Theo thông tin từ các lái xe, chiều qua, ngày 13/6/2017, lực lượng Cảnh sát giao thông huyện Quang Bình (Hà Giang) buộc phải giao trả 8 chiếc xe tải.
Lý do, sau 7 ngày giam giữ, Cảnh sát giao thông không tìm ra bất cứ lỗi gì để xử phạt và giữ 8 chiếc xe tải của tài xế.
Đồng thời, do giữ xe trái pháp luật, lực lượng Cảnh sát giao thông huyện Quang Bình phải bồi thường cho các lái xe tổng số tiền là 80 triệu đồng.
8 chiếc xe bị giữ trái phép đã được thả ra sau 7 ngày giam giữ. |
Như trước đó, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã có loạt bài phản ánh, vào ngày 07/6/2017, khi 8 chiếc xe tải chở hàng lưu thông trên Quốc lộ 279 khi qua địa bàn huyện Quang Bình (Hà Giang) thì bị lực lượng Cảnh sát giao thông dừng lại để kiểm tra giấy tờ.
Sau khi tài xế xuất trình giấy tờ đầy đủ, tổ công tác này tiếp tục kiểm tra hàng hóa và yêu cầu các tài xế phải cung cấp hợp đồng vận chuyển hàng hóa nhưng do tài xế để quên hợp đồng vận chuyển hàng hóa, tổ công tác đã tạm giữ 8 chiếc xe chở quặng trên.
Sáng ngày 08/06, các tài xế bổ sung hợp đồng vận chuyển hàng hóa cho Đội Công an kinh tế huyện Quang Bình kiểm tra. Sau khi kiểm tra, Công an kinh tế huyện đã trả lại các giấy tờ liên quan và đồng ý cho các lái xe tiếp tục lưu thông.
Không tìm ra lỗi để phạt, Đội Cảnh sát giao thông lại lấy lý do xe quá khổ, quá tải. Rồi họ tiến hành cân trọng tải và đo chiều cao xe nhưng các xe trên vẫn tuân thủ đúng quy định pháp luật.
Đáng lẽ Cảnh sát giao thông phải dừng ngay việc cản trở các phương tiện lưu thông trên đường nhưng không hiểu vì lý do gì, lực này tiếp tục “hành” các lái xe.
Sau 1 ngày giữ 8 chiếc xe, mới có người ra cắm biển cầu yếu. |
Để tiếp tục “kiếm cớ” giữ các xe, lực lượng Cảnh sát giao thông lại đưa ra lý do 8 chiếc xe tải đi qua cầu yếu (cách địa điểm kiểm tra 17 kilomet). Trước sự việc trên, các tài xế vô cùng bất bình, bức xúc vì tại thời điểm đoàn xe lưu thông qua cầu không có biển thông báo về tải trọng nên họ vẫn di chuyển qua cầu.
Điều ngạc nhiên là chỉ sau 1 ngày tạm giữ các xe, không hiểu lực lượng nào đã cho người ra cắm biển thông báo "cầu yếu" dưới 10 tấn để lấy cớ “xử ép” 8 xe tải trên.
Các lái xe tất nhiên họ sẽ không đồng ý với lý do này, bởi người tham gia giao thông chỉ tuân thủ các quy định pháp luật và biển báo của cơ quan chức năng. Không cắm biển cầu yếu nhưng vẫn xử phạt là điều không thể chấp nhận được.
Ông Đoàn Trọng Kế, Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông huyện Quang Bình lại sử dụng lý cùn, luật rừng để “cãi lý” với các lái xe.
Không những sử dụng lý cùn, ông Kế còn đổ hết tội trạng cho lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải tỉnh Hà Giang.
Ông Kế cho rằng, ông chỉ biết phạt là phạt, còn việc không cắm biển báo hạn chế tải trọng là do Sở Giao thông vận tải.
Ông Kế còn hướng dẫn các lái xe cứ làm đơn tố cáo Sở Giao thông vận tải để đòi quyền lợi.
Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông huyện Quang Bình nói với lái xe: “Chủ tịch tỉnh nói là Sở Giao thông đã có công báo từ 2015.
Ông cứ làm đơn kiến nghị lên Sở Giao thông, đề nghị làm rõ tại sao hôm đó không có biển báo. Khi có văn bản từ Sở Giao thông sang thì tôi mới cho xe đi được. Nếu không có văn bản có nghĩa là không thể điđược…”.
Không chỉ đổ trách nhiệm cho Sở Giao thông, Cảnh sát giao thông Quang Bình có lời lẽ xúc phạm các lái xe: “Tao đang cứu mày, mày ngu lắm! Ông đi qua địa bàn tôi là lúc đó có biển, ông biết chưa? Chỉ mấy ngày nay là nó sửa đổi biển thôi. Ông ngu thế!
Ông không hiểu gì cả! Không may là rơi vào số phận của ông, để làm rõ việc này ông “ốm” luôn, chuẩn bị ăn 180 triệu đến nơi rồi. Tôi cũng đã báo cáo Chủ tịch huyện và Chủ tịch tỉnh, hai ông ấy đều đồng ý để tôi phạt ông, nhưng tôi đang cứu các ông, ông hiểu chưa?.
Tôi làm báo cáo cho Chủ tịch tỉnh rồi, ông ấy yêu cầu xử phạt, nếu không chấp hành thì bị giữ xe”.
Không đưa ra được căn cứ xử phạt, Cảnh sát giao thông còn định “lừa” các lái xe khi nói: “Chú để giấy tờ đây anh giữ, rồi cầm biên bản đi, chở hàng về kho. Sau đó kiến nghị lên Sở Giao thông tại sao không có cái biển báo...”.
Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông còn đe dọa đưa vụ việc sang bên Cơ quan điều tra để họ xử lý các lái xe. “Ông cứ như thế này thì chúng tôi sẽ cho đình chỉ vụ việc và báo cáo Giám đốc Công an tỉnh để cho cơ quan điều tra người ta vào cuộc.
Công an mình không bao giờ làm sai, và cơ quan điều tra sẽ phải mở cuộc điều tra làm rõ việc này… Sếp mà “phật ý” để cho Cơ quan điều tra người ta xuống làm từ A đến Z thì các ông đi đâu?”, ông Đoàn Trọng Kế hùng hồn cho biết.
Giữ xe trái pháp luật, 7 ngày không tìm ra lỗi vi phạm, thiệt hại kinh tế và danh dự cho các lái xe không hề nhỏ, không phải cứ "bắt sai trả xe" rồi bồi thường 80 triệu đồng là xong chuyện.
Đề nghị lãnh đạo tỉnh Hà Giang, Cục Cảnh sát giao thông Bộ Công an cần có biện pháp chấn chỉnh, xử lý nghiêm lực lượng Cảnh sát giao thông huyện Quang Bình nhằm lấy lại niềm tin, uy tín của Cảnh sát giao thông trong con mắt người dân.