LTS: Qua bài viết: "Nhức nhối nghịch lý giữa điểm thi và điểm học khác nhau một trời một vực" của tác giả Sông Trà đăng tải trên Báo điện tử Giáo Dục Việt Nam ngày 26/6/2017, tác giả Thuận Phương cũng tiếp tục đưa ra những quan điểm và lí giải nguyên nhân tại sao lại xảy ra nghịch lý này.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Nhìn vào điểm tổng kết các môn học của con nhiều năm nay luôn nằm từ hàng 9 trở lên thì bất cứ phụ huynh nào cũng nghĩ rằng con mình học rất tốt, mà học tốt thì đương nhiên phải chọn trường có tiếng để thi.
Đó chính là những trường đại học hàng đầu hay trường điểm, trường chuyên lớp chọn ở bậc học phổ thông mới xứng đáng. Vì ảo tưởng này, nhiều học sinh đã mất đi cơ hội tiếp tục được học tập.
Hình ảnh minh họa về thành tích ảo trong giáo dục. (Ảnh: giaoduc.net.vn) |
Ở thị xã chúng tôi có 2 Trường trung học phổ thông nhưng chỉ có một trường luôn được mọi người ca tụng là trường điểm, trường chất lượng cao (tạm gọi là trường X). Bởi vậy, phụ huynh trong vùng ai cũng muốn cho con mình được vào học ở đây.
Trường còn lại trước đây là trường bán công (tạm gọi là trường Y), dù giáo viên có dạy tốt tốt nào thì trong suy nghĩ của nhiều người, học ở ngôi trường này chẳng có gì để tự hào.
Như thông lệ, vào mùa tuyển sinh, đa số học sinh giỏi trong vùng đều đăng kí dự thi vào trường X. Những em có mức điểm thấp hơn sẽ đăng kí học vào ngôi ở trường Y.
Vài năm trở lại đây, các trường trên địa bàn đều tuyển sinh theo hình thức cạnh tranh công bằng. Nếu thí sinh trượt nguyện vọng 1 ở trường này có thể đăng kí học nguyện vọng 2 ở trường còn lại, nhưng phải hơn điểm nguyện vọng 1 bên trường ban đầu đăng kí dự thi 2 điểm trở lên. Và từ đây, nhiều chuyện buồn đã xảy ra sau mỗi mùa thi.
Điểm thấp thi đỗ, điểm cao vẫn trượt
Dũng là học sinh giỏi 9 năm liền và có điểm tổng kết các môn học ở lớp 9 là 9.2 nên Bố Mẹ nhất quyết bắt em làm hồ sơ dự thi vào Trường trung học phổ thông X.
Dù được nhiều người trước đó cảnh báo: “kết quả học tập ở bậc trung học cơ sở khác xa kết quả các em dự thi. Chọn trường đừng quá sức học, nếu không đỗ trường này mà xét tuyển qua trường kia cũng trượt thì chỉ ở nhà hoặc đi học bổ túc thôi”.
Nhưng Bố Mẹ Dũng đã phủ nhận những lời cảnh báo đó và họ cho rằng: “con mình năm nào cũng là học sinh giỏi, điểm tổng kết lại cao như vậy nên không thể trượt được. Nó mà trượt thì thiên hạ trượt hết hay sao?”
Ai chống được căn bệnh gian dối, thành tích ảo trong giáo dục? |
Kỳ thi vào lớp 10 năm nay, Dũng chỉ đạt 27 điểm trong khi điểm chuẩn vào Trường trung học phổ thông X là 32 điểm và Trường trung học phổ thông Y là 26 điểm, nhưng muốn đậu vào trường Y theo nguyện vọng 2 thì Dũng phải đạt 28 điểm.
Với kết quả như vậy, Dũng chắc chắn bị trượt và không còn cơ hội vào học ở trường nào. Mẹ Dũng khẳng định “do nó làm sơ xuất hay thầy cô chấm nhầm. Sao có thể 9 năm liền học sinh giỏi mà thi vào lớp 10 lại không đỗ?”
Dũng chỉ là một trong rất nhiều trường hợp giống như em, dù đạt học sinh giỏi trong nhiều năm, nhưng điểm thi 3 môn có em chỉ đạt 15, 16 điểm.
