Thư ngỏ gửi Giáo sư Phillip Altbach về Quốc tế hóa giáo dục đại học

01/07/2017 07:16
Nguyễn Thị Lan Hương
(GDVN) - Số trường đại học Mỹ sử dụng công ty tư vấn du học tăng lên khá nhanh, do nhu cầu cấp thiết tìm kiếm sinh viên nước ngoài vào trường đại học ở Mỹ.

LTS: Quý vị và các bạn đang theo dõi bài viết của tác giả Nguyễn Thị Lan Hương, người dành nhiều tâm huyết nghiên cứu về lĩnh vực giáo dục.

Trong bài viết này, tác giả viết thư ngỏ bày tỏ những bức xúc về quốc tế hóa giáo dục đại học gửi đến Giáo sư Phillip Altbach (Boston College).

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Thưa Giáo sư,

Được biết trong mấy ngày qua, Boston College (BC) đã tổ chức hội nghị bàn về quốc tế hóa giáo dục trong thời đại nhiều biến đổi về chính trị hiện nay, em xin được viết thư này gửi Giáo sư, kể về những gì đã xảy ra với em trong 3 năm vừa qua (không phải do tình hình chính trị bây giờ), khi em tới Mỹ làm nghiên cứu sinh. 

Em hy vọng là, qua câu chuyện này, mặc dù chỉ là câu chuyện cá nhân, nó giúp ích phần nào cho những tranh luận về quốc tế hóa giáo dục đại học hiện nay.

1. Tuyển sinh qua công ty tư vấn du học

Trong một báo cáo gần đây của ACE và ICEF, số trường đại học Mỹ sử dụng công ty tư vấn du học tăng lên khá nhanh, do nhu cầu cấp thiết tìm kiếm sinh viên nước ngoài vào trường đại học ở Mỹ.

Đặc biệt, các trường liberal arts (tạm dịch: "Giáo dục khai phóng") đang phải thu hẹp hoạt động. 

Việc tư vấn du học dễ dẫn đến nguy cơ "lạm dụng" tuyển sinh dựa trên tiền hoa hồng. (Ảnh mang tính minh họa, nguồn: giaoduc.net.vn)
Việc tư vấn du học dễ dẫn đến nguy cơ "lạm dụng" tuyển sinh dựa trên tiền hoa hồng. (Ảnh mang tính minh họa, nguồn: giaoduc.net.vn)

Về vấn đề này, Giáo sư đã chia sẻ quan điểm của mình về việc sử dụng tư vấn du học là một cách làm dễ dẫn đến nguy cơ “lạm dụng” tuyển sinh dựa trên tiền hoa hồng, mà không đếm xỉa đến năng lực, trình độ và mong muốn của sinh viên. 

Tiếc thay, những quan điểm như vậy hiện không còn nhiều người lãnh đạo đại học ở Mỹ quan tâm, và cũng khá nghịch lý, khi luật pháp cấm các đại học Mỹ dùng tiền trả cho dịch vụ tuyển sinh sinh viên Mỹ ở Mỹ, nhưng lại buông lỏng quy định cho việc tuyển sinh sinh viên ở nước ngoài. 

Vậy là, chúng ta có 2 nước Mỹ. Một nước Mỹ cho người Mỹ, sinh viên Mỹ và một nước Mỹ cho sinh viên nước ngoài. 

Với tư duy như vậy, quốc tế hóa giáo dục đại học sẽ để nhằm mục tiêu gì, vì việc đầu tiên của mọi việc trong giáo dục đại học là tuyển sinh, đã khác biệt về đối xử rồi?

Ngoài những vấn nạn sử dụng công ty dịch vụ tuyển sinh sinh viên nước ngoài, từ kinh nghiệm cá nhân, em được biết nhiều trường đại học Mỹ dùng sinh viên của mình, dưới hình thức Hội sinh viên, để tuyển sinh cho trường!

Dưới hình thức hội đoàn, hình thức của cộng đồng cựu sinh viên, nhiều chuyện dối trá và không trung thực về trường, về ngành, về phương thức học tập, đã được tuyên truyền cho các sinh viên tương lai.

