LTS: Liên quan đến việc kê khai và giám sát tài sản của cán bộ, quan chức, thời gian vừa qua báo chí có đề cập đến sự giàu có của một số người nhà cán bộ ở tỉnh Yên Bái.
Bên hành lang Quốc hội tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa 14, phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã trao đổi với đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc, đoàn Đồng Nai về vấn đề này.
Theo vị đại biểu này, việc giám sát tài sản cán bộ hiện còn nhiều mặt tồn tại và có việc phân tán tài sản là đương nhiên để giữ cái lợi cho mình.
Đại biểu Dương Trung Quốc đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai (ảnh Trinh Phúc). |
Người nhà cán bộ giàu lên một cách bất thường, thời gian qua báo chí có đề cập đến một số thông tin nghi vấn về tài sản của cán bộ, ông đánh giá như thế nào về hiện tượng này?
-Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc: Vấn đề giám sát tài sản không phải là việc riêng của nước mình mà nước nào cũng thế, cũng phải có giải pháp. Rồi chúng ta cũng phải hướng tới đánh thuế vào tài sản. Cho nên, cần có pháp luật điều chỉnh dần.
Từ đó, người dân mới thành ý thức tuân thủ. Từ sự tuân thủ của từng người lâu dần sẽ thành tập quán trong việc kiểm kê tài sản.
Bên cạnh đó,theo tôi là cần những chế tài rất nặng. Ở các nước, việc lậu thuế, trốn thuế là một tội nặng nhất của công dân. Muốn có thuế thì phải công khai tài sản cá nhân.
Chúng ta vẫn luôn nói về chuyện đó nhưng không tạo ra môi trường, những công cụ nên nói để mà nói thôi.
Như các chuyện phân tán tài sản là đương nhiên. Vì, người ta luôn mong muốn để giữ cái lợi cho mình và để tránh sự điều chỉnh của pháp luật.
Do đó, ta cần chế tài để điều chỉnh cái đó. Nếu có thuế đánh vào tài sản, tất cả công dân là vợ, là chồng, là con đều bị điều chỉnh.
Theo ông bên cạnh hoàn thiện luật pháp thì chúng ta cần thiết có biện pháp gì thêm nữa?
Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc: Như ở nước ta, việc minh bạch và công khai tài sản chưa trở thành tập quán xã hội thì phải dùng dư luận xã hội như một kênh để điều chỉnh.
Do đó, trong vấn đề giám sát tài sản cá nhân vai trò báo chí rất quan trọng. Khi báo chí đề cập thì theo nguyên tắc các cơ quan nhà nước phải trả lời.
Khi nêu tên ông A, ông B nào đó thì cơ quan có trách nhiệm liên quan đến các nhân vật ấy buộc phải trả lời đúng hay là sai.
Xã hội chúng ta chấp nhận mọi người làm giàu. Một quan chức giàu có một cách chính đáng thì chúng ta mừng.
Nhưng không chính đáng hay không chính đáng rất khó để làm rõ. Nên khi đề cập đến tài sản của cán bộ và người nhà của họ thì luôn tạo ra bức xúc trong xã hội.
Vậy thì cơ quan có trách nhiệm, có điều kiện để tiếp cận thông tin thì phải trả lời, làm sáng tỏ những gì mà dư luận đang hoài nghi.
Trong khi chúng ta chưa có biện pháp hữu hiệu chỉ mặt đặt tên những vấn đề nổi cộm liên quan đến tài sản cán bộ thì dư luận lại rất bức xúc. Vậy theo ông cần phải làm thế nào để dư luận hiểu đúng, hiểu rõ về vấn đề này?
- Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc: Trước hết đoàn đại biểu Quốc hội của địa phương nào có dư luận về tài sản của cán bộ địa phương đó nên cần phải có tiếng nói, nêu lên vấn đề.
Tiếng nói của đại biểu Quốc hội - cơ quan dân cử thì về nguyên lý mà nói các cơ quan có trách nhiệm sẽ phải trả lời.
Như vậy, nếu làm quyết liệt đến cùng thì sự trả lời sẽ làm giải tỏa được tất cả vấn đề.
Tướng Công an Yên Bái phủ nhận sở hữu biệt thự lớn trên khu đất hơn 10.000m2 |
Càng ngày dư luận càng chú ý đến tài sản của cán bộ, ông bình luận như thế nào?
- Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc: Tôi cho rằng đó là sự giám sát của xã hội.
Một mặt thực trang này nó biểu hiện, biểu thị năng lực, một sự không minh bạch. Muốn làm như vậy thì cần phải giám sát.
Vai trò của Mặt trận Tổ quốc và Nhân dân tham gia giám sát và phản biện xã hội đã được khẳng định, do đó cần phải làm gì để nâng cao hiệu quả giám sát?
- Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc: Thực ra, về mặt nguyên lý chúng ta đã có, về mặt pháp lý chúng ta không thiếu gì cả. Vấn đề là thực thi thôi.
Trong thực thi có rất nhiều yếu tố, kể cả yếu tố tập tính của người mình là nể nang né tránh. Rồi cơ chế của mình nữa, luôn luôn phụ thuộc nhau về quyền lợi.
Mặc dù, tôi làm phó anh chỗ này nhưng anh lại làm phó tôi ở chỗ khác. Mỗi người tìm giải pháp vì lợi ích cá nhân mà không nhìn thấy lợi ích xã hội, không tác động vào sự thay đổi tích cực của xã hội.
Đó là một cái trì trệ vốn có của xã hội hiện nay. Trong thời điểm hiện nay, tôi cho rằng vai trò dư luận và của báo chí rất quan trọng.
Tuy nhiên, báo chí đưa cần thận trọng đúng mức. Nhưng tiếng nói đến mức độ nào đó tôi nghĩ vẫn có tích cực.
Trân trọng cảm ơn ông!