Xung quanh vấn đề quản lý và sử dụng quỹ bảo hiểm y tế, bà Nguyễn Thị Minh đánh giá, có thể nói Luật bảo hiểm y tế mà Quốc hội thông qua, có hiệu lực năm 2015 là một bước tiến rất dài về an sinh xã hội, thể hiện quan điểm của Đảng và Nhà nước, ưu việt của chế độ. Thực tế là quyền lợi được hưởng so với mức đóng là rất cao.
“Khi luật ban hành thì tất cả những người nghèo, người cận nghèo, học sinh, sinh viên hay những đối tượng được ưu tiên được tiếp cận dịch vụ y tế rất tốt”, bà Minh cho biết.
Bà Nguyễn Thị Minh - Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam. ảnh: Trung tâm thông tin Quốc hội. |
Theo Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam, quản lý và sử dụng bảo hiểm y tế trong thời gian vừa qua, chúng ta đã làm được một khối lượng công việc hết sức lớn: Mỗi năm khám, chữa bệnh cho khoảng 150 triệu lượt người, hiện nay độ bao phủ là 77 triệu người, chiếm khoảng 83% dân số.
Nếu theo tinh thần Nghị quyết 21, sau năm 2020 chúng ta mới đạt 80% nhưng Chính phủ chỉ đạo rất sát sao bằng nhiều giải pháp tích cực, ví dụ như giải pháp nâng giá dịch vụ y tế, như giao chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội cho các địa phương rồi rất nhiều giải pháp chỉ đạo thanh tra, kiểm tra để sử dụng quỹ này có hiệu quả, cho nên chúng ta đã phát triển, bao phủ được đến 83%.
Quỹ Bảo hiểm y tế như Bộ trưởng nói, bình quân mức thu chỉ có khoảng chưa đến 30 đôla nhưng tổng quỹ của chúng ta hiện nay huy động 1 năm được trên 70.000 tỷ.
Có thể nói một khối lượng công việc khổng lồ mà ngành Y tế cũng đã đáp ứng có thể nói chất lượng khám, chữa bệnh nâng lên rất nhiều. Tinh thần, thái độ cũng tốt lên rất nhiều.
Tuy nhiên, đối tượng để chúng ta phục vụ quá lớn, 77.150 triệu lượt người, rải rác ra ở 14.000 cơ sở khám, chữa bệnh. Cho nên như các đại biểu đã phát hiện, tình trạng lạm dụng, trục lợi bảo hiểm y tế giai đoạn gần đây diễn ra tương đối phổ biến.
Khi chúng ta nâng giá dịch vụ y tế, thay đổi một cơ chế không cấp phép trực tiếp cho cơ sở y tế nữa mà dành tiền đó để mua bảo hiểm y tế và các bệnh viện thực hiện khám, chữa bệnh thông qua bảo hiểm y tế thì các bệnh viện phải tự chủ, tức là phải phấn đấu để mình làm tốt, để có bệnh nhân cho nên nhiều bệnh viện đã rất khó khăn trong chuyện, vì chưa đảm bảo được chất lượng theo yêu cầu cho nên phải có những cách như là kéo dài ngày nằm của bệnh nhân.
Chúng tôi khi Chính phủ yêu cầu trang bị hệ thống thông tin giám định bảo hiểm y tế, tức là tất cả những biểu hiện của lạm dụng trục lợi, nó cũng thể hiện trên hệ thống này.
Ví dụ, mổ Phaco, các chuyên gia y tế là chỉ 2 ngày, quy trình của ngành y tế là hai ngày, nhưng hiện nay có bệnh viện lên đến 7,1 rồi 7,5 ngày, đấy là một điều vô lý, hoặc là giường bệnh tuyến huyện hiện nay chắc có lẽ các đồng chí ở đây đều rất biết, ở các địa phương là, giường bệnh tuyến huyện thường không sử dụng hết 100% công suất nhưng có những tỉnh báo lên để thanh toán lên đến 200 - 300% công suất, tức là rất không bình thường.
Trước tình hình đó, tổng quỹ bảo hiểm y tế được phép sử dụng trong năm 2017 chỉ là 73 nghìn tỷ, nhưng theo số liệu dự báo số chi quý I báo cáo lên của các cơ sở khám, chữa bệnh thì năm nay chi khoảng 80 nghìn tỷ.
“Như vậy, sẽ tăng 7 nghìn tỷ, mà chúng tôi tính yếu tố do khách quan, do tăng lương, tăng giá dịch vụ, tăng tiền giường tất cả các khoản khoảng 30%, như vậy khoảng 10% sẽ là yếu tố không bình thường ở đây, 10% cũng tương đương với 7 ngàn tỷ.
Nếu chúng ta làm tốt vấn đề này thì chắc rằng quỹ bảo hiểm y tế sẽ được cân đối trong năm mà không phải bội chi.
Chính vì vậy, thời gian gần đây Chính phủ cũng chỉ đạo rất quyết liệt trong việc kiểm tra, giám sát, giám định để quỹ này được sử dụng một cách thật sự hiệu quả”, bà Minh cho hay.
Gần đây nhất bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng đã có văn bản đề nghị với các đồng chí lãnh đạo các tỉnh tập trung vào công tác lãnh đạo, chỉ đạo.
“Nhân diễn đàn Quốc hội cũng xin kính mong các vị đại biểu Quốc hội, các đoàn đại biểu Quốc hội cũng quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, giám sát để quỹ bảo hiểm y tế ở các tỉnh, thành phố được sử dụng một cách thực sự đến với người bệnh. Những tình trạng lạm dụng, trục lợi thì chúng ta sẽ loại trừ và sẽ không thanh toán nữa”, bà Minh đề nghị.
Theo bà Nguyễn Thị Minh, nếu không có giải pháp tích cực thì vẫn còn âm 7 nghìn tỷ đồng, vì vậy rất cần có sự quan tâm của các đồng chí lãnh đạo tỉnh để quỹ này sử dụng một cách hiệu quả.
Bà Minh nêu kiến nghị: “Chúng tôi cũng đề nghị, từ trước các tỉnh vẫn phải bỏ tiền ra để chi trả lương cho các cơ sở y tế, các khoản phụ cấp nhưng nay thì khoản đó không phải chi nữa vì tất cả thanh toán qua thẻ bảo hiểm y tế.
Cho nên có thể dùng tiền đó để tăng mức hỗ trợ cho người cận nghèo, 30% cho người cận nghèo, hỗ trợ cho học sinh, sinh viên để tăng độ bao phủ lên và giảm bội chi ngân sách.
Tỉnh nào nếu có điều kiện ngân sách địa phương thu tốt có thể tăng phần hỗ trợ trực tiếp để nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh.
Đấy là những vấn đề cơ quan bảo hiểm xã hội Việt Nam xin trân trọng được báo cáo Quốc hội và rất tha thiết mong các đại biểu, các đoàn đại biểu Quốc hội, các đồng chí lãnh đạo tỉnh quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp cùng với chúng tôi và ngành y tế để quản lý và sử dụng quỹ này để đảm bảo theo đúng yêu cầu của luật và nó được cân đối hàng năm theo đúng luật quy định”.