hSouth China Morning Post, Trung Quốc ngày 25/6 đưa tin, em trai út của Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long, ông Lý Hiển Dương và vợ đã được nhìn thấy tại sân bay Hồng Kông cuối tuần qua.
Thông tin này lập tức gây chú ý đối với cánh truyền thông cũng như dư luận xã hội, bởi tuyên bố gây sốc của ông Dương về khả năng ông sẽ phải tìm đường tị nạn do những bất đồng, mâu thuẫn với anh trưởng và chị dâu về cách xử lý ngôi nhà ông Lý Quang Diệu để lại. [1]
Ngày 23/6 tác giả Phar Kim Beng có bài bình luận: "Những gì Malaysia có thể học được từ mâu thuẫn gia đình Lý Quang Diệu tại Singapore". [2]
Hôm sau 24/6 tác giả Robert Boxwell tiếp tục mổ xẻ vụ việc với một góc nhìn tương tự, cùng trên South China Morning Post:
Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long có quyền lựa chọn Quốc hội để đáp ứng lại những chỉ trích, đó là điều ông Lý Quang Diệu từng làm. [3]
Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long, ảnh: CNBC. |
Hai nhà nghiên cứu này đã gợi mở cho người viết nhiều điều xung quanh "trận động đất từ gia đình số 1 Singapore" mà chúng tôi cho là rất xác đáng và bổ ích, xin được chia sẻ ra đây.
Trước đó, ngày 20/6 chúng tôi đã có bài viết "Khủng hoảng nhà họ Lý và vấn đề đặt ra cho nền quản trị Singapore" đăng trên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam và cho rằng:
"Đây không chỉ là câu chuyện của nội bộ một gia đình, và nó cũng không phải xảy ra trong một sớm, một chiều, mà là cái “quả” tất yếu mà cái “nhân” đã được gieo.".
Nhưng hai nhà nghiên cứu nói trên đã cho chúng tôi thấy cách ứng phó với khủng hoảng và xử lý các tình huống mình bị chỉ trích của cha con ông Lý Quang Diệu, Lý Hiển Long thật đáng ngưỡng mộ và có nhiều giá trị, ý nghĩa.
Công khai tranh luận phải quấy một cách đúng nơi, đúng chỗ là cách xử lý khủng hoảng tốt nhất
Robert Boxwell chia sẻ quan điểm của ông:
"Không nên nhấn nút "thích" (nút like) nếu bạn đang mệt mỏi, đau đầu vì làn sóng của những tranh chấp chính trị, hay chuyện gia đình của những người nổi tiếng trên mạng xã hội.
Ví dụ mới nhất là, bên cạnh những phàn nàn của Tổng thống Mỹ Donald Trump trên Twitter, còn có các cuộc tấn công qua Facebook vào tuần trước, nhằm vào Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long từ chính 2 người em ruột.
Đột nhiên một quốc gia phát triển hàng đầu ở châu Á trong nửa thế kỷ qua vừa bị lôi kéo vào một vụ xì căng đan.
Tôi không có căn cứ để đứng về phe nào trong cuộc tranh cãi gia đình họ Lý, nhưng tôi biết có hai điều chắc chắn:
Mạng xã hội không phải là nơi giải quyết chuyện đó. Và bạn không nên nhấn nút "gửi" trong lúc đang vệ sinh buổi sáng, bởi vì bạn có thể sẽ "covfefe nó" khi bạn thức dậy.
(Covfefe là một từ không có trong từ điển tiếng Anh, xuất hiện trên Twitter của ông Donald Trump vào rạng sáng 31/5/2017 và nó trở thành một bí ẩn không thể dịch nổi).
Tốt cho Lý Hiển Long khi ông về cơ bản đã vượt qua được cám dỗ ăn miếng trả miếng (với hai người em ruột, vì những chỉ trích công khai của họ).
Thay vào đó, Lý Hiển Long nói rằng ông sẽ bác bỏ các "cáo buộc" này trước Quốc hội Singapore vào ngày 3/7 tới, tiếp theo là phiên tranh biện và tất cả các nghị sĩ có quyền đặt câu hỏi chất vấn.
Đó có thể là câu hỏi của chính các nghị sĩ, cũng có thể là câu hỏi của cử tri mà họ đại diện. Có vẻ như đây là một trang trong cuốn sách của cha ông ấy.
Vào giữa những năm 1980, khi Singapore đang lúng túng trong cuộc suy thoái đầu tiên kể từ khi độc lập, một vài thành viên Quốc hội đã bắt đầu chỉ trích Lý Quang Diệu và các Bộ trưởng (trong Nội các) của ông về mức lương của họ.
Có nghị sĩ cho rằng, các Bộ trưởng làm một ngày bằng công nhân Singapore làm cả tháng.
Người khác thì lưu ý, mức lương tháng khoảng 30 ngàn đô la Singapore của Lý Quang Diệu lúc đó, cao hơn nhiều lương tháng các đồng nhiệm của ông ở châu Á.
