Ai chịu trách nhiệm ở những dự án "đắp chăn, đắp chiếu", lãng phí tiền tỷ?

16/06/2017 06:42
Ngọc Quang
(GDVN) - Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cho biết, Chính phủ đã yêu cầu các bộ, ngành địa phương tiếp tục rà soát các dự án khác, kiên quyết xử lý đối với người vi phạm.

Trước sự quan tâm của Đại biểu Quốc hội Trần Văn Tiến (đoàn Vĩnh Phúc) về 12 dự án thất thoát, gây lãng phí, vậy còn bao nhiêu dự án tương tự và ai sẽ chịu trách nhiệm, Chính phủ có giải pháp gì?

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cho biết, Chính phủ rất công khai, minh bạch, rõ ràng thông tin, các phương tiện truyền thông đại chúng cũng đã đưa tin những thông tin cơ bản về 12 dự án thua lỗ, thất thoát.

Quan điểm của Chính phủ là xử lý dứt điểm tồn tại, yếu kém của doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn nhà nước.

Kiên quyết xử lý các doanh nghiệp dự án thua lỗ, không hiệu quả hoặc hiệu quả thấp theo cơ chế thị trường.

Tập trung xử lý dứt điểm 12 dự án thua lỗ, thất thoát lớn và tiếp tục rà soát đối với các dự án, doanh nghiệp khác. Có giải pháp phù hợp, xử lý về tài chính theo nguyên tắc thị trường và chia sẻ rủi ro đối với từng dự án không sử dụng nguồn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước. Tạo thuận lợi để chuyển nhượng cho các đối tác bên ngoài.

Nhà máy sản xuất xơ sợi Polyester Đình Vũ (Hải Phòng) thua lỗ lớn. ảnh: pvc.
Nhà máy sản xuất xơ sợi Polyester Đình Vũ (Hải Phòng) thua lỗ lớn. ảnh: pvc.

Theo Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, đối với các dự án phục hồi được có giải pháp đẩy mạnh phát triển sản xuất, kinh doanh, tăng cường quản trị doanh nghiệp, thực hiện các biện pháp tiết giảm chi phí để giảm lỗ và tiến tới có lãi.

Xác định rõ trách nhiệm, xử lý nghiêm các vi phạm người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước phải chịu trách nhiệm về việc hoàn thành kế hoạch sắp xếp cơ cấu lại cổ phần hóa, thoái vốn và xử lý dứt điểm tồn tại để nâng cao hiệu quả hoạt động, coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng cần tập trung chỉ đạo thực hiện.

Ai chịu trách nhiệm ở những dự án "đắp chăn, đắp chiếu", lãng phí tiền tỷ? ảnh 2

Còn bao nhiêu dự án thất thoát, thua lỗ lớn, trở thành gánh nặng cho đất nước?

Xử lý nghiêm các trường hợp không nghiêm túc thực hiện, không hoàn thành kế hoạch sắp xếp cơ cấu lại cổ phần hóa, thoái vốn và nhiệm vụ được giao.

Những dự án này sẽ cơ cấu, sắp xếp lại, giải quyết trên tinh thần không để thất thoát về ngân sách, không dùng ngân sách trả nợ, giải quyết theo cơ chế thị trường và xử lý nghiêm các vi phạm, trong đó cả tổ chức và cá nhân, những người chịu trách nhiệm trực tiếp.

Thủ tướng cũng đã thành lập ban chỉ đạo do một Phó Thủ tướng làm trưởng ban để chỉ đạo việc khắc phục hậu quả này.

Phó Thủ tướng cho biết thêm: “Ý kiến của đại biểu hỏi, ngoài 12 dự án này còn nữa hay không? Tôi xin trả lời mang tính chất ước lệ chứ không thể khẳng định là không có nhưng cũng không nói là không còn, nhưng tinh thần chung là còn, phải tiếp tục rà soát.

Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành và các địa phương phải báo cáo, rà soát, thử đánh giá, phát hiện và báo cáo Chính phủ sẽ có những giải pháp để xử lý như đối với 12 dự án đắp chăn, đắp chiếu, cũng giải quyết trên tinh thần xử lý theo cơ chế thị trường và không dùng ngân sách nhà nước để trả nợ, đồng thời kiên quyết xử lý đối với người vi phạm.

Trách nhiệm của các ngành, các cấp phải chấp hành đúng nghị quyết của Chính phủ về sắp xếp lại doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế, cơ cấu lại các ngành nghề và tăng cường thực hiện các chỉ đạo của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng do Tổng Bí thư đứng đầu đã có nhiều chỉ đạo về cơ chế phòng ngừa tham nhũng, lãng phí, xử lý nghiêm các vi phạm”.

Sau trả lời của Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, Đại biểu Phạm Thị Minh Hiền (đoàn Phú Yên) mong muốn với trách nhiệm của một Chính phủ kiến tạo, hành động vì dân, cần phải quyết liệt hơn nữa trong việc chấn chỉnh những vi phạm ở các cơ quan nhà nước, nhất là khối doanh nghiệp.

Đại biểu Hiền bày tỏ: “Trước đây, nếu nói doanh nghiệp nhà nước và các dự án kinh tế đầu tư từ nguồn đầu tư công là nắm đấm thép thì nay, sự đắp chiếu của các dự án này và nợ công tăng cao đã trở thành nắm đấm thép hướng tới sự lo lắng, bất an của người dân. Một đứa trẻ vừa mới sinh ra cũng không tránh khỏi lo lắng này.

Công tác quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ và lợi ích nhóm ngày càng có xu hướng tương đồng về đặc tính, đảm bảo quy trình theo pháp luật nhưng yếu tố "người nhà", "giọt máu đào hơn ao nước lã" là yếu tố quyết định.

Tiến độ thực hiện thì phải hết sức thần tốc. Pháp luật nghiêm minh, chính sách công khai, thông tin quy trình minh bạch nhưng con đường tìm đến công lý của người dân vẫn còn một khoảng cách khá xa”. 

Ngọc Quang