc trên máy tính không mới tuy nhiên, cách khai thác thông tin người dùng đã giúp những kẻ gian này đạt được mục đích. Đổi mật khẩu email thường xuyên là cách “phòng” tối thiểu dành cho người sử dụng nhiều máy tính khác nhau truy cập thư điện tử.

Theo Lao động