Cụ thể, Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy đặt vấn đề: Trong báo cáo của Bộ trưởng, phần trả lời về trách nhiệm của bộ, ngành và địa phương trong việc thực hiện các dự án trọng điểm quốc gia dài đến 7 trang, riêng trách nhiệm của Bộ kế hoạch và Đầu tư là 1 trang, nhưng chủ yếu trích dẫn các văn bản quy phạm pháp luật, những văn bản này đại biểu Quốc hội hoàn toàn có thể tra cứu được.
Vấn đề đại biểu đặt ra là trách nhiệm của bộ, ngành và địa phương thế nào thì Bộ trưởng không nêu. Tôi thấy cách trả lời của Bộ trưởng rất giống cách trả lời của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cách đây 3 nhiệm kỳ.
Khi đó, đại biểu Quốc hội khóa XI Nguyễn Ngọc Trân đã phải nhận xét trước hội trường là Bộ trưởng đưa ra cả một rừng luật nhưng không thấy trách nhiệm của Bộ trưởng ở đâu.
Tôi đề nghị Bộ trưởng khẳng định trách nhiệm của bộ mình và Bộ trưởng trong việc thực hiện các dự án trọng điểm quốc gia như thế nào và có cam kết gì để khắc phục hạn chế?
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Kim Thúy (đoàn Đà Nẵng). ảnh: Trung tâm thông tin Quốc hội. |
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết: “Về trách nhiệm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư thì chúng tôi xin nhận trách là chưa cương quyết, còn nể nang đối với yêu cầu bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm túc các quy định của Luật đầu tư công cũng như các nghị quyết của Quốc hội và chỉ đạo của Chính phủ, vì chúng tôi cũng thấy khó khăn của các địa phương.
Nhu cầu của các địa phương là rất lớn nhưng khả năng bố trí chưa phù hợp, nên các phương án làm đi làm lại nhưng chất lượng chưa được tốt, phải điều chỉnh đi điều chỉnh lại.
Chúng tôi cũng chưa thực sự nghiêm túc và còn nể nang chia sẻ những khó khăn của các bộ, ngành, địa phương nhiều hơn.
Chúng tôi cũng xin nhận trách nhiệm đó và cũng xin hứa với Quốc hội sẽ làm sao vẫn phải thực hiện nghiêm túc Luật đầu tư công nhưng cũng tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các bộ, ngành, địa phương thực hiện nhiệm vụ của mình”.
Trước sự quan tâm của các Đại biểu Quốc hội cho rằng cần phải xem xét lại hiệu quả đầu tư từ nguồn vốn ngân sách nhà nước; tình trạng phân bổ vốn dàn trải vẫn còn, nhiều dự án bố trí vốn thấp, kéo dài thời gian thực hiện... Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, trước đây do hệ thống pháp luật quản lý chưa chặt chẽ nên hiệu quả của quản lý và sử dụng đầu tư công chưa được đảm bảo, dẫn đến đầu tư dàn trải, nợ đọng xây dựng cơ bản lớn, các dự án phê duyệt vượt quá khả năng thu xếp vốn rất lớn, thường trước đây gấp 3 lần so với khả năng thu xếp vốn.
“Đó là một thực tế diễn ra trong thời gian dài vừa qua. Để khắc phục được tình trạng này thì Luật đầu tư công đã được ban hành và để giảm đi giữa đầu tư dàn trải với những quy trình từ chọn lựa dự án đến phê duyệt dự án, đến thẩm định dự án đã được chặt chẽ hơn để kiểm soát các dự án và tránh dàn trải, tránh nợ đọng xây dựng cơ bản cũng như hiệu quả của nó”, ông Dũng nhấn mạnh.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng trả lời chất vấn tại Quốc hội chiều 14/6. ảnh: Trung tâm thông tin Quốc hội. |
Tư lệnh ngành kế hoạch đầu tư nêu ra các giải pháp:
Thứ nhất, tiếp tục triển khai đồng bộ các chủ trương và định hướng về tái cơ cấu đầu tư. Đây cũng là một trọng tâm theo nghị quyết của Quốc hội và của Trung ương.
Thứ hai, các cấp, các ngành phải thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về đầu tư công, từ khâu chọn lọc dự án, đến thẩm định, phê duyệt và các thủ tục, trình tự phải thực hiện nghiêm túc. Triển khai đồng bộ các quy định này và hoàn thiện về các tiêu chuẩn, định mức về xây dựng.
"Nếu Trung ương không nghiêm thì sao yêu cầu Chủ tịch tỉnh nghiêm? " |
Hiện nay đang còn một số các tiêu chuẩn, định mức xây dựng của một số ngành cũng chưa được xây dựng nên việc xây dựng tổng mức đầu tư của các dự án chưa sát với dự án thực tế thì cũng dẫn đến giảm hiệu quả của nó.
Thứ ba, nâng cao chất lượng về công tác quy hoạch, phát triển kinh tế - xã hội, các đại biểu đều biết, chúng ta đã trình dự án Luật quy hoạch vừa qua cũng thấy được công tác quy hoạch có một ảnh hưởng rất lớn đến việc quyết định đầu tư cũng như hiệu quả của đầu tư.
Thứ tư, tăng cường công tác kiểm toán, kiểm tra, thanh tra và giám sát đối với tất cả các khâu để đảm bảo các quyết định lựa chọn đầu tư cũng như bố trí vốn phải phù hợp với tình hình thực tế phát triển cũng như khả năng thu xếp vốn của từng dự án và phải đủ để hoàn thiện được dự án mà không làm cho kéo dài và làm cho không phát huy được hiệu quả của dự án.
Câu thứ hai, về việc giao vốn hàng năm, hiện nay vẫn đang còn chậm là trách nhiệm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Việc giao vốn hàng năm và 5 năm đã được quy định rõ trong Luật đầu tư công.
Đây là năm đầu tiên chúng ta thực hiện Luật đầu tư công. Với các mục tiêu mà luật đưa ra là kiểm soát chặt chẽ các dự án và theo đó thì các quy trình sẽ được thiết kế nhiều hơn và chặt chẽ hơn, các bước, các cơ quan tham gia cũng được lồng ghép nhiều hơn, để chúng ta đạt được mục tiêu đó thì thủ tục cũng phức tạp hơn.
Do vậy, việc thực hiện các thủ tục mới theo luật mới của các bộ, ngành địa phương cũng còn lúng túng trong thời gian đầu thực hiện luật.
Thứ hai, việc hướng dẫn của các bộ, ngành, trong đó có trách nhiệm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cũng chưa kịp thời và cũng còn chậm, còn có các cách hiểu khác nhau, điều này thuộc trách nhiệm của Trung ương mà trong đó có Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Từ nhu cầu lớn, khả năng thu xếp cân đối vốn hạn chế, mất cân đối như vậy nên việc co kéo cũng như là điều chỉnh các phương án khác nhau thì dẫn đến việc giao vốn chậm hơn so với thực tế, từ đó cũng có ảnh hưởng một phần đến giải ngân chậm và cũng ảnh hưởng đến hiệu quả của dự án.
Quốc hội sẽ dành cả buổi sáng nay (15/6) tiếp tục chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng và Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ sẽ thay mặt Chính phủ báo cáo với Quốc hội, làm rõ hơn một số nội dung.