Ông Bùi Kiến Thành: "Phải nghiêm trị những biểu hiện lợi ích cá nhân, cục bộ"

02/07/2017 07:15
Mai Anh
(GDVN) - Theo ông Bùi Kiến Thành, đẩy nhanh tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước cần phải thay đổi từ tư duy không thể vừa muốn bán vừa muốn giữ lại để quản lý.

Cơ cấu vốn nhà nước chưa đạt mục tiêu

Tại Hội thảo "Đẩy mạnh tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước thực chất và hiệu quả", nhìn lại quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước thời gian qua, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước chậm, chưa đi vào thực chất. 

Theo báo cáo của CIEM trong giai đoạn tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước 2011-2015, chúng ta đã đạt 93% kế hoạch cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước về số lượng, nhưng chất lượng thấp. 

Giai đoạn này đã có 508 doanh nghiệp được cổ phần hóa, tuy nhiên, tỷ lệ vốn do Nhà nước nắm giữ vẫn ở mức 81%, điều này cho thấy vốn Nhà nước được chuyển đổi sở hữu vẫn thấp, chưa đạt yêu cầu và chưa có dấu hiệu cải thiện. 

Trong 128 doanh nghiệp được cổ phần hóa năm 2015 chỉ bán được 36% số cổ phần chào bán. Sau khi cổ phần nhà nước vẫn nắm giữ 81% vốn điều lệ doanh nghiệp.

Trong năm 2016, Việt Nam cổ phần hóa được 52 doanh nghiệp nhà nước và trong 5 tháng đầu năm 2017 cổ phần hóa được 15 doanh nghiệp và 2 đơn vị sự nghiệp.

Quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước chậm, chưa đi vào thực chất - ảnh minh họa/ nguồn Tạp chí Tài chính
Quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước chậm, chưa đi vào thực chất - ảnh minh họa/ nguồn Tạp chí Tài chính

Bên cạnh đó, qua theo dõi đấu giá cổ phần trên sàn chứng khoán cho thấy, quy mô của các doanh nghiệp nhà nước lên sàn ngày càng lớn, có 17% doanh nghiệp có vốn trên 1.000 tỷ đồng, trong đó có 1 doanh nghiệp trên 10.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, cổ phần đưa ra đấu giá vẫn nhỏ so với vốn điều lệ, với chỉ có khoảng 20-30% số cổ phần được đưa ra đấu giá, chưa kể trên thực tế số cổ phần trúng đấu giá còn thấp hơn, khoảng 12%. Như vậy khi cổ phần bán được ít nghĩa là việc cơ cấu lại vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp nhà nước chưa đạt mục tiêu.

Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, một chủ trương lớn, mở đường giải phóng nguồn vốn dành cho đầu tư phát triển trong tương lai. Chính vì thế ngay từ khi được bầu giữ chức Thủ tướng Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc liên tục có những chỉ đạo nhằm đẩy mạnh quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.

Quan điểm chỉ đạo của Thủ tướng rất rõ ràng qua các buổi làm việc với bộ, ngành. Đơn cử như buổi làm việc của với Bộ Công Thương vào tháng 11/2016, Thủ tướng nhấn mạnh việc cổ phần hóa và thoái vốn Nhà nước khỏi những lĩnh vực Nhà nước không cần nắm giữ là chủ trương lớn của Chính phủ. 

Tinh thần của Thủ tướng là Chính phủ không bán bia, bán sữa, thoái vốn để thu hút nguồn lực từ người dân, nhà đầu tư nước ngoài.

Ông Bùi Kiến Thành: "Phải nghiêm trị những biểu hiện lợi ích cá nhân, cục bộ" ảnh 2

 Không được bày thêm thủ tục rắc rối làm chậm cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước

Cuối năm 2016, tại Hội nghị toàn quốc Triển khai công tác sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp Nhà nước giai đoạn 2016-2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định việc sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước trong đó có cổ phần hóa là nhiệm vụ chính trị quan trọng trong năm 2017 của tất cả các bộ, ngành.