Mà cuối cùng, họ đến Mỹ để học, nhưng lại nhận được cái được gọi là “học” hoàn toàn khác với những gì họ được quảng cáo trước đó. 

Vậy, liệu có ai đó cần suy nghĩ lại về việc, quốc tế hóa giáo dục đại học Mỹ thông qua sinh viên quốc tế, mà để gây những thất vọng lớn cho họ, thì nước Mỹ chúng ta được gì, ngoài tiền học họ đóng?

2. Sinh viên quốc tế tại trường: Họ là ai? Họ được đối xử như thế nào? Ai chịu trách nhiệm về sự thành công của sinh viên quốc tế?

Thư ngỏ gửi Giáo sư Phillip Altbach về Quốc tế hóa giáo dục đại học ảnh 2

Du học phải cảnh giác với mạng lưới “tư vấn” đa cấp

Có lẽ ý kiến của em chỉ là cá nhân, nhưng em nhận thấy, chỉ cần nhìn vào sinh viên quốc tế tại trường đại học Mỹ, chúng ta biết được khá nhiều về quan hệ quốc tế giữa Mỹ và các nước trên thế giới!

Những câu hỏi trên đây là câu hỏi cần được trả lời rõ ràng và minh bạch, bởi chúng ta là đất nước cổ xúy cho dân chủ, minh bạch và tự do trong học thuật.

Có lẽ nào, có những sinh viên đến học, họ trả tiền để học, mà không rõ mình có thể tốt nghiệp được hay không? Dịch vụ nào, ai sẽ giúp mình để hoàn thành việc học?

Chúng ta đo lường tỷ lệ bỏ học cho toàn trường, nhưng chưa khi nào em đọc được tỷ lệ bỏ học, tỷ lệ chuyển trường, tỷ lệ nợ xấu môn học và tiền học của sinh viên quốc tế trong các báo cáo. 

Bất chấp nhiều bảng xếp hạng đại học toàn cầu nói về phương pháp họ đo lường tính quốc tế trong nghiên cứu, trong tỷ lệ có sinh viên quốc tế tại trường, nhưng lạ là không có chỉ số nào để nói đến sinh viên quốc tế đến học và thành công (tốt nghiệp, có việc làm, có báo cáo quốc tế, có tham gia dự án quốc tế)…

Vậy, các chỉ số đo lường tính quốc tế hóa của đại học và chương trình học, nhưng không đo lường sự thành công của sinh viên quốc tế, thì những bảng xếp hạng đó có đáng tin cậy không ạ?

Thêm nữa, những thách thức với sinh viên quốc tế, đặc biệt trong việc hội nhập với sinh viên nội địa, cuộc sống địa phương thì bằng cách nào chúng ta giúp đỡ họ?  

Từ trường của em, em thấy khá buồn khi thấy, mặc dù gọi là tổ chức văn hóa quốc tế, hầu như chỉ có vài bạn đại diện tham gia, còn hầu hết hội sinh viên của nước nào biết nước đó, và rất ít giao lưu hay cộng tác thực hiện những hoạt động chung. 

Quốc tế hóa giáo dục đại học có cần lưu ý đến những hoạt động trong lớp và ngoài trường hay không? Cách nào đo lường và đưa ra chỉ số để xác minh về tính hiệu quả thực sự cho sinh viên quốc tế trong những hoạt động này?

3. Nếu bạn là người thích hoạt động vì cộng đồng quốc tế, bạn sẽ được thỏa mãn! 

Thư ngỏ gửi Giáo sư Phillip Altbach về Quốc tế hóa giáo dục đại học ảnh 3

Ba câu chuyện bàn về sự tử tế trong giáo dục của Mỹ hôm nay

Theo trải nghiệm cá nhân, em là nạn nhân của quốc tế hóa giáo dục!

Do tin tưởng vào giáo dục quốc tế và môi trường học của Mỹ, em đến Mỹ làm nghiên cứu về giáo dục đại học, quốc tế hóa giáo dục và tích cực tham gia vào các hoạt động phong trào của sinh viên quốc tế, trong đó gồm các hoạt động phát triển khả năng hội nhập cho sinh viên châu Á ở trường và cộng đồng nơi trường hoạt động.