Khủng hoảng nhà họ Lý và vấn đề đặt ra cho nền quản trị Singapore |
Đúng lúc Quốc hội Singapore bàn về định mức ngân sách hàng năm trong tháng Ba năm 1985, Lý Quang Diệu đã chuẩn bị giải quyết những chỉ trích nhằm vào ông, một cách công khai tại Quốc hội.
Ông đã chuẩn bị sẵn những (số liệu / dữ liệu) sự kiện, cùng với sự hóm hỉnh, phê phán khéo léo đã từng sử dụng và đánh bại phe đối lập trước cuộc bầu cử đầu tiên năm 1959, để tranh biện công khai, và nắm giữ quyền lực trong 3 thập kỷ sau đó.
Lý Quang Diệu đặt câu hỏi (với các nghị sĩ chất vấn ông):
"Singapore cần làm thế nào để bảo vệ tài sản quý báu nhất của mình - một chính quyền hoàn toàn không tham nhũng, hoạt động lãnh đạo chính trị có thể phải chịu sự kiểm soát chặt chẽ nhất, bởi nó đặt ra các tiêu chuẩn cao nhất?
Chỉ cần suy nghĩ về tương lai của các ngài.
Làm thế nào để các ngài đảm bảo rằng, một cách ngẫu nhiên, một nhóm quý ông xuất hiện từ năm 1959, sau 26 năm trong nhiệm sở mà vẫn không có điều tiếng gì?"
Trong vòng 2 giờ đồng hồ, ông Lý Quang Diệu lưu ý: trên thực tế tham nhũng có trong mọi quốc gia lân cận qua một số vụ việc, đồng thời so sánh với Singapore để chỉ ra sự khác biệt.
Chỉ cần khách du lịch từ khi bước xuống sân bay đến khi gọi taxi là có thể biết nơi họ đến có trật tự, quy củ, nề nếp hay là chỗ pháp luật có thể bị bẻ cong.
Giải quyết trực tiếp câu hỏi về tiền lương, ông Lý Quang Diệu nói:
"Chúng tôi đã cố gắng tuyển dụng những người có cùng suy nghĩ và cam kết. Nhưng họ thuộc về một thế hệ khác, tôi không nói rằng họ sẽ phải hy sinh như nhau.
Tôi vẫn có thể trả lương họ theo mặt bằng cũ, nhưng đó có phải là tôi đang làm đúng với họ và với đất nước hay không?
Muốn thu hút được những người giỏi nhất vào bộ máy chính phủ, các nhà lãnh đạo phải được trả lương theo thị trường.".
Ông cung cấp cho các nghị sĩ một bảng số liệu thống kê để so sánh:
Các chuyên viên ngân hàng giỏi hàng đầu tại Singapore đã kiếm được 147 ngàn đô Singapore mỗi tháng, các kiến trúc sư hàng đầu kiếm được 125 ngàn đô la Singapore.
Luật sư, kỹ sư và chuyên viên môi giới chứng khoán, bác sĩ...tất cả đều có thu nhập nhiều hơn nhân viên chính phủ.
Cuối cùng, ngay cả một đại lý bán xe hơi cũng kiếm được hơn 32 ngàn đô la Singapore mỗi tháng, nhiều hơn lương của Lý Quang Diệu, cũng như các Bộ trưởng của ông.
Vị Thủ tướng Singapore khi đó kết luận một cách hóm hỉnh:
"Vì vậy, tôi có thể cải thiện rất nhiều thu nhập của mình bằng cách làm đại lý bán xe hơi.". [4]
Phong cách và trí tuệ của Lý Hiển Long không phải thứ mà công chúng lúc nào cũng phải nhìn thấy. Đó chính là hành động của ông chống lại những cáo buộc từ hai người em ruột.
Ông đã chọn diễn đàn có vẻ như đảm bảo sự công bằng và công khai đầy đủ những vấn đề này.
Châu Á có các "liên minh mới" chống Trung Quốc bành trướng Biển Đông? |
Đưa sự kiện trên ra Quốc hội để công chúng giám sát như cách cha ông đã làm, chính là cách tốt nhất để ông giao tiếp với người dân Singapore.
Sự hỗn loạn của tin tức, mạng xã hội, tin giả, tin đồn...hầu như rất khó để thảo luận một cách đầy đủ trong bối cảnh nhân loại cần thời gian hơn bao giờ hết.
Không có vấn đề gì, cho dù bạn đứng về phe nào trong gia đình họ Lý, điều đáng khích lệ là ông Lý Hiển Long đã đưa thông tin của mình ra khỏi internet và tham gia vào một diễn đàn phù hợp với chính phủ, cũng như gia đình.
Liệu các chính phủ khác trên thế giới có làm được điều này hay không? [3]
Đây là câu hỏi Robert Boxwell đặt ra, chúng tôi cho là rất có ý nghĩa, mà nếu làm được sẽ chỉ làm tăng uy tín của chính quyền trong dân chúng.