Thủ tướng chỉ đạo nhiệm vụ giai đoạn 2016-2020 là cần phải xác định lĩnh vực nào Nhà nước cần nắm giữ, lĩnh vực nào Nhà nước cần rút ra.

Quan điểm của Chính phủ là những lĩnh vực dịch vụ công ích thì Nhà nước nắm cổ phần chi phối, còn lại rút ra để tư nhân làm.

Được giao nhiệm vụ theo dõi việc thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu bộ, ngành không được bày thêm thủ tục rắc rối làm chậm cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng nhấn mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước nhưng phải tránh việc tư nhân hóa, tài sản Nhà nước thành tài sản cá nhân một số ít người.

Chậm do lợi ích cục bộ

Nhìn vào con số báo cáo của CIEM về cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành cho rằng, mặc dù có những chỉ đạo quyết liệt từ Chính phủ nhưng việc cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước chưa đạt được mục tiêu do lợi ích cục bộ.

“Lợi ích cục bộ với những quan hệ thân hữu là rào cản lớn dẫn đến cổ phần hóa chậm. Cổ phần hóa chậm nhưng chưa có cơ chế, chế tài xử lý cán bộ làm sai, xử lý cán bộ lãnh đạo cố tình trì hoãn việc cổ phần hóa”, ông Thành cho nói.

Theo ông Bùi Kiến Thành, có nhiều nguyên nhân khiến tiến trình cổ phần hóa chậm lại, trong đó vướng mắc lớn nhất là lợi ích và động lực. Lợi ích thể hiện ở vấn đề quyền lợi và lợi ích nhóm trong các doanh nghiệp nhà nước.

Khi nói cổ phần hóa lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước nào cũng tán thành nhưng thực chất ngay bộ máy lãnh đạo cao nhất của doanh nghiệp nhà nước họ biết cổ phần hóa sẽ ảnh hưởng đến lợi ích, đến chiếc ghế của họ.

Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành cho rằng cần phải thay đổi từ tư duy trong chủ trương cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước - ảnh: Hoàng Lực
Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành cho rằng cần phải thay đổi từ tư duy trong chủ trương cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước - ảnh: Hoàng Lực

Chính bản thân lãnh đạo doanh nghiệp không có động lực để cổ phần hóa trong khi nhiệm vụ cổ phần hóa lại được Chính phủ giao cho các bộ, ngành, bộ ngành lại yêu cầu doanh nghiệp xây dựng đề án cổ phần hóa.

“Rõ ràng không thể trông chờ vào lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước để đẩy nhanh quá trình cổ phần hóa bởi cổ phần hóa sẽ ảnh hưởng đến chức quyền của họ trong doanh nghiệp, không ai tự làm mất quyền lợi của mình. Động lực không có nên quá trình cổ phần hóa diễn ra chậm”, ông Thành chỉ rõ.

Nhấn mạnh hơn đến quan hệ thân hữu, lợi ích cục bộ trong doanh nghiệp nhà nước, ông Bùi Kiến Thành cho biết, lợi ích cục bộ trong doanh nghiệp nhà nước thể hiện ngay trong vấn đề bổ nhiệm nhân sự. 

Với quan hệ thân hữu cộng với lợi ích đi cùng dẫn đến việc bổ nhiệm nhân sự tại doanh nghiệp nhà nước là một góc khuất. Đơn cử như câu chuyện bổ nhiệm Vũ Quang Hải (con trai ông Vũ Huy Hoàng) nếu không phải vì là con của Bộ trưởng liệu có thăng tiến “thần tốc” như vậy?

Cần thay đổi từ tư duy

Ngoài vấn đề quan hệ thân hữu, lợi ích làm chậm cổ phần hóa, ông Bùi Kiến Thành cho rằng, tư duy cổ phần hóa và cách thực hiện của chúng ta đang có vấn đề.

“Các nước không nói cổ phần hóa mà người ta nói thẳng là tư nhân hóa, tư duy cổ phần hóa hiện nay không chuẩn, mình nói vấn đề cổ phần hóa để tránh động đến vấn đề tư nhân hóa.