Hơn hai năm học ở trường, là hai năm học em được giám sát, được quay phim, ghi âm và “nghiên cứu”. 

Hơn thế nữa, những sinh hoạt tình nguyện ở Bảo tàng châu Á, ở các chương trình giao lưu sinh viên quốc tế, ở các hội thảo quốc gia, đều được ghi nhận, “để nghiên cứu” và sử dụng làm tài liệu marketing cho trường và các ngành chuyên môn của trường.

Một ví dụ, khi em muốn làm phim về đời sống sinh viên châu Á, sinh viên Việt Nam ở trường, để giới thiệu về những thách thức mà một sinh viên gặp phải khi đi du học, em được giám đốc marketing (người Mỹ gốc Ấn) hỏi, là tại sao không dùng phim và nội dung này để đi tuyển sinh sinh viên, và nếu em có thể, hãy giới thiệu các đầu mối liên hệ để trường đi tuyển sinh….

Hay, mặc dù em là sinh viên về giáo dục đại học, nhiều giáo sư của em đã yêu cầu em đến tham dự chương trình về tâm lý học, về nghiên cứu phát triển bio, về MBA…

Sau kỳ nghỉ hè em làm việc bán thời gian cho một chương trình chăm sóc trẻ cộng đồng, trường đã có được chương trình mà hiện đang chào mời khắp thế giới (đặc biệt tập trung vào thị trường Trung Quốc, như tất cả các trường khác ở Mỹ đang làm), về đào tạo giáo viên, học và dạy tiếng Anh…

Có lẽ nào, quốc tế hóa giáo dục là tuyển sinh sinh viên bằng mọi cách? Thậm chí, bằng cả việc sử dụng em như một ví dụ sinh viên hiện nay của mình, để tìm cách tuyển sinh, mà không nghĩ gì đến nâng cao chất lượng giáo dục, chất lượng dịch vụ hỗ trợ tốt hơn, bao gồm cả chất lượng giáo viên, cho sinh viên quốc tế?

Điều đáng buồn, theo như nhiều người nói, là ở Mỹ, bạn phải học cách “kiếm tiền”, bằng bất cứ giá nào!

Họ, cả phía trường Mỹ và hệ thống giáo dục của Việt Nam, đang kiếm tiền từ việc sử dụng em trong các hoạt động học thuật và quảng bá chương trình, nhưng cuối cùng, em nhận được gì, ngoài việc không thể chịu đựng nổi những cách làm tiền trên người mình mà đành xin nghỉ học?

Thư ngỏ gửi Giáo sư Phillip Altbach về Quốc tế hóa giáo dục đại học ảnh 4

Gửi con qua các công ty tư vấn du học đạo đức kém là giao trứng cho ác

Chúng ta nói đến đa dạng hóa tri thức, chúng ta coi trọng tính “cộng đồng” trong xã hội Mỹ. 

Vậy, em, một sinh viên quốc tế đến Mỹ học, em tận tâm đóng góp vào hoạt động của trường, của cộng đồng, em được gì ngoài sự lạm dụng (“abuse”)?

Em tin là không chỉ mình em phải đối mặt với tình huống này.

Có lẽ còn nhiều sinh viên khác, đã, đang và sẽ đối mặt với việc khai thác sinh viên quốc tế để nghiên cứu và phát triển thị trường giáo dục ngoài nước Mỹ, và nhân danh quốc tế hóa giáo dục.

Những người như em sẽ nghĩ thế nào về quốc tế hóa giáo dục, liệu có ai quan tâm không?

4. Quốc tế hóa giáo dục hay tối đa hóa lợi nhuận?

Từ những chia sẻ trên đây, và cũng từ những quan sát về quá trình mà các nhà nghiên cứu, các trường đang “đặt tên” cho các hoạt động của mình, “quốc tế hóa giáo dục”, em e ngại là chúng ta đang đi sang con đường không phải là quốc tế hóa giáo dục, mà là “tối đa hóa lợi nhuận”!

Nếu coi giáo dục là một ngành kinh doanh, việc tối đa hóa lợi nhuận không có gì sai.