Lãnh đạo, người đứng đầu lên tiếng kịp thời về những điều dân chúng quan tâm là cách tốt nhất để củng cố niềm tin
Cùng bình luận về sự kiện mâu thuẫn nhà họ Lý - gia đình số 1 Singapore, nhà nghiên cứu Phar Kim Beng nhận định trên South China Morning Post:
"Những gì ông Lý Hiển Long đã làm có thể là một trong những điều đáng chú ý nhất trong chuỗi sự kiện: xin lỗi người dân.
Hôm thứ Hai (19/6) ông đã xin lỗi công chúng Singapore vì những phiền lòng có thể gây ra cho họ từ những gì ông nói.
Ông cũng cam kết sẽ để các nghị sĩ công khai, tự do tranh luận trong kỳ họp Quốc hội được tường thuật đầy đủ vào ngày 3/7 tới.". [2]
Chúng tôi xin không bàn về câu chuyện nội bộ của Malaysia, mặc dù tác giả Phar Kim Beng đã dẫn ra trong bài viết này để chứng minh, Thủ tướng Lý Hiển Long là một tấm gương để so sánh.
Nhận xét của ông Phar Kim Beng thật sâu sắc:
"Bất chấp sự công khai hiếm hoi về xì căng đan gia đình, lời xin lỗi đàng hoàng của ông Lý Hiển Long rất kịp thời và minh bạch.
Rõ ràng, nhà lãnh đạo Singapore đã biết cách xây dựng lại lòng tin nơi công chúng.".
Chúng tôi nhận thấy rằng, bình luận của hai tác giả Robert Boxwell và Phar Kim Beng rất sâu sắc, có ý nghĩa không chỉ với Singapore hay cá nhân Thủ tướng Lý Hiển Long, mà với bất kỳ quốc gia, dân tộc hoặc một chính khách, quan chức nào.
Bài học ông Long đã tiếp thu trọn vẹn từ người cha quá cố chính là bản lĩnh và trí tuệ đối mặt với khủng hoảng, bình tĩnh xử lý một cách đúng lúc, đúng chỗ, công khai, minh bạch thay vì áp đặt một chiều.
Hơn nữa, có lẽ cố Thủ tướng Lý Quang Diệu và Thủ tướng Lý Hiển Long hiểu rõ nhất:
Sự minh bạch, có trách nhiệm, được giám sát và thượng tôn pháp luật là cách tốt nhất để xây dựng và giữ gìn bộ máy chính quyền hiện đại, hiệu quả, không tham nhũng, cũng như uy tín của bộ máy ấy trong dân chúng.
Trong chuỗi sự kiện này, những chỉ trích và cáo buộc lại đến từ 2 người em ruột ông Lý Hiển Long. Ban đầu chúng tôi nghĩ rằng, đây rõ ràng là "thế bí" đối với trưởng tử nhà họ Lý.
Tuy nhiên cách giải quyết vấn đề của ông đã cho thấy rõ công tư phân minh và thượng tôn pháp luật.
Ông Long đã cố gắng thu xếp dàn hòa trong nội bộ gia đình, nhưng khi ảnh hưởng của vụ việc đã lan ra uy tín chính phủ, thể chế, thậm chí là quốc thể của Singapore, thì buộc lòng phải xử lý vụ việc với vai trò Thủ tướng.
Đây là điều không phải quan chức nào cũng làm được, thậm chí có người còn không dám đối mặt, hoặc quanh co, hoặc né tránh, hy vọng để lâu...hóa bùn.
Đó là bài học quý cho những ai đang nắm trong tay quyền lực.
Nếu thực sự vì dân, tin dân, hiểu dân và trọng dân, đừng vì bất kỳ lẽ gì để tìm cách giấu dân những vấn đề tồn tại, khó khăn, khúc mắc, mâu thuẫn nảy sinh trong lòng xã hội.
Nếu thực sự tự tin việc làm, hành động, quyết sách của mình là đúng thì trước những vấn đề phức tạp nảy sinh mà dư luận quan tâm, những ai đang nắm trong tay quyền lực hãy chủ động đối thoại.
Hãy công khai đối thoại và đối thoại một cách công bằng, sòng phẳng để tìm ra những giải pháp tốt nhất cho cộng đồng, quốc gia, dân tộc.
Theo dõi ứng xử của Thủ tướng Lý Hiển Long trong các vấn đề đối nội cũng như đối ngoại, chúng tôi nhận thấy sự nhất quán xuyên suốt trong bản lĩnh, trí tuệ và tầm vóc đáng ngưỡng mộ của một nhà lãnh đạo vì dân.
Tài liệu tham khảo:
[4]prs.parl.gov.sg/search/topic.jsp?currentTopicID=00059400-ZZ¤tPubID=00069486-ZZ&topicKey=00069486-ZZ.00059400-ZZ_1%2Bid009_19850322_S0002_T00041-budget%2B