Có em may mắn hơn vì ngay từ đầu đã biết lượng sức mình để chọn trường phù hợp. Ngược lại, cũng có nhiều trường hợp các em chỉ là học sinh trung bình trong các năm nhưng điểm thi vào 10 lại rất tốt.
Cũng không riêng gì kỳ thi vào 10, kỳ thi quốc gia hai năm vừa qua cũng có không ít em là học sinh giỏi 3 năm liền nhưng kết quả thi lại không bằng một số bạn có lực học bình thường.
Do đặt quá nhiều kì vọng vào con nên không ít phụ huynh đã áp đặt các em đăng kí vào những trường có điểm tuyển sinh rất cao như: kinh tế, ngoại thương, y dược… Nhưng, với kết quả đạt được của các em đã khiến nhiều người vô cùng ngạc nhiên, thất vọng và đặt ra câu hỏi “vì sao lại có sự chênh lệch điểm vô lý như vậy?”
Đi tìm nguyên nhân của nghịch lý
Trên thực tế, cũng không khó để lý giải chuyện tưởng như vô lý đó lại bắt nguồn từ những nguyên nhân rất thực tế, nhưng một số người lại cố tình không chịu hiểu.
Ở bậc tiểu học, các em học sinh được Bố mẹ dạy học ngay từ nhỏ, những gia đình có điều kiện giao hẳn cho cô dạy và chăm sóc thêm cho con.
Những học sinh này cuối năm phần lớn đều đạt học sinh giỏi. Những năm học trung học cơ sở, trung học phổ thông các em vẫn thường xuyên đi học thêm hoặc học kèm với thầy cô giáo dạy chính bộ môn ở trên lớp.
Chuyện làm trước đề thi, ưu tiên cho “gà” của mình vẫn đang tồn tại và thường xuyên xảy ra trong môi trường giáo dục. Những học sinh này, đương nhiên sẽ đạt điểm cao trong các lần kiểm tra, lần thi ở trường dù thực lực của các em chưa được thế.
Có giáo viên trăn trở: “phụ huynh tin tưởng giao con cho mình dạy nhưng nếu nó không đạt danh hiệu tiên tiến, xuất sắc cũng khó ăn nói với họ”.
Đây là các tuyệt chiêu không thể ngờ của giáo viên để đảm bảo chỉ tiêu |
Bên cạnh đó, cũng có không ít học sinh bức xúc lên tiếng: “những bạn ấy lực học bình thường nhưng do biết đề nên cứ đạt điểm 9, 10. Tụi con không đi học thêm dù cố gắng bao nhiêu cũng vẫn thua các bạn ấy vì trong đề kiểm tra bao giờ cũng có từ 1 - 2 bài rất khó.”
Ở lớp 12, nhiều em đi học thêm thường chọn thầy cô đang dạy trên lớp để được lợi, những đề kiểm tra 15 phút, 1 tiết đều được biết trước và biết được thầy cô sẽ ra đề thế nào. Bởi, ở lớp học thêm các em đã được luyện trước.
Ngoài ra, theo tâm lý và không loại trừ cả sự chỉ đạo ngầm của nhà trường mà giáo viên thường phải nhẹ tay trong việc đánh giá, nhận xét học sinh nhằm tạo cho các em lợi thế để xét tốt nghiệp. Bởi vậy, không ít giáo viên “phóng tay” ban phát điểm 9,10 như một đặc ân của mình đối với các học sinh.
Từ thực tế, việc áp dụng tính điểm tổng kết lớp 12 vào điểm xét tốt nghiệp vài năm trở lại đây mà lượng học sinh giỏi, tiên tiến của các trường bỗng tăng lên một cách đột biến.
Phó thác chuyện dạy dỗ con cái cho giáo viên theo kiểu: “hàng tháng trả tiền đầy đủ thì thầy cô phải có trách nhiệm”. Thế rồi, cuối năm Bố Mẹ cứ nhìn vào bảng tổng kết điểm của con, nhìn vào những thành tích mang về mà thấy vui mừng, phấn khởi rằng con mình học tập giỏi giang nên sinh ra ảo vọng để nhận lại không ít kết cục đau buồn.