Duy chỉ có điều, khi đã nói đến tối đa hóa lợi nhuận, cũng theo quy luật của kinh doanh, chúng ta không thể duy trì chất lượng đỉnh cao giáo dục cho đa số được, khi đại học được phổ cập hóa cao độ như bây giờ.

Điều này có lẽ sẽ lý giải cho việc vì sao chất lượng giáo dục đại học, mặc dù có khoác thêm áo “quốc tế” vào, cũng không cứu vãn được chất lượng.

Theo đó, sinh viên tốt nghiệp không đáp ứng được nhu cầu lao động: thị trường lại phản đối sản phẩm do đại học làm ra!

Vậy, khi đề cập đến chủ đề thương mại hóa trong giáo dục đại học và các hoạt động quốc tế, xin hãy minh chứng rõ bằng việc chúng ta có cơ chế và chính sách có thể giúp cho sinh viên quốc tế thành công tại Mỹ.

Và điều này không chỉ dừng lại ở một vài người, mà phải cho đa số sinh viên quốc tế.

Khi nói đến quốc tế hóa giáo dục đại học, hãy chia sẻ những thực tiễn từ bản thân các sinh viên Mỹ, những sinh viên thiểu số và da màu, cũng có thể thành công, bởi vì không thể nào sinh viên Mỹ chưa thành công (đa số), mà sinh viên quốc tế lại có thể hy vọng có nhiều thành công hơn được. 

Liệu có mô hình nào giúp cho việc, sau cách cửa đại học, sẽ không có phân biệt giữa sinh viên Mỹ và sinh viên quốc tế không?

Liệu đến khi nào, chúng ta có được các giáo sư, sẵn lòng cởi mở với sinh viên quốc tế như là sinh viên Mỹ, mà không cần nhớ đến họ tên hay phải nhìn đồng hồ xem giờ trong mỗi buổi gặp mặt?

Thưa Giáo sư Altbach, thầy là một người em kính trọng, không phải vì sự nổi tiếng của thầy hay của Boston College, mà ở sự trung thực và ngay thẳng cần có của một nhà khoa học. 

Những chia sẻ của thầy với mọi người phản ánh đúng thực tế giáo dục đại học Mỹ và hoạt động quốc tế trong hợp tác của nó với các nước trên thế giới, dưới góc nhìn của một nhà nghiên cứu Mỹ. 

Em chỉ nhận thấy, những người như Thầy, như trung tâm CIHE của Boston College không nhiều trong hơn 7000 đại học Mỹ hiện nay. 

Và điều này, cũng là một lý do để sau hơn 3 năm sống và học ở Mỹ, em cũng hiểu ra được, giáo dục của chúng ta đã bị “thương mại hóa” đến cỡ nào.

Những thách thức của một đại học, mà nó không thể tự giải quyết được, trong phạm vi quốc gia, liệu quốc tế hóa giáo dục trong phạm vi toàn cầu, có giúp chúng ta giải quyết được những thách thức đó hay không? Với giá nào?

Hay đây chỉ là cách để chúng ta (nước Mỹ) tìm kiếm thêm nguồn lực hỗ trợ cho hệ thống giáo dục đang bị cắt giảm mạnh nguồn hỗ trợ từ ngân sách liên bang?

Em hy vọng có ai đó có thể trả lời được câu hỏi này ở Mỹ. 

Còn ở Việt Nam, em biết rõ quốc tế hóa giáo dục là một cái tên người ta khoác lên trên những dự án kém hiệu quả, yếu về chất lượng, mà nó đã kéo dài hơn 2 thập kỷ ở Việt Nam, tạo ra gần 3 tỷ đô la Mỹ vay vốn ODA, chỉ để có tiền cho một số lãnh đạo ngành giáo dục, và không đạt được điều gì. 

Nó giống y hệt hiện trạng bây giờ của em, khi sang Mỹ học, với hy vọng quốc tế hóa tri thức giáo dục của mình và ra về trắng tay!

Vậy, nếu là sinh viên Việt Nam, em có thể hỏi, quốc tế hóa giáo dục để làm gì? Liệu ai đang kiếm lợi ích gì từ những chiến dịch quốc tế hóa này?

Nguyễn Thị Lan Hương