Cổ phần hóa là bán quyền sở hữu doanh nghiệp cho tư nhân nhưng chúng ta chỉ bán lèo tèo 5-10% vẫn giữ lại trên 51% cổ phần để quản lý. Cách làm như vậy không hiệu quả được”, ông Thành nhấn mạnh.

Ông Bùi Kiến Thành: "Phải nghiêm trị những biểu hiện lợi ích cá nhân, cục bộ" ảnh 4

 Ai cản trở, ai thao túng chủ trương cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước?

Theo ông Thành, doanh nghiệp nhà nước quản lý không tốt dẫn đến thua lỗ vì thế cần cổ phần hóa để đưa thành phần kinh tế khác tham gia bỏ vốn, tham gia quản lý.

Tuy nhiên khi nhà nước vẫn nắm cổ phần lớn, như vậy nguyên tắc công ty cổ phần thì vai trò quản lý định hướng doanh nghiệp vẫn do nhà nước nắm giữ.

Nói cách khác lãnh đạo doanh nghiệp vẫn là nhà nước chỉ thay đổi tên gọi và quyền sở hữu thay vì doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thì nay là doanh nghiệp cổ phần nhưng nhà nước vẫn chiếm cổ phần trên 50% thậm chí trên 65%, 80%.

“Bán đi số lượng cổ phần nào đó rồi vẫn anh công chức đó làm quản lý doanh nghiệp, vẫn thói quen “sáng cắp ô đi chiều cắp ô về”, ông Thành thẳng thắn chỉ ra bất cập.

Theo ông Thành cần phải nhìn lại phương pháp cốt lõi của cổ phần hóa. Vị chuyên gia kinh tế này cho rằng, Việt Nam có thể nhìn bài học cổ phần hóa của Vương Quốc Anh trong giai đoạn 1979 – 1990 dưới sự lãnh đạo của cố Thủ tướng Anh bà Margaret Thatcher.

Theo ông Thành bà Thatcher đóng góp lớn trong việc nền kinh tế ốm yếu của nước Anh bằng đường lối cứng rắn thể hiện trong việc tư nhân hóa doanh nghiệp nhà nước.

Cụ thể, nước Anh giai đoạn trước những năm 90 của thế kỷ trước hầu hết các doanh nghiệp đều là của nhà nước. Tuy nhiên dưới sự điều hành của bà Thatcher, Chính phủ Anh đã tư nhân hóa bán cổ phần cho tư nhân.

“Tôi cho rằng chúng ta có thể nghiên cứu cách làm của những nước như Anh đặc biệt cách làm của bà Thatcher, để thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp tới nơi tới chốn.

Cụ thể, nhà nước cần xác định lĩnh vực nào nhà nước cần nắm giữ thì cứ nắm giữ 100% cổ phần và quản lý, ngược lại lĩnh vực không cần nắm giữ cho tư nhân làm thì bán hết 100% cổ phần không nên “nửa nạc nửa mỡ” không nên có tâm lý vừa muốn bán cổ phần nhưng vừa muốn quản lý điều hành doanh nghiệp”, ông Thành cho biết.

Trước câu hỏi việc bán ồ ạt 100% cổ phần của doanh nghiệp nhà nước một lúc có thể dẫn đến bán giá thấp hơn giá trị thực tế, gây thiệt hại cho nhà nước, ông Thành cho rằng, không khó giải quyết bởi trước khi bán chúng ta phải kiểm toán đánh giá giá trị của doanh nghiệp.

“Cần thuê đơn vị kiểm toán chuyên nghiệp tiến hành kiểm toán đặc biệt doanh nghiệp để định giá. Kiểm toán đó sẽ làm rõ không chỉ tài sản vật chất như nhà xưởng, máy móc, đất đai mà còn là thương hiệu của doanh nghiệp.

Đồng thời đánh giá tổng quan về vốn chủ sở hữu, tình hình kinh  của doanh nghiệp đồng thời công khai định giá. Cách làm minh bạch như vậy vừa thu hút nhà đầu tư vừa không lo bán giá thấp”, ông Thành nói.

Mai Anh